Thương nhớ những cây cầu

Nguyễn Thị Hậu| 04/04/2016 09:44

(KHPT) Sài Gòn - Chợ Lớn là đô thị sông nước, hẳn rồi. Vì thế đây cũng là thành phố có nhiều cây cầu cổ xưa, từng giữ vai trò quan trọng của hệ thống giao thông đường bộ trong quá trình đô thị hóa gần suốt thế kỷ 20. Lang thang Sài Gòn - Chợ Lớn, nhìn ngắm những cây cầu mới hay cũ như đang được gặp gỡ những “chứng nhân” của từng giai đoạn lịch sử thành phố.

Khu vực Sài Gòn - Gia Định có những cây cầu nổi tiếng như cầu Thị Nghè, cầu Bông, cầu Bình Lợi, cầu Kinh, cầu Kiệu, cầu sắt Đa Kao, cầu Trương Minh Giảng, cầu Công Lý... rồi cầu Ông Lãnh, cầu Mống, cầu Khánh Hội, cầu Calmette, cầu Kho - cầu Muối, cầu Chữ Y... xây dựng trong nửa đầu thế kỷ 20. Đến nay, hầu hết những cây cầu này vẫn còn và đã sửa chữa nhiều lần hoặc được xây mới nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông ngày một tăng của đô thị lớn nhất nước. Những cây cầu ở khu vực này cho thấy một Sài Gòn hiện đại, trẻ trung đang ngày một đẹp hơn.

Khu vực Chợ Lớn kênh rạch chằng chịt. Những con kênh chính ở Chợ Lớn là kênh Tàu Hũ, đoạn từ Xóm Chỉ (đường Tản Đà đến rạch Lò Gốm), rạch Chợ Lớn (đoạn chảy từ Xóm Chỉ hướng về bắc vào Chợ Lớn, tây đến giáp nước rạch Chợ Lớn - rạch Lò Gốm và kênh Vòng Thành (đường Nguyễn Thị Nhỏ ngày nay); kênh Bãi Sậy (kênh Hàng Bàng, Canal Bonard) và kênh Vòng Thành (Bao Ngạn - Canal de Ceinture, được đào năm 1875 nhưng chỉ vài chục năm sau đã bị lấp đi vì xóm Lò Gốm không còn hoạt động nữa)... Từ những con kênh này có hàng chục rạch nhỏ tỏa đi khắp khu vực như những mạch máu li ti nuôi dưỡng sức sống ngày đêm của một đô thị thương mại lớn nhất phía Nam. Vùng này cũng có những cây cầu nổi tiếng như cầu Chữ Y, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Chà Và.

Chỉ cần đi dọc theo những con kênh có thể còn nhìn thấy những cây cầu sắt cổ xưa đã già nua lắm rồi: trên kênh Tàu Hũ có cầu Xóm Chỉ, cầu Bình Tây, cầu Chữ U... Trên kênh Bãi Sậy - Hàng Bàng có cầu Gò Công... Một số cây cầu khác chỉ được gọi đơn giản là “cầu sắt” để phân biệt với cầu xi măng, mặt cầu còn lót ván, có cầu thang đi lên, nay chủ yếu dành cho người đi bộ và xe đạp. Đoạn cuối kênh Tàu Hũ ở quận 8 còn vài cây cầu sắt in bóng trên dòng kênh đen cùng bóng dừa, vài chiếc ghe miền Tây neo lại nổi lửa trên bếp cà ràng cho bữa cơm chiều... dường như chốn thị thành xa lắm, dù chỉ bên kia cây cầu đã là đại lộ mới 8 làn xe chạy thênh thang...

Kênh rạch vùng Chợ Lớn đã bị lấp nhiều do tốc độ đô thị hóa và sự hoàn thiện của đường bộ, do đó nhiều cây cầu cũng biến mất theo, chỉ có thể “nhìn thấy” qua những bức ảnh xưa như cầu Ba Cẳng, vài cây cầu đã thành đường như cầu Minh Phụng, Lò Gốm, cầu Quới Đước, cầu Gò Công...

Ngày cuối năm ngồi ở quán cà phê nhỏ trên đường Hoàng Sa, trước mặt là công trường chuẩn bị xây dựng lại cầu Kiệu. Hai cầu tạm đã được bắc xong, đường dẫn vòng cũng đang hoàn thành, cần cẩu đã được đưa về phía đầu cầu, sà lan đã neo ở chân cầu... Giờ này còn vắng chứ vào giờ tan tầm, con đường này, cây cầu này thường kẹt đường chen chân không lọt. Theo thiết kế, các cây cầu huyết mạch đang được xây mới như cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Lê Văn Sỹ, cầu Hậu Giang có kiến trúc đẹp, hiện đại, nâng cao tĩnh không cho ghe tàu có thể lưu thông trên sông rạch, Nhiêu Lộc - Thị Nghè hay Bến Nghé, Kinh Đôi... sẽ hồi sinh, sức sống của thành phố sông nước sẽ ngày càng tươi mới.

Theo đà phát triển, nhiều kênh rạch ở nội thành ngoại ô đã bị lấp để xây dựng thành đường bộ, thành phố liền lạc hơn, mở rộng hơn xưa nhiều lần nhưng hiện tượng ngập nước khi mưa, vào những ngày “triều cường” cũng nhiều hơn... Đi đường bộ quen rồi lại thấy những cây cầu là “chướng ngại”... Không khéo sau này ký ức về các cây cầu chỉ còn lưu lại ở địa danh bởi cầu mới không khác gì đường bằng, qua cầu cũng chỉ như đi trên một đoạn phố thị mà thôi. Vậy nên giờ này ngồi đây mà đã thương nhớ những cây cầu xưa quá chừng quá đỗi...

·         Khải Đơn, tác giả sách “Đừng tháo xuống nụ cười, Sài Gòn - Thị thành hoang dại”: “Hồi còn đại học đi xe lửa từ ga Sài Gòn về ga Biên Hòa làm màu để hẹn hò chơi. Từ cửa sổ nhìn ra, thấy những khung sắt cầu như ô sọc caro kẻ trên dòng sông, thấy cái Chùa Ông màu đỏ tươi bên sông, thấy cánh đồng ở Cù Lao Phố xa tít mắt. Có bạn ở Quảng Ngãi hỏi về tới Biên Hòa đi xe máy có 40 phút, mày ráng leo lên xe lửa chi vậy. Thực ra tôi chỉ muốn gặp bạn trai tại ga, cho nó có cái vẻ hẹn hò của những người được nhìn nhau từ sân ga, rồi dụ dỗ bạn thương chở đi ăn bánh canh, mua quà ra bờ sông nhìn mặt trời lặn. Giờ thì cây cầu cũng sập luôn rồi, chẳng biết làm cách nào để lãng mạn nữa.”

·         Dịch giả, biên tập viên sách Nguyễn Trương Quý: “Do cầu Gập Ghềnh bị sập ngày 20/3, việc chuyển sách in ở Sài Gòn ra sẽ chậm hơn hoặc chi phí cao hơn khi nửa năm tới không đi tàu được từ ga Sài Gòn ra ga Biên Hòa. Vận chuyển bằng tàu hỏa vẫn là kinh tế nhất với sách. Tôi đã từng biết cảnh sách chậm ra do lật tàu hay hỏng đầu máy, dù chỉ vài ngày cũng ảnh hưởng không ít đến việc phát hành sách. Tuy vậy, một sự cố sẽ có thể thay đổi thói quen nhưng chúng ta vẫn sẽ nhớ cầu Gập Ghềnh trong chặng đường tìm cách tháo gỡ khó khăn của ngành đường sắt và sự liên đới của các ngành khác trong thời gian tới”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thương nhớ những cây cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO