Y học

Thai phụ tham gia BHYT liên tục 5 năm đi sinh được hưởng nhiều quyền lợi

Hương Giang (ghi) 19/03/2025 11:17

Nếu thai phụ có Bảo hiểm y tế (BHYT) và tham gia liên tục 5 năm trở lên, khi đi sinh có giấy chuyển tuyến hợp lệ sẽ được hưởng quyền lợi cao hơn. Sản phụ có tiểu đường thai kỳ, tiền sử nhiễm trùng sau mổ lấy thai, hậu phẫu có thể dài hơn hoặc dùng các loại thuốc đặc biệt hơn trong quá trình điều trị.

Một thai phụ 38 tuổi, chuẩn bị sinh mổ lần thứ 4; lại có tiền sử nhiễm trùng vết mổ do chỉ tiêu và thành phần trong thuốc giảm đau, đã gửi một số thắc mắc về Tạp chí Khoa học phổ thông liên quan đến các quy trình khi muốn sinh ở Bệnh viện Từ Dũ. ThS.BSCKII Bùi Thị Hồng Nhu - Trưởng phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) đã có những giải đáp.

ths.bs-hong-nhu.jpg
ThS.BS.CKII Bùi Thị Hồng Nhu - Trưởng phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Từ Dũ

Em có BHYT ở bệnh viện khác, vậy em xin giấy chuyển đến khám tại BV Từ Dũ có được không? Nếu em khám và sinh con ở BV Từ Dũ có được hưởng BHYT không và mức hưởng như thế nào?

Đi khám thai phải có giấy chuyển viện

Đối với trường hợp người bệnh có thẻ BHYT đăng ký khám thai ngoại trú tại Bệnh viện Từ Dũ, người bệnh vui lòng xuất trình thẻ BHYT kèm giấy chuyển tuyến hợp lệ được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT và mức hưởng ghi trên thẻ BHYT. Mức hưởng trên thẻ BHYT của người bệnh có thể là 80%, 95% hoặc 100% tùy theo đối tượng được quy định tại Điều 22 Luật BHYT sửa đổi.

Trường hợp đi khám thai, thai phụ có BHYT nhưng không có giấy chuyển tuyến hợp lệ sẽ không được quỹ BHYT thanh toán.

Như vậy, khi khám thai muốn được hưởng BHYT em phải xin giấy chuyển tuyến nhé.

Đi sinh không cần giấy chuyển viện

Khi nhập viện sinh, bất kỳ thai phụ nào đi sinh có thẻ BHYT đều được hưởng chi phí khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến theo quy định là 100% chi phí điều trị nội trú (áp dụng từ ngày 1/1/2021 theo Luật BHYT sửa đổi năm 2014) dù có giấy chuyển tuyến hợp lệ hay không có giấy chuyển tuyến.

Tuy nhiên, trường hợp có giấy chuyển tuyến hợp lệ: Khi người bệnh có thời gian tham gia Bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, người bệnh vẫn được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh (Điểm C, Khoản 1, Điều 22 của Luật BHYT). Lúc này nếu không có giấy chuyển tuyến, người bệnh sẽ không được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh.

Như vậy, nếu em có BHYT và đã tham gia liên tục 5 năm trở lên, khi đi sinh em có giấy chuyển tuyến sẽ được hưởng quyền lợi cao hơn.

Bệnh viện Từ Dũ không có quy định phải khám thai trước 37 tuần!

Em nghe nói muốn sinh ở Bệnh viện Từ Dũ, phải đến khám và làm hồ sơ trước 37 tuần thai kỳ, như vậy đúng không? Và bệnh viện có tiếp nhận tất cả thai phụ đến khám và sinh tại đây không?

Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận tất cả các trường hợp thai phụ đến khám và sinh tại Bệnh viện Từ Dũ. Khi em đến ngày dự sinh hoặc có dấu hiệu chuyển dạ như đau bụng từng cơn, ra nước, ra huyết âm đạo… hoặc có chỉ định nhập viện em cứ đến Cổng số 1 - vào khoa Cấp cứu để được tiếp nhận điều trị.

Không cần đến khám và làm hồ sơ nhập viện trước và bệnh viện cũng không có quy định này.

bv-tu-du.jpg
Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận tất cả các trường hợp thai phụ đến khám và sinh tại Bệnh viện Từ Dũ, không cần đến khám và làm hồ sơ nhập viện trước.

Em năm nay 38 tuổi. Hiện em đang mang thai 33 tuần, con thứ 4 và 3 lần trước đều sinh mổ. Lần sinh đầu tiên là mổ cấp cứu ở Bệnh viện sản năm 2016, sau đó bị nhiễm trùng vết mổ do dị ứng chỉ tiêu; 2 lần sau cũng bị nhiễm trùng vết mổ do chỉ tiêu hoặc gì chưa rõ; lần thứ 3 nhẹ hơn do bác sĩ bảo khâu chỉ đơn sợi đỡ dị ứng hơn các loại chỉ tiêu đa sợi hay dùng trước đó. Ngoài ra, em có tiền sử dị ứng một chất nào đó trong thuốc giảm đau (sau mổ được BS truyền/tiêm thuốc giảm đau, cả người nổi mề đay và sưng cục nhiều nơi, ngứa chịu không nổi).

Mới đây, em mới xét nghiệm đường huyết thai kỳ còn bị vượt ngưỡng sau 1h và 2h (tiểu đường thai kỳ). Do lần thứ 4 nên bác sĩ tư vấn em chắc chắn phải sinh mổ, vậy nếu sinh ở Bệnh viện Từ Dũ, em phải đến làm những thủ tục gì và trước ngày dự sinh bao lâu?

Do lần thứ 4 nên bác sĩ tư vấn em chắc chắn phải sinh mổ, vậy nếu sinh ở Bệnh viện Từ Dũ, em phải đến làm những thủ tục gì và trước ngày dự sinh bao lâu?

Nếu em có chỉ định mổ lấy thai chủ động, đến ngày hẹn nhập viện em đến Bệnh viện Từ Dũ tại Cổng số 1 - 284 Cống Quỳnh, vào khoa Cấp cứu. Em sẽ được tiếp nhận khám và làm hồ sơ nhập viện. Khi hoàn tất hồ sơ em sẽ được hướng dẫn theo dõi và chờ mổ trong ngày. Em nên nhịn ăn uống từ 0h để chuẩn bị cho ca mổ.

Vì em có tiểu đường thai kỳ, tiền sử nhiễm trùng 3 lần mổ lấy thai trước và có dị ứng với thuốc giảm đau không rõ loại em nên khai đầy đủ với bác sĩ để lưu ý trường hợp của em nhé.

Khi đến nhập viện em nên mang theo:

• Căn cước công dân bản chính và photo sẵn 2 bản để làm chứng sinh cho con

• Hồ sơ khám thai đầy đủ và nên sắp xếp theo thứ tự ngày tháng.

• Bảo hiểm dịch vụ cao nếu em có sử dụng

• Các giấy tờ điều trị, toa thuốc có liên quan đến thai kỳ lần này.

• Chỉ định mổ lấy thai của bác sĩ nếu có.

Quy trình nhập viện sinh mổ ở Bệnh viện Từ Dũ hiện như thế nào? Hồ sơ giấy tờ cần đem theo là gì và chi phí ca mổ lần thứ 4 như thế nào?

Khi có chỉ định mổ lấy thai chủ động, đến ngày hẹn nhập viện em sẽ đến khoa Cấp cứu – Cổng số 1, 284 đường Cống Quỳnh, bệnh viện Từ Dũ để làm hồ sơ nhập viện.

benh-vien-tu-du.jpg
Khi có chỉ định mổ lấy thai chủ động, đến ngày hẹn nhập viện, sản phụ sẽ đến khoa Cấp cứu - Cổng số 1, 284 đường Cống Quỳnh, Bệnh viện Từ Dũ, để làm hồ sơ nhập viện.

Nếu em không đăng ký dịch vụ sẽ được chuyển khoa Sản A để chờ mổ. Nếu đăng ký mổ dịch vụ sẽ được chuyển sang đơn vị Điều trị trong ngày và được mổ trong ngày. Hiện bệnh viện Từ Dũ có mổ dịch vụ: được yêu cầu bác sĩ mổ và mổ dịch vụ gia đình: được yêu cầu bác sĩ mổ và 1 người thân được đồng hành cùng em bên cạnh lúc bác sĩ mổ.

Em cũng sẽ được tư vấn các dịch vụ khác và đăng ký phòng lúc làm hồ sơ nhập viện. Sau khi mổ và theo dõi tại khu hồi sức ổn em sẽ được chuyển về phòng hậu sản em đã đăng ký.

Về chi phí mổ lấy thai lần 4 nếu hậu phẫu ổn, nằm viện 5 ngày và em bé ổn xuất viện theo mẹ sẽ dao động từ 15 - 30 triệu tùy theo giá giường dịch vụ em đăng ký nằm sau mổ (giá giường dao động từ (400.000 - 4 triệu/ngày). Chi phí này chưa tính giảm trừ BHYT nhé.

Trường hợp của em có tiểu đường thai kỳ, tiền sử 3 lần nhiễm trùng mổ lấy thai trước và dị ứng thuốc không rõ loại, hậu phẫu có thể dài hơn hoặc dùng các loại thuốc đặc biệt hơn trong quá trình điều trị do đó chi phí có thể phát sinh cao hơn nhé.

Xin cảm ơn ThS.BSCKII Bùi Thị Hồng Nhu!


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thai phụ tham gia BHYT liên tục 5 năm đi sinh được hưởng nhiều quyền lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO