Tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, có tấm bia ghi dòng chữ "Tại đây, ngày 21/4/1950 diễn ra Đại hội những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam)" được đặt giữa những vườn chè xanh tươi - một "đặc sản" của tỉnh Thái Nguyên. Cũng chính nơi đây, cội nguồn của Hội nhà báo Việt Nam, vào ngày 23/8/2004, Bộ Văn hóa - Thông tin ra Quyết định số 74/2004/QĐ-BVHTT xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Nhà báo Việt Nam cũng là một trong những hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp ra đời sớm nhất.
73 năm trước trong ngày thành lập, Đảng đã xác định báo chí là một mặt trận quan trọng trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng và mỗi nhà báo là một chiến sĩ. Các nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta cũng là những nhà báo xuất sắc, phải kể tới Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Xuân Thủy, Võ Nguyên Giáp...
Nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo trong tác nghiệp; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên; giám sát việc tuân thủ luật pháp, quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách về thông tin, báo chí; thực hiện các hoạt động đối ngoại theo quy định của pháp luật.
Kết từ khi thành lập tới nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã tập hợp đội ngũ người làm báo cả nước, xây dựng tình đoàn kết, động viên các thành viên vượt qua khó khăn, thử thách, gian khổ, để hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng.
Hằng năm, Hội Nhà báo Thái Nguyên tổ chức về nguồn nhân kỷ niệm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam 21/4. Ảnh: Báo Công Luận
Trong những năm gần đây, Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện nhiều đổi mới trong hoạt động, thực hiện nhiệm vụ chính trị, tập hợp, đoàn kết đội ngũ hội viên - nhà báo, góp phần tạo sự đồng thuận trong Đảng, trong xã hội; động viên đội ngũ người làm báo tuyên truyền thắng lợi các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước.
Các hoạt động Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức đón nhận được nhiều sự hưởng ứng như Giải Báo chí quốc gia hằng năm, các giải báo chí chuyên ngành, thực hiện Đề án Hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, tiến hành nhiều công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, tham gia công tác chỉ đạo, quản lý báo chí...
Hàng năm, có hàng chục đoàn của Hội nhà báo các tỉnh, thành phố, các cơ quan báo chí, các Liên chi hội, chi hội nhà báo về di tích nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam và Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đỉnh Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hóa.
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà Báo Việt Nam cho biết: "Việc tổ chức hành trình về nguồn là hoạt động thường niên của Hội Nhà báo Việt Nam, mang nhiều ý nghĩa thiết thực, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ cán bộ, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam hôm nay, từ đó phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại".