Tối ưu hóa điểm chạm kỹ thuật số trong truyền thông y tế
Tối ưu hóa các điểm chạm kỹ thuật số, không chỉ giúp tạo dựng lòng tin ban đầu mà còn duy trì mối quan hệ gắn kết lâu dài với người bệnh.
Trong bối cảnh số hóa ngày càng trở thành yếu tố cốt lõi trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BVĐHYD) vừa tổ chức buổi hội thảo thứ năm với chủ đề "Tối ưu hóa điểm chạm và nội dung trên các kênh truyền thông kỹ thuật số”. Tiếp nối chuỗi chương trình "Xây dựng và phát triển kỹ năng truyền thông cho Chuyên gia y tế tạo ảnh hưởng xã hội".
Các điểm chạm kỹ thuật số
Phát biểu khai mạc hội thảo, ThS. Đỗ Thị Nam Phương – Trưởng Trung tâm Truyền thông BVĐHYD nhấn mạnh: “Tầm quan trọng của việc tối ưu hóa các điểm chạm kỹ thuật số trong hành trình trải nghiệm của người bệnh. Trong thời đại kỹ thuật số, hành trình trải nghiệm của người bệnh không chỉ bao gồm những gì họ trải qua tại bệnh viện mà còn bắt đầu từ lúc họ tìm kiếm thông tin, chọn lựa cơ sở y tế, và tiếp tục sau khi hoàn tất quá trình điều trị”.
Theo ThS. Nam Phương, điểm chạm kỹ thuật số (Digital Touchpoints) là những điểm tiếp xúc và tương tác trực tuyến hoặc trên các thiết bị di động giữa người dùng và doanh nghiệp. Các điểm chạm này có thể xảy ra trên nhiều loại thiết bị khác nhau như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính để bàn, và trên các kênh khác như trang web, phương tiện truyền thông xã hội, ứng dụng di động,...
Điểm chạm không chỉ giúp tạo dựng lòng tin ban đầu mà còn duy trì mối quan hệ gắn kết lâu dài với người bệnh, mà còn tạo nên những trải nghiệm liền mạch, nâng cao sự hài lòng và gắn kết của người bệnh với cơ sở y tế.
Tuân thủ tiêu chuẩn cộng đồng – chìa khóa bảo vệ uy tín
Phân tích sâu hơn về vai trò của các điểm chạm kỹ thuật số trong việc định hình hành trình trải nghiệm của người bệnh, TS. Nguyễn Thị Vân Anh - Phó Chủ nhiệm Chương trình Digital Marketing, Khoa Kinh doanh, Trường Đại học RMIT Việt Nam cho biết, trong kỷ nguyên số, người bệnh ngày càng dựa vào các nền tảng kỹ thuật số để tìm kiếm thông tin, ra quyết định và tương tác với các cơ sở y tế. Vì vậy, việc hiểu rõ và tận dụng các nguyên lý tìm kiếm trên Google, YouTube, Facebook và TikTok là vô cùng quan trọng để đảm bảo rằng thông tin y tế mà bệnh viện cung cấp đến được với đúng đối tượng và vào đúng thời điểm.
TS. Vân Anh chia sẻ các chiến lược tối ưu hóa nội dung cụ thể, bao gồm việc sử dụng từ khóa dài để tăng khả năng tiếp cận, tạo nội dung phù hợp với hành vi và nhu cầu của người bệnh trong các giai đoạn khác nhau của hành trình trải nghiệm; khuyến khích việc xây dựng các nội dung số không chỉ đơn thuần là cung cấp thông tin mà cần phải tạo ra các trải nghiệm số cá nhân hóa, giúp người bệnh cảm thấy được đồng hành và hỗ trợ từ giai đoạn tìm kiếm thông tin cho đến sau khi điều trị.
Tuy nhiên, nội dung phải tuân thủ tiêu chuẩn cộng đồng – chìa khóa bảo vệ uy tín y tế trên mạng xã hội. Vấn đề này, được bà Lê Thị Bảo Ngọc - Giám đốc Đào tạo & Truyền thông tại Doctor Network thuộc MCV Group cảnh báo: “Những nguy cơ khi vi phạm các tiêu chuẩn này, không chỉ dẫn đến việc gỡ bỏ nội dung mà còn có thể khiến tài khoản bị cấm vĩnh viễn, đặc biệt quan trọng đối với các chuyên gia và cơ sở y tế. Bởi uy tín y tế được xây dựng qua nhiều năm, có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chỉ trong một thời gian ngắn nếu không tuân thủ các quy tắc cộng đồng của các nền tảng mạng xã hội”.
Bà Bảo Ngọc cho rằng, việc bảo vệ thông tin cá nhân và bảo mật dữ liệu khi tham gia truyền thông trên các nền tảng số. Trong môi trường số hóa, mỗi tương tác trên mạng xã hội đều tiềm ẩn rủi ro. Vì vậy, các chuyên gia y tế cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc cộng đồng, từ việc không đăng tải nội dung gây hiểu lầm, lôi kéo, hoặc thiếu chính xác, đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và duy trì tính chính xác, chân thực của thông tin…