Người trong cuộc chia sẻ kỷ niệm cắm cờ trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris
Ngày 18/11, tại TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức buổi gặp gỡ ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard - là hai trong số ba người của nhóm treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris (1969) - với báo chí.
Bernard Bachelard lúc đó 26 tuổi là giáo viên thể dục, Noé Graff 24 tuổi là sinh viên khoa luật và Olivier Parriaux 25 tuổi là sinh viên vật lý. Với lòng can đảm, cả ba đã thành công đưa lá cờ lên chóp tháp ở Nhà thờ Đức Bà Paris.
Sẵn sàng đấu tranh vì hòa bình
Tại buổi gặp mặt với các phóng viên, ông Olivier Parriaux đã chia sẻ lý do vì sao ông và các đồng đội quyết định treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà ở Paris. Ông cho biết vào thời điểm đó tại Paris, phiên họp trù bị của Hội nghị Paris đang diễn ra, nhằm thảo luận về việc chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (hội nghị bốn bên gồm đại diện từ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa).
Ông Parriaux giải thích rằng, khi đó, họ đã chứng kiến những cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân, đế quốc ở nhiều quốc gia, trong đó có Pháp, nơi hàng triệu người đã tham gia. Hội nghị Paris lúc bấy giờ được coi là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam. Chính sự kiện này đã thôi thúc ông và các đồng đội hành động.
“Lương tâm chính trị của chúng tôi được hình thành từ đó”, ông nói, đồng thời khẳng định rằng hành động của mình là để ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của người Việt Nam.
Vào ngày 18/1/1969, ba thanh niên trẻ đã thực hiện một hành động dũng cảm nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Việt Nam. Họ từ Thụy Sĩ di chuyển đến Paris và treo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris, đúng thời điểm Hội nghị bốn bên về Việt Nam chính thức khai mạc tại thủ đô Pháp.
Bachelard, người trực tiếp leo lên chóp tháp để treo cờ, chia sẻ rằng mặc dù hành động này rất nhiều khâu phức tạp, mọi thứ đã diễn ra khá suôn sẻ. Trước khi xuống đất, ông còn cưa một số thanh sắt để ngăn cản lính cứu hỏa tiếp cận, đảm bảo lá cờ sẽ bay trên chóp tháp đủ lâu.
Sự kiện này đã nhanh chóng trở thành đề tài nóng hổi trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Nhiều ngày sau đó, các báo lớn ở Pháp, Mỹ và nhiều quốc gia khác đã đăng tải hình ảnh lá cờ tung bay trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà, cùng những tình tiết ly kỳ và giả thuyết về những người đứng sau hành động này. Lá cờ trở thành biểu tượng cho tinh thần bất khuất của những người yêu chuộng hòa bình và giúp công chúng quốc tế hiểu thêm về chính nghĩa của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Chia sẻ về cảm xúc trong khoảnh khắc lịch sử đó, ông Olivier Parriaux cho biết, khi cùng với các đồng đội thực hiện hành động, họ không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hay luyện tập gì, chỉ đơn giản là lòng dũng cảm và sự quyết tâm về tinh thần lẫn thể chất.
"Khi bị cảnh sát chặn lại trên đường, chúng tôi nghĩ mình sẽ bị bắt. Nếu bị bắt, chúng tôi sẽ phải đối mặt với án tù. Tôi và Noé Graff không quá lo lắng, nhưng Bernard Bachelard có thể gặp rắc rối vì anh ấy làm việc trong cơ quan nhà nước", ông kể lại.
Nói về chiếc lá cờ định mệnh, ông Bernard Bachelard cho biết vợ ông đã may lá cờ bằng tay trong bí mật. Lá cờ có diện tích 17 m2, được may bằng tơ để vận chuyển dễ dàng và được “thiết kế” để với một lần giật dây, lá cờ sẽ tung bay phấp phới.
Tiếp tục cuộc đấu tranh
Nếu như cách đây 55 năm, ông Olivier Parriaux, ông Bernard Bachelard và Noé Graff treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên chóp tháp nhà thờ Đức Bà ở Paris để phản đối chiến tranh, ủng hộ hòa bình cho nhân dân Việt Nam thì giờ đây cuộc đấu tranh đó được tiếp tục.
Ông Olivier Parriaux cho biết, khi đến thăm TP.HCM, ông nhận ra ở Việt Nam, hậu quả chiến tranh vẫn chưa chấm dứt. Điều này có thể thấy có hàng tấn bom đạn chưa nổ, những thứ này đã cướp đi mạng sống của nhiều người dân Việt Nam.
Không chỉ vậy, hậu quả khủng khiếp mà chất độc màu da cam đã để lại, tàn phá con người lẫn thiên nhiên Việt Nam. Đến gặp trung tâm của các nạn nhân da cam, ông nhìn thấy con người ở độ tuổi 30-40, những em bé tàn tật đến mức không tưởng tượng được. Điều này khiến ông đau xót lẫn phẫn nộ.
Từ khi viết cuốn sách Le Viet Cong au sommet de Notre-Dame (tạm dịch: Cờ Việt Cộng trên đỉnh nhà thờ Đức Bà), Olivier Parriaux quyết định dấn thân vào một cuộc đấu tranh khác. Tất cả bắt đầu từ cuộc gặp gỡ với bà Trần Tố Nga – người đang đấu tranh bảo vệ các nạn nhân bị chất độc màu da cam.
“Chúng tôi quyết định đồng hành cùng bà Nga trong vụ kiện các tập đoàn hóa chất Mỹ, trong đó có sự tham gia tự nguyện của nhiều người Pháp. Hiện tại, chúng tôi làm công việc kêu gọi nguồn lực từ Thụy Sĩ để có kinh phí chi trả cho các tổ chức pháp lý, cũng như làm việc với những người có sức ảnh hưởng ở TP.HCM để có thể hoàn thành vụ kiện này", ông Parriaux chia sẻ.
Tại buổi gặp gỡ, GS.TS Trình Quang Phú - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển phương Đông cho biết, chuyến thăm lần này của 2 người bạn Thụy Sĩ là dịp để các nhân vật cảm nhận rõ hơn sự thay đổi của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung sau những năm tháng đau thương của chiến tranh.
"Đặc biệt chuyến thăm trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước càng có ý nghĩa sâu sắc hơn. Đây là khoảnh khắc nhìn lại những thành tựu mà Việt Nam đạt được. Đồng thời, tri ân những người bạn đồng hành cùng Việt Nam trong suốt chặng đường lịch sử", GS.TS Trình Quang Phú chia sẻ.