Thảnh thơi giữa thiên nhiên

Vũ Âu| 28/01/2023 06:49

Thèm không khí tươi mát ngập tràn dưỡng khí, thèm món miệt vườn quơ tay là có, thèm nơi bình yên chim hót… đã khiến không ít người bỏ phố về vườn!

Về vườn để… bình yên

Yêu nghề y, là nghề gia truyền của họ ngoại nên bác sĩ Chu Trọng Hiệp vô cùng tận tâm với nghề! Nhưng nghề này căng thẳng lắm, nhất là ngành ngoại khoa tim mạch, đòi hỏi tập trung từng giây từng phút. Để thư giãn đầu óc, anh đã xây một căn nhà nhỏ ở Củ Chi nhằm tận hưởng… bình yên!

Theo anh, bình yên là khi tạm bỏ lại sau lưng những ồn ào phố thị, những công việc đầy áp lực. Về đến nhà chỉ để ngắm hoa lá, cỏ cây, ăn đạm bạc rau củ, nghe chim hót, gà gáy. Sáng đun nước pha ấm trà xanh thật đậm, ngồi một mình trước hiên nhâm nhi từng ngụm, từng ngụm nhỏ…

Bình yên là khi tạm bỏ lại sau lưng những ồn ào phố thị, những công việc đầy áp lực. Về đến nhà chỉ để ngắm hoa lá, cỏ cây, ăn đạm bạc rau củ, nghe chim hót, gà gáy.

Bình yên là hít thở bầu không khí miền quê, lẫn lộn nhiều mùi: mùi ẩm ướt của đất, mùi ngai ngái của cỏ, mùi thơm của hoa, mùi khói lam chiều… Bình yên là ngủ một giấc dài trên võng, khi gió hiu hiu thổi, tiếng lá cây xào xạc bên tai… Bình yên là niềm vui tự tại, là tận hưởng từng giây cuộc sống… Bình yên là khi không phải nghe: “Anh Hiệp ơi, có bệnh nhân… cần mổ gấp!"

Để rồi sau những ngày cuối tuần bình yên ấy, anh được”sạc pin”, được nạp đầy năng lượng, trở lại với công việc hiệu quả hơn bao giờ hết!

Về để… tìm lại chính mình

Chị Thu Thủy, nhà báo, thực hiện ước mơ tuổi thơ là sống giữa thiên nhiên, lên Bảo Lộc mua đất làm nhà trình tường. Bốn tháng làm nhà, cực đến muốn khóc nhưng lại vui vì được sống với những người dân quê chân chất, tốt bụng. Nhà làm xong, vườn cũng bắt đầu có hoa.

Chị cũng ngộ ra: “Tôi đã đi qua một chặng đường dài để hiểu được, chỉ có chính mình mới tặng cho mình niềm vui mỗi ngày. Niềm vui miễn phí bên trong ta, chẳng qua ta không nhận ra mà thôi!

Ngắm nhìn, nhận ra những mùi hương, lắng nghe âm thanh, lòng hân hoan khi mình may mắn được nhận bao quà tặng của thiên nhiên.

Nhận ra là một quá trình trưởng thành mà mỗi người tự khám phá. Và tôi đã tìm được, vui vẻ góp nhặt trên đường đi những làn gió, ánh bình minh, hoa nở, chim hót. Tôi ngắm nhìn, nhận ra những mùi hương, lắng nghe âm thanh, lòng hân hoan khi mình may mắn được nhận bao quà tặng của thiên nhiên. Bạn hãy thử bằng cách bớt suy nghĩ 30 giây và ngước nhìn bầu trời, nó mới đẹp làm sao!”

Về để… hạnh phúc

 Anh chị Lê - Minh, giám đốc một công ty dược tại TP.HCM về vườn để… hạnh phúc! Chị cho biết: “Chúng tôi chọn Bảo Lộc vì khí hậu mát mẻ, không khí trong lành, cây xanh dễ chăm sóc. Bảo Lộc giờ là ngôi nhà thứ hai của chúng tôi vì được tính toán xây dựng dựa trên ý tưởng của cả gia đình.”

Anh chị về làm vườn, chỉ cần mua đúng dụng cụ, sắp xếp hợp lý, việc chăm sóc không khổ sở mà thành niềm vui. Hai vợ chồng vừa làm vừa nói chuyện, vừa nhìn ngắm thành quả của mình, thật sự quẳng hết lo lắng trong đời.

“Còn gì bằng sáng nghe tiếng gà gáy, chim ca ríu rít, thi thoảng là tiếng chuông nhà thờ, tạo thành điệu nhạc thiên nhiên cực kỳ tuyệt diệu. Giàn hoa mai xanh giờ có ba tổ chim, hai vợ chồng chỉ dám đứng ngắm từ xa”, chị hớn hở khoe.

Sáng nghe tiếng gà gáy, chim ca ríu rít, thi thoảng là tiếng chuông nhà thờ, tạo thành điệu nhạc thiên nhiên cực kỳ tuyệt diệu.

Để được có những giây phút thư giãn trên, anh chị đã trải qua nhiều gian khổ, từ chọn mua đất đến xây nhà, làm vườn. Điều khiến anh chị luôn hạnh phúc là nhà vườn trở thành nơi gắn kết hạnh phúc gia đình, có chung không chỉ niềm vui mà cả nỗi lo, bởi bọn côn trùng như muỗi, mối, kiến, ong… luôn rình rập!

Về để… sửa sai!

Trong cuộc sống, có những quyết định sai lầm mà bản thân phải chịu trách nhiệm. Họa sĩ Cát Tường tâm sự: “Tôi xây căn nhà 4 tầng để con cháu cùng ở, nhưng chúng có chí hướng riêng. Thế là tôi “ôm” và trở thành “nô lệ” căn nhà. Tôi sợ cửa kính, đồ gỗ điêu khắc cầu kỳ, đồ trưng bày… vì nó “đẻ” ra biết bao việc phải làm”. Đã có bài học, giờ, nhà vườn được anh chị thiết kế học theo các cụ thời xưa, mộc mạc, dễ lau chùi và không bám bụi. Thời gian lo vệ sinh căn nhà, bếp núc sẽ dành trọn cho khu vườn và sở thích cầm, kỳ, thi, họa!

Bên cạnh đó, anh chị còn chọn cách sống thân thiện với môi trường, tức không dùng bất kỳ loại hoá chất nào như: thuốc trừ sâu, diệt muỗi… Nghĩ là vậy chứ khi bắt tay vào việc, trăm ngàn khó khăn hiện ra như… cỏ dại. Làm sao có thể tập trung vẽ, làm vườn khi muỗi tổ chức “tiệc tự chọn” ngay trên cơ thể mình!

Về vườn, cần nhiều kỹ năng sống

Khi về vùng nhiều đất hơn nhà, điều ngại nhất là côn trùng vì nó có thể cắn, chích gây đau đớn, khó chịu. Theo vợ chồng anh chị DK - Hương: “Tốt nhất là hệ thống cửa lưới, làm ngay từ đầu, không tốn kém mà rất hiệu quả, tha hồ hưởng gió mát trăng thanh mà không em nào chui vào được. Còn loại “con cháu” nhỏ hơn chui vào đến lớp thứ hai thì sẽ dùng máy bắt muỗi”.

Bên cạnh các “chiêu” chống côn trùng nêu trên, chị Cát Tường còn có chiêu hun khói. Theo chị, hun khói là một nghệ thuật, mà người hun khói là nghệ sĩ với nước mắt tuôn rơi. Lúc đầu, do không biết hun, chị cứ gom lá và giấy báo đốt cháy phừng phừng, cháy luôn nửa cây nhàu cạnh đó. Sau được cô láng giềng chỉ cách, đơn giản lắm, chỉ cần mồi lửa rồi đặt mùn cưa hoặc tấm lá to cỡ lá sa kê, mảnh lá chuối ẩm là khói trắng xóa, côn trùng dọn nhà đi ngay.

Hun khói để đuổi côn trùng

Để có căn nhà vườn ở được, bác sĩ Chu Trọng Hiệp hướng dẫn: “Đầu tiên phải chọn vùng đất có thể trồng trọt cây cối hoa màu được, điều này không dễ dàng chút nào, các bác nông dân dạy là cứ thấy đất xung quanh trồng được cây gì, nhiều khả năng đất mình sẽ trồng được cây đó. Thứ đến là đất không bị trũng, đất cao ráo sẽ rất tốt cho các loại cây ăn trái.

Cuối cùng là nguồn nước, nước bị nhiễm mặn hoặc nhiễm phèn thì thôi rồi. Lấy nước tại chỗ (nước giếng, nước ao hồ, sông rạch) nếm thử nếu có vị ngọt, không mùi là được, đào giếng khoan sâu lấy nước đem xét nghiệm xem có đủ tiêu chuẩn nước sinh hoạt hay không, nếu như đất cạnh sông rạch thì cũng nên đem mẫu nước đi thử”.

Niềm vui khi trồng cây là xem "những đứa nhỏ " lớn lên từng ngày, trưởng thành, ra hoa kết trái và vui nhất là hưởng thụ thành quả với niềm hân hoan vô bờ bến. Để có được điều này cần biết cách chọn giống. Khâu này thật sự may - rủi, có những giống cây trồng rất tốt ở nơi khác đem về vườn trồng không phát triển được nên phải thử rồi từ từ có kinh nghiệm.

Ai đã từng trồng cà chua sẽ biết nó “đỏng đảnh|” thế nào. Để có cà ăn, chị Thu Thủy chọn loại cây cà chua của người dân tộc, mọc khoẻ như trâu, cho trái nhiều. Chị ưu tiên các loại dễ trồng như cà tím, su hào, cải… Trồng không hoá chất, thuốc trừ sâu, trồng tự nhiên, lên bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Đúng là cuộc sống trở nên đơn giản hơn khi ta nhìn mọi thứ đơn giản.

Hoa thơm, trái ngọt, rau tươi không tự nhiên mà có. Về vườn, trồng cây sẽ thấy rõ luật nhân - quả, cho và nhận! Càng thương yêu, chăm sóc thì cây càng tốt tươi. Công sức bỏ ra tuy mệt nhưng đổi lại là sức khỏe cả thể xác lẫn tinh thần. Nếu không tin, bạn có thể kiểm tra sức khỏe sau khi “quần quật” làm vườn một tháng là biết ngay mà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thảnh thơi giữa thiên nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO