Sống xanh

Thế giới chạy đua Net Zero bằng công nghệ năng lượng sạch

Khắc Nam (Theo EC/IEA/INC/CBC- 3/2024) 18/04/2024 15:20

Biến đổi khí hậu là vấn đề sống còn trong thời đại chúng ta, vì vậy mục tiêu Net Zero (trung hòa carbon) là rất cấp bách. Cam kết giảm lượng khí thải cacbon để duy trì mức tăng nhiệt độ dưới 20C là điều cần thiết. Để đạt mục tiêu, công nghệ năng lượng sạch đóng vai trò quan trọng.

Giảm phát thải nhờ năng lượng tái tạo

Theo báo cáo thường niên mang tên Clean Energy Market Monitor (Giám sát thị trường năng lượng sạch) của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) năm 2023, lượng khí thải tăng 410 triệu tấn, giảm so với mức tăng 490 triệu tấn của năm 2022, đạt 37,4 tỷ tấn.

Theo đó, các nền kinh tế phát triển đang chứng kiến lượng khí thải CO2 giảm kỷ lục vào năm 2023, đạt mức thấp nhất trong 50 năm, nhu cầu sử dụng than cũng giảm dần ở mức chưa từng thấy kể từ đầu những năm 1900.

2.jpeg
Biến đổi khí hậu là vấn đề sống còn, vì vậy mục tiêu Net Zero (trung hòa carbon) là rất cấp bách (Nguồn: Knowledge.energyinst)

Sự giảm phát thải ở các nền kinh tế tiên tiến được thúc đẩy bởi sự kết hợp của việc triển khai mạnh mẽ năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng hơn. Năm 2023 là năm đầu tiên có ít nhất một nửa sản lượng điện ở các nền kinh tế tiên tiến đến từ các nguồn phát thải thấp như năng lượng tái tạo.

Phân tích của IEA cho thấy, từ năm 2019 đến 2023, tốc độ tăng trưởng của năng lượng sạch cao gấp đôi so với nhiên liệu hóa thạch, tạo cơ hội đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sáng năng lượng sạch trên thế giới. Năng lượng tái tạo của thế giới đã tăng 50% lên 510 gigawatt (GW) vào năm 2023, năm thứ 22 liên tiếp công suất năng lượng tái tạo lập kỷ lục mới.

Việc triển khai năng lượng gió và năng lượng mặt trời trong các hệ thống điện trên toàn thế giới kể từ năm 2019 là đủ để tránh mức tiêu thụ than hằng năm tương đương với mức tiêu thụ than của ngành điện của Ấn Độ và Indonesia cộng lại.

Số lượng ô tô điện (EV) ngày càng tăng trên đường, chiếm 1/5 doanh số bán ô tô mới trên toàn cầu vào năm 2023, cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ cho nhu cầu dầu không tăng trên mức trước đại dịch Covid-19.

3-2-.jpg
Dự án Edwards & Sanborn Solar and Energy Storage tại sa mạc Mojave, California - Mỹ (Nguồn: Electrek)

Tuy nhiên, việc triển khai năng lượng sạch hiện vẫn tập trung chủ yếu ở các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc. Năm 2023, các nền kinh tế tiên tiến và Trung Quốc chiếm 90% số nhà máy điện mặt trời và năng lượng gió mới trên toàn cầu cũng như 95% doanh số bán xe điện.

Việc triển khai công nghệ năng lượng sạch của Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh khi nước này bổ sung công suất điện mặt trời vào năm 2023 nhiều hơn cả thế giới đã làm vào năm 2022.

Tại Ấn Độ, tốc độ tăng trưởng GDP mạnh đã khiến lượng khí thải tăng lên khoảng 190 triệu tấn vào năm 2023. Gió mùa yếu hơn bình thường đã làm tăng nhu cầu về điện và cắt giảm sản lượng thủy điện, chiếm 1/4 mức tăng tổng lượng khí thải của Ấn Độ. Lượng khí thải bình quân đầu người ở Ấn Độ vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình thế giới.

Tốc độ tăng trưởng kỷ lục trên khắp châu Âu, Mỹ và Brazil đã đưa năng lượng tái tạo đi đúng hướng nhằm vượt qua than để trở thành nguồn sản xuất điện lớn nhất toàn cầu vào đầu năm 2025. Dự báo, đến năm 2028, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm hơn 42% sản lượng điện toàn cầu.

Việc tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo toàn cầu vào cuối thập kỷ này để cắt giảm lượng khí thải carbon là một trong năm mục tiêu khí hậu chính nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu, cùng với việc tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng, cắt giảm lượng khí thải mêtan, chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch và tăng quy mô tài chính cho các ngành mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.

Những nền kinh tế tiên phong giảm phát thải bằng công nghệ sạch

5-1-.jpg
Năm 2023, năng lượng tái tạo của thế giới đã tăng 50% lên 510 gigawatt (GW)
(Nguồn: Energyconnectionscanada)

Theo dự báo của IEA, đến năm 2026, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong sản xuất điện trên toàn thế giới được dự báo sẽ tăng từ mức 30% vào năm 2023 lên 37% vào năm 2026, mức tăng trưởng chủ yếu đến từ điện mặt trời. IEA cũng dự báo năng lượng tái tạo sẽ vượt điện than để trở thành nguồn điện lớn nhất toàn cầu vào năm 2025.

Cuối tháng 1/2024, Mỹ đã khánh thành dự án điện mặt trời và lưu trữ điện bằng pin lớn nhất nước Mỹ có tên Edwards & Sanborn Solar and Energy Storage tại sa mạc Mojave, California. Đây là dự án điện mặt trời và lưu trữ bằng pin lớn nhất thế giới, tổng diện tích 1.886 ha, nằm trên sa mạc Mojave, một trong những nơi nhiều nắng nhất thế giới, công suất 875 MW và khả năng lưu trữ 3.287 MWh.

Tại trang trại điện mặt trời kết hợp lưu trữ này, hơn 1,9 triệu tấm pin năng lượng mặt trời đã được lắp đặt, cùng 120.720 bộ pin lưu trữ. Để kết nối toàn bộ hệ thống, các kỹ sư đã phải lắp đặt 724 km đường dây. Dự án điện mặt trời có quy mô công suất cao nhất thế giới hiện là công viên năng lượng mặt trời Golmud ở Trung Quốc bao gồm khoảng 80 nhà máy với tổng công suất lắp đặt 2,8 GW.

Tại Trung Quốc mới đây đã khánh thành dự án điện gió trên đất liền, Hinggan League (HL) lớn quốc gia này được xây dựng tại sa mạc thuộc khu tự trị Nội Mông. Dự án HL có công suất sản xuất điện hàng năm trên 10 tỷ kilowatt giờ (kWh) kết nối với lưới điện hôm 10/12/2023. Với 701 máy phát điện turbine gió và công suất lắp đặt kết hợp 3 triệu kW, điện sản xuất bởi nhà máy rất thân thiện với môi trường, giúp giảm tiêu thụ khoảng 2,96 triệu tấn than đá tiêu chuẩn và ngăn thải khoảng 8,02 triệu tấn carbon dioxide.

Tại châu Âu, năm 2023, Liên minh châu Âu (EU) đã bổ sung 17GW năng lượng gió, đưa năng lượng gió chiếm 19% tổng lượng điện được sản xuất ở châu Âu vào năm ngoái. Trong số này Đức, Hà Lan và Thụy Điển là những quốc gia tiên phong đi đầu. Năm 2023, nguồn năng lượng tái tạo tổng cộng chiếm tới 44% lượng điện được sản xuất tại châu Âu. Ngoài điện gió, điện mặt trời EU còn khuyến khích phát triển các tài nguyên năng lượng sạch khác, đặc biệt là thủy triều.

Việt Nam cam kết chuyển đổi năng lượng sạch, hướng tới xã hội bền vững

Là một trong năm quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã chủ động xây dựng, triển khai sớm nhiều chính sách ứng phó, trong đó lĩnh vực năng lượng được đặc biệt chú trọng.

Theo Cục Điều tiết Điện lực, năng lượng tái tạo (NLTT) đạt bước phát triển vượt bậc. Đến năm 2022, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 20.626 MW; tỷ trọng điện năng từ điện gió, điện mặt trời đạt 26,5%, cao gấp 40 lần so với năm 2010. Đến năm 2020, tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng năng lượng thương mại sơ cấp đạt 14,9%, gấp 3 lần mục tiêu đề ra (trên 5%). Việt Nam được đánh giá là một trong những nước phát triển năng lượng tái tạo nhanh trên thế giới.

Còn theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), NLTT chiếm 13,8% tổng lượng điện sản xuất trong 7 tháng năm 2023 sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 26,20 tỷ kWh, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, sản lượng điện huy động từ nguồn năng lượng tái tạo đạt 22,11 tỷ kWh, chiếm 13,8% (trong đó điện mặt trời đạt 15,48 tỷ kWh, điện gió đạt 6,06 tỷ kWh).

Theo giới phân tích năng lượng, triển vọng NLTT trong tương lai của Việt Nam là rất tốt (điện gió ngoài khơi hơn 450 GW, điện gió trên bờ hơn 210 GW, điện mặt trời 200 - 300 GW).

Theo dự kiến kịch bản cho phát triển NLTT (Quy hoạch điện VIII), Việt Nam có thể khai thác đến 50.000 MW công suất với sản lượng hơn 160 tỷ kWh từ NLTT vào năm 2030 và lên đến 260.000 MW vào năm 2050, nếu có chính sách hỗ trợ hợp lý - đây là một đóng góp rất lớn cho nhu cầu của quốc gia về sản lượng điện và đảm bảo an ninh năng lượng.

Với nguồn NLTT sẽ giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo yếu tố phát triển bền vững, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Mới đây, khi nói về triển vọng của quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã nhấn mạnh 5 hành động quan trọng mà thế giới cần ưu tiên để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, đó là:

- Biến công nghệ năng lượng tái tạo thành hàng hóa công toàn cầu. Cần loại bỏ các rào cản đối với việc chia sẻ kiến thức và chuyển giao công nghệ, bao gồm cả các rào cản về quyền sở hữu trí tuệ

- Cải thiện khả năng tiếp cận toàn cầu với các thành phần và nguyên liệu thô

- Tạo sân chơi bình đẳng cho công nghệ năng lượng tái tạo – các quốc gia cần cải cách các khuôn khổ chính sách để hợp lý hóa và đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng tái tạo cũng như xúc tiến đầu tư khu vực tư nhân

- Chuyển trợ cấp năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo

- Tăng đầu tư gấp 3 cho năng lượng tái tạo – đến năm 2030, đầu tư ít nhất 4 nghìn tỷ USD mỗi năm vào năng lượng tái tạo

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thế giới chạy đua Net Zero bằng công nghệ năng lượng sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO