TP.HCM bắt đầu công bố hết dịch sởi
Tính đến tuần 12/2025 đã có 22 phường, xã thuộc Quận 1, Quận 4 và huyện Củ Chi đủ điều kiện công bố hết dịch sởi, Sở Y tế đã có báo cáo và đề nghị UBND Thành phố ban hành quyết định công bố hết dịch sởi tại các phường xã này theo quy định.

Ngay từ đầu năm 2024, trước thực trạng gián đoạn tiêm chủng vắc xin sởi trong và sau đại dịch COVID-19 cùng với kinh nghiệm ứng phó từ các đợt dịch sởi trước, Ngành Y tế đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch sởi. Cụ thể, Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch tiêm bù vắc xin sởi cho trẻ, đồng thời, Sở Y tế Thành phố đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố (HCDC) và các bệnh viện tăng cường mạng lưới giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh sởi đầu tiên trên địa bàn Thành phố.
Ngày 23/5/2024, các ca sởi đầu tiên đã sớm được phát hiện sau hơn 2 năm không ghi nhận ca bệnh trên địa bàn Thành phố. Song song với việc giám sát sự xuất hiện và lưu hành của vi-rút sởi, Sở Y tế đã chỉ đạo HCDC phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng 1 và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tiến hành khai thác mẫu lưu trữ tại ngân hàng huyết thanh nhằm đánh giá miễn dịch cộng đồng. Kết quả cho thấy tỷ lệ trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi có kháng thể phòng bệnh sởi chỉ đạt 86%, trong khi để có thể bảo vệ cộng đồng trước bệnh sởi, tỷ lệ miễn dịch cần đạt trên 95%, sử dụng công cụ đánh giá nguy cơ dịch sởi, kết quả cho thấy TP.HCM có nguy cơ bùng phát dịch sởi rất cao.
Dựa trên những căn cứ khoa học này, Sở Y tế đã tham mưu UBND Thành phố công bố dịch sởi. Đồng thời, Sở Y tế đã chủ động triển khai kế hoạch bảo vệ trẻ có nguy cơ cao. Theo đó, các bệnh viện thực hiện rà soát, lập danh sách trẻ có bệnh lý nền, bệnh bẩm sinh đang được quản lý, điều trị tại bệnh viện để tư vấn tiêm chủng và tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ ngay khi đủ điều kiện. Động thái này góp phần quan trọng trong việc bảo vệ trẻ trước nguy cơ dịch sởi, đặc biệt khi Thành phố còn tiếp nhận các ca bệnh từ các tỉnh khác, làm tăng nguy cơ lây lan.
Ngày 27/8/2024, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định công bố dịch sởi trên toàn Thành phố. Đây là cơ sở pháp lý để Thành phố thực hiện đầy đủ các biện pháp kiểm soát dịch sởi trên địa bàn. Theo đó, Thành phố đã chủ động sử dụng ngân sách địa phương để mua vắc xin phòng chống dịch.
Ngày 31/8/2024, chỉ 3 ngày sau khi quyết định công bố dịch được ban hành, chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi đã được triển khai trên toàn thành phố. Chiến dịch được thực hiện xuyên suốt, kể cả các ngày lễ, và chỉ trong những ngày đầu tiên đã có 5.034 trẻ được tiêm và theo dõi tiêm an toàn. Sở Y tế cũng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin sởi tại các trường học. Sáng ngày 7/9/2024, Thành phố đã chính thức khởi động chiến dịch tiêm vắc xin tại trường học, với 1.156 trẻ đã được tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi trong ngày đầu tiên.
Trong không khí quyết liệt của chiến dịch tiêm chủng, các hệ thống tiêm chủng tư nhân đã bày tỏ ý định đồng hành cùng Sở Y tế. Nhận thấy đây là giải pháp tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận dịch vụ tiêm chủng phòng chống dịch, Sở Y tế đã đồng thuận và giao HCDC hướng dẫn, giám sát 112 điểm tiêm của các cơ sở tiêm chủng tư nhân. Các cơ sở này đã bắt đầu tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi miễn phí cho trẻ em từ 1 đến 10 tuổi trên địa bàn, kể cả thứ bảy và chủ nhật. Chiến dịch tiêm chủng trên toàn thành phố diễn ra an toàn, những sự cố bất lợi đã được giám sát, báo cáo và xử lý theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Song song với việc triển khai chiến dịch tiêm chủng, các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, điều tra và xử lý dịch tại cộng đồng vẫn được duy trì hiệu quả. Trong quá trình giám sát, cơ quan chức năng đã ghi nhận sự gia tăng số ca mắc ở nhóm tuổi từ 6-9 tháng tuổi. Đây là nhóm tuổi còn nhỏ, chưa đủ tuổi để tiêm vắc xin phòng bệnh sởi theo chương trình tiêm chủng mở rộng, trong khi kháng thể từ mẹ truyền sang có thể đã giảm dưới mức bảo vệ. Trước thực tế đó, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản kiến nghị với Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin sởi cho trẻ em trong độ tuổi này.
Ngày 12/11/2024, TP.HCM bắt đầu triển khai tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ Y tế. Tính đến ngày 23/3/2025, chiến dịch tiêm vắc xin sởi đã tiêm được 280.244 mũi tiêm trên toàn thành phố. Trong đó, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi cho nhóm trẻ từ 1 đến 5 tuổi đạt 100%, nhóm trẻ từ 6 đến 10 tuổi đạt 99,51% so với số trẻ đã rà soát được. Chiến dịch tiêm chủng đã góp phần kiểm soát dịch sởi tại Thành phố.
Bên cạnh các hoạt động phòng chống dịch tại cộng đồng, hoạt động chăm sóc điều trị cũng được Sở Y tế quan tâm chỉ đạo sâu sát. Tính từ đầu đợt dịch đến nay, các bệnh viện của TP.HCM đã tiếp nhận 8087 ca bệnh sởi từ các quận huyện của Thành phố (trong đó có 4781 ca nội trú và 3306 ca ngoại trú) và 12.226 ca bệnh sởi từ các tỉnh khác (trong đó 7681 ca nội trú và 4545 ca ngoại trú). Số lượng bệnh nhân rất lớn như vậy đòi hỏi các bệnh viện của Thành phố phải tập trung nhân lực phục vụ công tác khám và điều trị, tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, đảm bảo dự trữ đầy đủ thuốc, dịch truyền, vật tư chống dịch.
Từ đầu tháng 9/2024, Sở Y tế tổ chức họp chuyên gia thống nhất chỉ định sử dụng Immuno-globulin (IVIG) trong điều trị bệnh sởi đối với từng đối tượng bệnh nhân cụ thể, đưa ra các bước tiếp cận và chỉ định sử dụng IVIG. Sở Y tế đã giao 4 bệnh viện tuyến cuối cập nhật Hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh sởi và đã được Hội đồng khoa học công nghệ Sở Y tế thống nhất thông qua và trình Bộ Y tế. Những nỗ lực trong công tác điều trị đã góp phần kiểm soát số ca nặng và tử vong do bệnh sởi. Trong tổng số 8087 ca mắc của Thành phố, có 151 ca cần hỗ trợ hô hấp, chiếm tỷ lệ 1,6%; số tử vong là 7 ca chiếm tỷ lệ 1/1000, gồm những trẻ em có bệnh lý bẩm sinh hoặc bệnh lý nền nặng và không được tiêm chủng trước đó.
Tính từ tuần thứ 2 của năm 2025 đến nay, số ca bệnh hàng tuần tại TP.HCM đang có xu hướng giảm nhanh ở tất cả các lứa tuổi. Đặc biệt, tính đến tuần 12/2025, đã có 50 phường, xã thuộc 13 quận, huyện và TP. Thủ Đức không ghi nhận ca sởi mới trong 3 tuần liên tiếp trở lên. Sở Y tế đã thực hiện quy trình thẩm định hồ sơ và báo cáo UBND Thành phố công bố hết dịch bệnh sởi tại 22 phường, xã đủ điều kiện (cụ thể là không ghi nhận ca mắc mới sau 21 ngày liên tiếp và đã triển khai đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định).
Sau khi công bố hết dịch, Thành phố vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ trong cộng đồng và trường học để kịp thời xử lý, ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch trở lại. Công tác tiêm chủng vẫn được triển khai để đảm bảo trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm đủ 02 mũi vắc xin sởi, đồng thời tổ chức tiêm bù cho trẻ chưa được tiêm đầy đủ. Bên cạnh đó, công tác truyền thông được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của tiêm chủng, khuyến khích phụ huynh đưa trẻ đi tiêm đúng lịch và duy trì các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.
Ngành Y tế Thành phố khuyến cáo người dân không nên chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch sởi. Để phòng chống dịch sởi hiệu quả, người dân cần chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch tiêm chủng mở rộng, rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, ăn uống đầy đủ, nâng cao thể lực và giữ gìn vệ sinh môi trường sống.

Danh sách 22 phường xã tại TP.HCM đủ điều kiện để công bố hết dịch sởi
TT | Quận/Huyện | Phường/Xã |
1 | Quận 1 | Bến Nghé |
2 | Bến Thành | |
3 | Nguyễn Thái Bình | |
4 | Phạm Ngũ Lão | |
5 | Huyện Củ Chi | An Nhơn Tây |
6 | An Phú | |
7 | Nhuận Đức | |
8 | Phạm Văn Cội | |
9 | Phú Hòa Đông | |
10 | Phú Mỹ Hưng | |
11 | Phước Thạnh | |
12 | Phước Vĩnh An | |
13 | Tân An Hội | |
14 | Tân Phú Trung | |
15 | Thái Mỹ | |
16 | Thị Trấn | |
17 | Trung Lập Hạ | |
18 | Trung Lập Thượng | |
19 | Hòa Phú | |
20 | Quận 4 | Phường 1 |
21 | Phường 3 | |
22 | Phường 18 |