Khoa học

Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Sự dấn thân của các nhà khoa học đã biến cái không thể thành có thể”

Ngọc Duy 16/05/2024 17:04

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, sự quyết tâm của các nhà khoa học và sự quản lý của các lãnh đạo giúp “biến cái không thể thành có thể”, “biến khó thành dễ”, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của đất nước.

Ngày 15/5, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) long trọng tổ chức Lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 và 65 năm thành lập Bộ (KH&CN), với chủ đề "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Nâng tầm vị thế quốc gia".

ban-sao-1.png
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành tham quan tại triển lãm công nghệ.

Nhà khoa học cần dấn thân, dám làm, dám hy sinh

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điểm lại các thành tựu của ngành khoa học công nghệ Việt Nam, để tri ân sự nỗ lực cống hiến không mệt mỏi của biết bao thế hệ nhà khoa học, cán bộ quản lý, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ.

Thủ tướng đánh giá cao sự hiện diện của khoa học công nghệ trong các công trình Thủy điện quốc gia, như Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Sơn La hay Lai Châu… Hay vừa qua là cầu Mỹ Thuận 2 do Việt Nam tự thực hiện. “Tất cả đều nhờ các nhà khoa học dám dấn thân, để đưa Việt Nam đến gần với mục tiêu hơn. Sự quyết tâm của các nhà khoa học và sự quản lý của các lãnh đạo giúp “biến cái không thể thành có thể”, “biến khó thành dễ”, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của đất nước”, Thủ tướng nói.

Ngoài ra, lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng cũng có sự đóng góp của khoa học công nghệ để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, hòa nhập quốc tế. Trong khi đó, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam không ngừng được cải thiện. Năm 2023, Việt Nam đã xếp thứ 6. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã tăng 30 bậc và liên tục duy trì vị trí dẫn đầu trong nhóm các quốc gia trung bình thấp. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng đạt nhiều thành quả, nhờ sự đeo bám không ngừng của các nhà khoa học, góp phần vào kết quả chung của sự phát triển đất nước…

“Có thể khẳng định, lực lượng khoa học công nghệ Việt Nam tham gia tích cực và đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Thủ tướng nói.

ban-sao-2.png
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cập, khó khăn và thách thức của nền khoa học công nghệ: Nhận thức về khoa học chưa đầy đủ, nhất là khoa học xã hội và nhân văn, sự phát triển chưa tương xứng với tầm vóc; cơ chế quản lý còn chưa phù hợp, chưa có chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng nhà khoa học tài năng, trong khi cạnh tranh thu hút nhân tài khoa học công nghệ đang là một cuộc chạy đua khốc liệt ở nhiều nơi trên thế giới.

Đội ngũ các nhà khoa học còn chưa nhiều và đồng đều. Việc đào tạo nhà khoa học và công tác tổ chức các hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ chưa được chú trọng.

Để khắc phục được hạn chế này, đặc biệt là về chính sách thu hút nhân tài, Thủ tướng đề nghị các cơ quan hoạch định chính sách và các cơ sở khoa học công nghệ cần chú ý tới cả hai khía cạnh: tinh thần, vật chất. Ngoài các chính sách ưu đãi về vật chất, nhà khoa học cần được tôn trọng, được coi trọng và tạo điều kiện.

Thủ tướng cũng mong các nhà khoa học chủ động đề xuất thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực với các cơ quan nhà nước để có nguồn lực thực hiện nghiên cứu. Các cơ quan ban ngành cần có cơ chế chính sách, hạ tầng chiến lược thông suốt, quản trị thông minh, đổi mới sáng tạo là nền tảng.

“Tài nguyên thiên nhiên hữu hạn còn khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo là vô hạn. Phát triển nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực thúc đẩy tăng trưởng, có ý nghĩa sống còn để bứt phá”, Thủ tướng nói thêm.

Do đó, cần xây dựng cơ chế phát triển khoa học công nghệ, đầu tư thích đáng cho hạ tầng khoa học, nâng cao chất lượng nhân lực, nhất là khoa học xã hội nhân văn. Đặc biệt chú ý đến nhà khoa học trẻ, nhà khoa học nữ, những người ở vùng sâu vùng xa; tăng cường thu hút đầu tư vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tập trung phát triển thị trường khoa học công nghệ…

Các Bộ ngành địa phương cũng cần phải kiên trì đề ra các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, các chính sách ưu đãi tôn vinh, trọng dụng, khuyến khích họ dấn thân trong khoa học; khuyến khích sự đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Các doanh nghiệp cần coi hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các yếu tố quan trọng nâng cao năng lực năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và sự phát triển của doanh nghiệp; các chính sách hấp dẫn nhằm thu hút nhà khoa học Việt Nam uy tín.

Đối với các nhà khoa học cần đặt lợi ích của quốc gia lên trên hết, với những trọng trách lớn, dám làm, dám hy sinh và chấp nhận rủi ro. Lịch sử đã ghi nhận nhiều tấm gương cống hiến của các nhà khoa học đối với vận mệnh quốc gia.

Kiến tạo xã hội tôn trọng khoa học và tư duy sáng tạo

Nhìn lại chặng đường 65 năm phấn đấu và trưởng thành, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, dù đã nhiều lần đổi tên, nhưng Bộ KH&CN luôn là cơ quan tham mưu cao nhất cho Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc hoạch định và triển khai các chính sách phát triển khoa học kỹ thuật và hiện nay là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

ban-sao-3.png
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt ôn lại chặng đường 65 năm phát triển của Bộ KH&CN.

“Trong suốt 65 năm qua, các thành tựu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Bộ đã để lại những dấu ấn lịch sử trong nhiều ngành, lĩnh vực trọng yếu của đất nước, trở thành nền tảng, động lực cho sự phát triển bền vững đất nước”, Bộ Trưởng Bộ KH&CN chia sẻ.

Trong gần 40 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, cơ chế và chính sách quản lý hoạt động khoa học và công nghệ cũng luôn được quan tâm đổi mới nhằm giải phóng tiềm năng sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi và thông thoáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Theo Luật KH&CN năm 2013, ngày 18/5 hàng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Sau hơn 10 năm tổ chức, dịp này đã trở thành ngày hội của lực lượng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước. Đây là dịp để vinh danh, trao các giải thưởng cho các nhà khoa học, các cán bộ quản lý khoa học và đông đảo người yêu thích nghiên cứu khoa học.

Từ đó, nhiều phong trào thi đua, nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật của cán bộ nghiên cứu, học sinh, sinh viên và người dân; thúc đẩy phong trào nâng cao năng suất, chất lượng tại các doanh nghiệp được tổ chức, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo nhân dân.

"Các hoạt động phong phú, thiết thực chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong 10 năm qua đã khơi dậy, truyền cảm hứng và khát vọng sáng tạo trong cộng đồng. Hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo và nuôi dưỡng tình yêu khoa học trong giới trẻ, góp phần kiến tạo một xã hội tôn trọng khoa học và tư duy sáng tạo", ông Huỳnh Thành Đạt chia sẻ thêm.

Hai nhà khoa học được trao giải Tạ Quang Bửu

Nhằm khích lệ, tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản, từ năm 2014, Bộ KH&CN triển khai giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho các nhà khoa học có kết quả nghiên cứu cơ bản xuất sắc. Đến nay, giải thưởng trở thành sự kiện quan trọng trong dịp Kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.

4.png
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 cho hai nhà khoa học.

Năm nay, giải thưởng được trao cho PGS.TS Trần Mạnh Trí và TS Nguyễn Thị Kim Thanh. PGS.TS Trần Mạnh Trí đang công tác tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông được trao giải thưởng qua cụm ba công trình được công bố trên các tạp chí khoa học hàng đầu, thuộc top 5% thế giới trong các ngành kỹ thuật môi trường, độc học, sức khỏe và đột biến gen. Cụm công trình này góp phần giải quyết vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu hiện nay là ô nhiễm môi trường do sự phát tán của các hóa chất tổng hợp.

Còn TS Nguyễn Thị Kim Thanh đang công tác tại Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được trao giải thưởng qua 1 Công trình được công bố trên tạp chí Physical Review Letters - tạp chí khoa học hàng đầu thế giới của ngành vật lý. Công trình thể hiện 3 kết quả đột phá về hướng nghiên cứu, có ý nghĩa quan trọng cho phát triển công nghệ máy tính lượng tử. GS Kiselev (đồng tác giả của công trình) nói ý tưởng của TS Nguyễn Thị Kim Thanh là một kiệt tác tao nhã về vật lý hiện đại.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, trong những năm qua, nhiều nhà khoa học nông nghiệp được vinh danh tại giải thưởng Tạ Quang Bửu. Họ đã tích cực ra ruộng, về làng để trò chuyện, trao đổi các nghiên cứu mới với bà con nông dân, giúp khoa học và nông nghiệp xích lại gần nhau hơn. Đó là cách tri thức hóa nông dân trong cuộc cách mạng nông nghiệp lần thứ 4.

“Khoa học và công nghệ đã làm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Làm nông sản đạt chất lượng cao hơn, tối ưu hóa sản phẩm trên một diện tích, thu nhập đời sống của người nông dân tốt hơn. Giá trị gia tăng nông nghiệp còn được thể hiện ở việc áp dụng kinh tế xanh tuần hoàn trong nông nghiệp”, ông Lê Minh Hoan chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Sự dấn thân của các nhà khoa học đã biến cái không thể thành có thể”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO