Dòng chảy

TP.HCM bắt đầu sắp xếp lại 80 phường tại 10 quận

Thành Minh 02/12/2024 - 06:17

Nghị quyết 1278/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023-2025 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Theo đó, từ đầu tháng 12, TP.HCM sẽ sắp xếp lại 80 phường tại 10 quận (3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp và Phú Nhuận) để hình thành 41 phường mới, sau sắp xếp giảm 39 phường so với hiện tại.

Sau sắp xếp, TP.HCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 16 quận, 5 huyện và 1 thành phố; 273 đơn vị hành chính cấp xã gồm 210 phường, 58 xã và 5 thị trấn.

Về lộ trình sắp xếp 80 phường từ ngày 1/12/2024, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết việc sắp xếp 80 phường trên địa bàn TP.HCM sẽ được tiến hành theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 1/12, các địa phương tiến hành sắp xếp, thành lập, sáp nhập tổ chức bộ máy các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội; chỉ định Ban Chấp hành, Bí thư, Phó Bí thư các phường; bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường mới. Đến cuối năm 2024, quá trình này sẽ hoàn tất và bộ máy mới đi vào hoạt động.

Việc thay đổi con dấu, bảng tên, bảng hiệu các cơ quan, đơn vị theo tên mới; sắp xếp cơ sở vật chất, tài sản, tài chính… cũng được thực hiện trong giai đoạn này.

Giai đoạn 2 từ ngày 1/1-2025, sẽ tập trung vào việc hoàn thiện tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức sau sắp xếp, chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2025 – 2030.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết: "Thành phố đang nỗ lực hết sức để hoàn thành việc sắp xếp 80 phường đúng tiến độ. Tuy nhiên, việc thực hiện đồng bộ nhiều công việc như điều chỉnh ranh giới, cập nhật dữ liệu, bố trí lại cơ sở vật chất... trong thời gian ngắn là một thách thức".

Nguyên tắc của thành phố là tránh gây xáo trộn

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, việc sắp xếp có thể gây ra một số bất tiện nhất định cho người dân trong thời gian đầu, như việc thay đổi địa chỉ, thủ tục hành chính...

Khi tiến hành sắp xếp, nguyên tắc của thành phố là tránh gây xáo trộn, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức và nhân dân. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thay đổi giấy tờ khi có nhu cầu và không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện chuyển đổi giấy tờ cho người dân do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.

Việc giảm số lượng phường sẽ giúp tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng ngân sách. Tuy nhiên, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng dịch vụ công không bị ảnh hưởng.

Bộ máy nhân sự tại 80 phường là 3.137 người. Sau khi sắp xếp giảm 39 phường thì còn 2.115 người. Như vậy, số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách tại cơ sở bị dôi dư sau sắp xếp là 1.022 người.

TP.HCM chưa xảy ra tình trạng cán bộ rời bỏ khu vực công sau khi sắp xếp đơn vị hành chính. Cán bộ đa số đều đạt chuẩn, có trình độ chuyên môn cao nên có thể điều chuyển từ vị trí này qua vị trí khác khi dôi dư. Các trường hợp được sắp xếp nghỉ hưu trước tuổi, tinh giản biên chế là người có sức khỏe yếu hoặc đến tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Thành phố sẽ xử lý số lượng nhân sự dôi dư theo lộ trình cụ thể từ nay đến năm 2029. Thành phố phân chia rõ những vị trí cần sắp xếp trước ngày 1/1/2025, những vị trí được sắp xếp trong năm 2025 và những vị trí sẽ sắp xếp từ nay đến năm 2029.

Số lượng cán bộ dôi dư sau sáp nhập phường sẽ gồm: bí thư, chủ tịch UBND phường, chủ tịch hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi, bí thư Đoàn Thanh niên... Các vị trí cần thực hiện sắp xếp trước ngày 1/1/2025 là bí thư và chủ tịch phường. Hay như các chức danh cấp trưởng phải sắp xếp trước ngày 1/1/2025.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại TP.HCM có thể gặp khó khăn ban đầu là bộ máy của đơn vị hành chính mới sẽ dôi dư từ 1 đến 2 bí thư, chủ tịch. Thành phố cần thực hiện bố trí trước ngày 1/1/2025.

Đối với các vị trí khác, Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thành phố lộ trình 5 năm để sắp xếp, tinh giản dần.

Theo đó, chậm nhất 5 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành, số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính sau sắp xếp phải bảo đảm đúng theo quy định.

Trường hợp đặc biệt, địa phương cần báo cáo Bộ Nội vụ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Số lượng nhân sự dôi dư sẽ được sắp xếp theo phương án nhân sự của từng quận. Số nhân sự này có thể được điều động đến vị trí khác, về các phòng, ban của quận còn thiếu nhân sự hoặc tiếp nhận để làm công chức; cũng có thể điều chuyển về các sở, ngành của thành phố.

.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM bắt đầu sắp xếp lại 80 phường tại 10 quận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO