Thầy Chu Xuân Diên của tôi
Mấy năm trước, Giáo sư Trần Đình Sử vào công tác tại TP.HCM, trong lúc trà dư tửu hậu tâm sự với tôi, nhân nhắc đến thầy, rất tâm đắc với nhận định của tôi: “Phó Giáo sư Chu Xuân Diên là con người thanh khiết từ học thuật đến nhân cách”.
Nhà giáo Ưu tú Chu Xuân Diên đã có nhiều năm nghiên cứu, viết sách, giảng dạy đại học và sau đại học trên các lĩnh vực chính Văn học dân gian, Văn hóa dân gian, Văn hóa, Dân tộc học. Có thể kể tên một vài công trình chính in riêng của ông như: Truyện cổ tích dưới mắt các nhà khoa học (1989), Văn hóa dân gian và phương pháp nghiên cứu liên ngành (1995), Cơ sở văn hóa Việt Nam (2002), Mấy vấn đề về văn và văn học dân gian Việt Nam( 2004), Nghiên cứu văn hóa dân gian (2008)… Cùng rất nhiều đầu sách in chung và dịch thuật khác.
Người khơi nguồn nghiên cứu Văn hóa dân gian (folklore) ở đất phương Nam
Tính thầy thâm trầm, lặng lẽ, khiêm nhường, càng rất ít quảng giao, cứ như người tu luyện hơn là ở ẩn, nên không lạ, có dịp ghé thầy thường thấy vắng vẻ, thỉnh thoảng mới thấy khách thăm viếng là bạn cũ hay học trò cũ. Nhiều người chỉ nghe tên thầy qua sách vở mà ít được diện kiến. Thậm chí sinh viên thế hệ những năm 60 thế kỉ trước bảo, lâu lắm không biết thầy ở đâu.
Được giữ lại công tác ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sau khi ra trường (1959), đến năm 1980, Thầy chuyển vào Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM (nay là Trường ĐH KHXHNV TP.HCM) cho đến tận nay. Tính ra thầy công tác ở đất phương Nam hơn 40 năm so với hơn 20 năm ở Hà Nội. Sự ngắt quãng đó khiến cho thầy vắng bóng ở Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nơi vùng vẫy của nhiều đấng anh tài đã thành danh thuộc nhiều thế hệ. Nhiều đồng nghiệp ít gặp và sinh viên thế hệ đầu 80 ở phía Bắc không có dịp thọ giáo mà chỉ biết tên thầy qua giáo trình Văn học dân gian Việt Nam (soạn cùng GS Đinh Gia Khánh và PGS Võ Quang Nhơn) cũng như một số chuyên khảo khác. Còn thầy lại phải bắt đầu từ vùng đất mới, lặng lẽ thiết lập các quan hệ. Vì vậy, có lẽ nơi để lại dấu ấn đậm nét của thầy trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu là ở Trường ĐH KHXHNV thuộc ĐHQG TP.HCM. Chắc chắn đồng nghiệp tôi ở đó sẽ nói rõ về thầy hơn.
Riêng tôi, mãi đến năm 1985 mới có dịp từ Huế vào thỉnh giáo thầy, đúng ra là vào xin được trao đổi một số vấn đề còn mắc mớ về chuyên môn trong giảng dạy và nghiên cứu. Ba năm sau mới kết giao thực sự với thầy sau khi chuyển công tác từ Trường Đại học Tổng hợp Huế vào Trường ĐHSP TP.HCM. Hơn 30 năm qua học hỏi, tôi có dịp cùng thầy chia sẻ một số điều thuộc chuyên môn, dần mở rộng sang lĩnh vực khác, dần dà được thầy tin cậy.
Chào mừng kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà Giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2023), Khoa Văn học Trường ĐH KHXHNV TP.HCM tổ chức họp mặt và mừng sinh nhật lần thứ 90 Nhà giáo Ưu tú - PGS. Chu Xuân Diên vào ngày 18/11/2023.
Tinh thần học thuật dân chủ và bình đẳng
Cứ như vậy mấy chục năm nay tôi vẫn qua lại với thầy, khi thì chuyện chuyên môn khi thì chỉ ghé chơi, "đá" sang vài chuyện vặt cùng quan tâm. Thực ra, thầy không phải là người hay chuyện, ít quan tâm thế sự, chuyện riêng tư của người khác nên mọi chuyện cuối cùng cũng quay về chuyên môn. Mỗi lần sang nhà, việc đầu tiên tôi quan tâm là xem cụ đang đọc tài liệu gì để học lóm. Dường như lúc nào trên bàn thầy đều thấy có sách hoặc tạp chí được mở sẵn ở chỗ đang đọc dở. Cái nếp đọc hằng ngày của thầy là thói quen của thế hệ Tây học đang làm công tác nghiên cứu, giảng dạy ở các trường đại học khiến tôi nhớ đến một số nhà khoa học nổi tiếng cùng thế hệ thầy hoặc lớn hơn, có dịp được chứng giám.
Thường thầy cho biết đang đọc gì đấy và tiện thể giới thiệu luôn cho tôi như một gợi ý, một định hướng bổ ích. Tôi và nhiều đồng nghiệp khác đã trưởng thành lên nhờ như vậy bên cạnh thầy. Có khi trao đổi cụ thể một vấn đề mới hoặc là nhận xét hay phản biện cho một học viên nào đó mà tôi và thầy được phân công cùng hội đồng, hoặc hướng dẫn; có khi chỉ vài câu chuyện nào đó cùng quan tâm. Tất cả diễn ra trong tinh thần cởi mở, thẳng thắn, không hề ồn ào, không hề cương lên dù có khi bất đồng về quan điểm. Ngay cả khi phê phán, thầy cũng thể hiện bằng âm lượng nhẹ nhàng, ôn tồn vừa phải. Tôi thì hay cao giọng, lớn tiếng. Hai thái cực trong trạng thái biểu cảm này lại được chia sẻ một cách ôn hòa. Điều đó có thể nói tinh thần dân chủ, bình đẳng trong học thuật là phẩm chất hiếm có ở thầy và một số giáo sư đầu ngành của nước ta mà tôi được biết hoặc có dịp gần gũi..
Thứ hai, công tâm, dân chủ trong đối thoại chuyên môn với bất kỳ đối tượng nào. Thông thường trước khi ngồi hội đồng, thể nào tôi cũng gặp thầy có đôi lời nhận xét, đánh giá học viên để rà xem có đồng quan điểm không. Có chỗ đồng tình, có chỗ không đồng tình vẫn bảo lưu và ra hội đồng, ai nghĩ sao nói vậy, không dựa ý, lấy lòng, ngay cả khi tôi hay thầy phản biện hoặc hướng dẫn và ngược lại mà không hề tỏ ra khó chịu khi bị bác quan điểm. Có điều thú vị mà tôi chưa lý giải được, không hiểu sao, ngồi với thầy là ý tưởng khoa học tuôn ra một cách mạch lạc, táo bạo không gợn lên chút e dè. Thầy chú ý nghe. Chưa rõ, thầy hỏi lại, không hề bộc lộ tán thưởng hay chê bai. Với tôi thái độ ấy dường như là chất xúc tác, là khuyến khích, vừa là sức hút, khơi gợi đam mê. Hóa ra, thầy nghe và đánh giá cả chứ không nghe kiểu xã giao. Thậm chí có lúc tôi đọc cho thầy nghe bài của mình vừa được đăng. Thầy chăm chú nghe và bảo “khó nghe đấy”, ý rằng bài viết khó. Những nhà khoa học chân chính rất chịu nghe.
Mãi sau này khi hướng dẫn tôi làm luận án tiến sĩ, thầy gần như không góp ý gì về đề cương mà tôn trọng ý kiến và cách làm độc lập của tôi. Khi viết xong luận án, tôi trình thầy xin bảo vệ. Thầy xem xong, chỉ bảo, viết thêm vài dòng ở phần cuối cho chặt chẽ. Tôi thêm ba trang, vừa tròn 200 trang luận án. Thầy cho bảo vệ ngay. Đến khi bảo vệ xong, thầy chỉ nhận xét: “Hùng viết như đi xiếc trên dây”. Khen hay chê, không rõ nhưng chắc là thầy đồng tình với cách viết có phần táo bạo, phóng túng, khác với kiểu tư duy vốn chặt chẽ, chuẩn xác của thầy. Nghĩa là thầy chấp nhận cái khác biệt, cái mới. Chỉ có nhà khoa học đích thực mới có thái độ này. Có lẽ vì vậy mà sau này, có lần thầy khuyên bảo: “Hùng nên viết ra, không thì uổng lắm, nhiều ý tưởng khoa học như vậy, cần lưu lại và truyền cho sinh viên". Tôi thầm cảm ơn thái độ tôn trọng mà thực chất là đánh giá của thầy. Đấy là cách động viên, khuyến khích, có thể là sự chia sẻ, tương giao chăng.
TUỔI TRỜI
(Mừng thầy tôi tròn 90)
Thầy tôi sinh nhật tuổi trời
Tóc ngời mây trắng, mắt ngời hạnh vui
Tuệ người gởi lại chúng tôi
Môi người còn mãi nụ cười bé thơ.TS. La Mai Thi Gia
Học rộng, đọc sâu và chưa bao giờ ngưng đọc
Nhờ gần gũi vậy mới thấy phông kiến thức hàn lâm của Thầy rất rộng, hiểu đến nơi đến chốn. Không chỉ giới hạn trong lý thuyết Flolklore mà cả lĩnh vực triết, lý luận văn học thịnh hành ở phương Tây, Nga thuộc hàng kinh điển xưa nay, thầy đều nắm vững. Tiếc là thầy ít viết hay không thích phô diễn kiến thức nên ít người biết. Vốn tri thức Tây học này (thầy thông thạo Pháp, Nga, Anh) tích lũy từ thời đi học. Đến nỗi sau này có những nhà khoa học nổi tiếng dịch một số tài liệu kinh điển, thầy cho biết dịch sai nhiều chỗ với một thái độ khiêm nhường không phô trương.
Thầy kể hồi đang là sinh viên năm thứ hai, đã cùng giáo sư Phùng Văn Tửu (cùng lớp) và vài người khác lập nhóm rồi dịch tác phẩm văn học kinh điển của thế giới. Đến nay, thầy vẫn đặc biệt duy trì sự đam mê Văn học cổ điển phương Tây. Tiếc rằng thiên hướng theo đuổi Văn học phương Tây, lý luận bị ngưng lại khi giáo sư Đinh Gia Khánh giữ thầy lại và bố trí vào phần Văn học dân gian. Nhưng cũng nhờ vậy mà trong lĩnh vực văn học dân gian, cho đến tận bây giờ nhiều lý thuyết phương Tây thịnh hành, nhiều người tiếp xúc thấy mới nhưng với thầy quá quen thuộc. Cho nên nhiều giáo sư đầu ngành hiện nay cũng như đồng nghiệp trong cả nước, vốn là học trò của thầy. Thầy vẫn miệt mài đọc như vậy từ bao lâu nay, thường xuyên cập nhật cái mới, nghiền ngẫm cái cũ như một thú vui qua những sách kinh điển tiếng Anh, Pháp, Nga, nhiều cuốn đã ố vàng…
Những năm gần đây, gia đình đưa Thầy về tận Nhà Bè để tiện chăm sóc, đường xa và công việc bận rộn khiến tôi ít thăm viếng thầy như mọi khi. Mấy lần tôi đưa lên Facebook hình ảnh chụp Thầy lúc đến thăm ở Nhà Bè thì học trò cũ của thầy tận Hà Nội như nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nhà nghiên cứu phê bình Ngô Thảo cũng đã ngoài 80, GS Trần Ngọc Vương, PGS Nguyễn Thị Huế vào tuổi 70 và nhiều nữa khắp nơi đều bày tỏ nỗi vui khi thấy thầy còn khỏe. Những lúc vậy thấy vui lây cùng thầy. Mấy năm trước, giáo sư Trần Đình Sử vào công tác tại TP.HCM, trong lúc trà dư tửu hậu tâm sự với tôi, nhân nhắc đến thầy, rất tâm đắc với nhận định của tôi: “GS Chu Xuân Diên là con người thanh khiết từ học thuật đến nhân cách”. Nếu vẽ lên một chân dung ngắn gọn về Thầy có thể thế này chăng: Âm thầm, lặng lẽ, không phô trương, là một khối năng lượng ngầm về học thuật, biết chia sẻ cảm thông và nguyên tắc, cẩn trọng trong khoa học, lịch lãm (kiểu Tràng An), biết tôn trọng người đối thoại, nghiêm cẩn trong đánh giá.
Nhìn Thầy như bậc chân tu, ít khi tham dự vào thế sự, chỉ chăm chút và tìm niềm vui trong chuyên môn. Không nồng nhiệt khi giao tiếp, ngay cả khen cũng rất kiệm. Thầy không khen tôi trước mặt, khi cần tán thưởng chừng mực. Nghe đâu với người khác thầy nói điều tốt đẹp về tôi. Tôi cảm ơn tình tri ngộ ấy và rất áy náy khi chỉ và đang làm được hai trong ba điều Thầy khuyên: Hùng chịu khó ngồi chút thì tuyệt, ý bảo có thời gian đọc và nghiền ngẫm. Và hãy viết, truyền tải những ý tưởng cho sinh viên thế hệ sau, không thì tiếc lắm. Rất may tôi là người chịu nghĩ nên thực hiện được điều thứ nhất và thứ hai. Còn điều thứ ba thầy khuyên không tiện nói ra đây…
Nhìn lại một chặng đường được gần thầy, đầy ngưỡng mộ và tiếp thu chút tinh hoa từ thầy, thực sự có hiệu quả trong bước đường tu nghiệp của bản thân, tôi luôn tự nhủ: hãy gắng học thêm chút gì đó của thầy khi còn có thể. Nay thầy đã bước vào tuổi đại thượng thọ. Chúc gì đây. Chỉ xin nhắn với tất cả bạn hữu, học trò, những người yêu thầy rằng: Tôi mới gặp thầy và được tâm sự như sau: “Mình vẫn khỏe, ăn biết ngon, thích đi chơi với anh em, học trò, dù tai rất kém, uống chút gì đó. Vẫn đọc sách và thấy thú vị những quyển sách hay”.
Thầy ta thế là tiên còn gì!
Phó Giáo sư Chu Xuân Diên sinh năm 1934 tại tỉnh Bắc Ninh. Sau khi tốt nghiệp khóa đầu tiên (1956 - 1959) ngành Ngữ văn tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy Văn học dân gian.
Từ năm 1986 đến năm 2000, ông công tác tại Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM (nay là Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM)