Bạn đọc

Tâm tình với Tạp chí Khoa học phổ thông nhân ngày 21/6

Minh Hải-Thiên Chương-Công Chương 21/06/2023 06:00

Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), bên cạnh những lẵng hoa tươi thắm, Tạp chí Khoa học phổ thông còn nhận được những tình cảm, những kỳ vọng, những chia sẻ thân tình từ bạn đọc, nhà báo, nhà giáo, nhà khoa học...

tam-tinh-2a.jpg
PGS.TS Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, dẫn đầu đoàn công tác đến thăm, chúc mừng tập thể tòa soạn Tạp chí Khoa học phổ thông, sáng 19/6.

Góp phần tích cực vào việc phát triển khoa học kỹ thuật

1. Tính ra, Tạp chí Khoa học phổ thông là một cái tên từng có mặt rất sớm trong làng báo chí Việt Nam, xuất hiện tại Sài Gòn từ năm 1934: Tập san Khoa học phổ thông do nhà hóa học ứng dụng - kỹ sư Lâm Văn Vãng (1906 – 1988) sáng lập và phát hành số đầu tiên vào năm 1934 nhằm phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật trong đời sống.

Qua nhiều lần đình bản rồi tục bản, đến sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tạp chí Khoa học phổ thông lại tiếp tục xuất hiện ở làng báo thành phố (bộ mới phát hành vào ngày 15/1/1976) và người chủ nhiệm đầu tiên cũng là kỹ sư Lâm Văn Vãng. Sau đó, Tạp chí được chuyển đổi thành Báo Khoa học phổ thông thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM.

minh-hai.jpg
Nhà báo Nguyễn Minh Hải - Trưởng Phòng Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM.

2. Thực hiện việc quy hoạch, sắp xếp hệ thống báo chí thành phố, Báo Khoa học phổ thông được chuyển đổi thành tạp chí và ngày 4/7/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp Giấy phép hoạt động báo chí cho Tạp chí Khoa học phổ thông. Tiếp đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ngày 17/8/2022 đã ký quyết định thành lập Tạp chí Khoa học phổ thông, trên cơ sở tổ chức lại Báo Khoa học phổ thông thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM sáp nhập với Tạp chí Thời sự Y học thuộc Hội Y học TP.HCM. Bên cạnh ấn phẩm điện tử, Tạp chí có 3 ấn phẩm in: Tạp chí Khoa học phổ thông phát hành hàng tuần vào thứ Sáu, Khoa học phổ thông – Sống xanh xuất bản 2 kỳ/tháng, và Khoa học phổ thông – Thời sự y học xuất bản 1 kỳ/tháng.

Một sản phẩm báo chí có tên “Khoa học phổ thông” đương nhiên phải nói về khoa học và khoa học đó phải thực sự phổ thông, chứ không phải khoa học hàn lâm. Tức là, xuyên suốt trên các ấn phẩm của Tạp chí, yếu tố khoa học được thể hiện một cách gần gũi, dễ hiểu, dễ ứng dụng phải được đặc biệt quan tâm, để người đọc có thể tiếp cận và vận dụng một cách dễ dàng, thiết thực.

3. Trên tinh thần tiếp cận về tính chất “khoa học phổ thông” như vậy, Tạp chí Khoa học phổ thông đương nhiên mang một sứ mạng diễn giải của những điều thuộc về khoa học, đặc biệt là với những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, bằng ngôn ngữ và cách thức dành cho công chúng nói chung, nhất là nhóm công chúng bình dân, có thể hiểu được, làm theo được. Thí dụ, nói về chăm sóc sức khỏe, bên cạnh những tư vấn mang tính hàn lâm (về nội dung nhưng giản dị về ngôn ngữ) của các bài viết, ý kiến trả lời của các bác sĩ, các chuyên gia về các trường hợp chữa bệnh cụ thể thì việc phòng ngừa bệnh tật và chăm sóc sức khỏe nói chung nên được diễn đạt bằng các hình thức thật gần gũi, dễ hiểu. Đây là cách mà các bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, Lê Thúy Tươi, Đỗ Minh Tuấn… hay các chuyên gia về sức khỏe quá cố Lương Lễ Hoàng, Trần Bồng Sơn… đã viết hoặc trả lời bạn đọc.

Về việc chọn lựa các chủ đề để phổ biến, Tạp chí nên quan tâm đến các vấn đề giúp cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, như việc tổ chức công việc theo khoa học, việc tổ chức các công việc làm ăn cho các nhóm đối tượng, việc xây dựng nhà ở sao cho phù hợp với điều kiện sống của đô thị, việc sử dụng internet – mạng xã hội cho những bạn đọc bình dân, việc chăm sóc sức khỏe đúng cách với các nhóm đối tượng khác nhau (như thai phụ, trẻ em, người già, phụ nữ…; với các nhóm bệnh phổ biến (như tim mạch, xương khớp, hô hấp, tiêu hóa, nội tiết…), việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, việc sử dụng các thực phẩm chức năng sao cho hiệu quả, việc xây dựng gia đình hạnh phúc, việc sử dụng các phương tiện giao thông hiệu quả và an toàn, việc học và chăm sóc việc học cho trẻ của các bậc cha mẹ… Đương nhiên, đây đều là các chủ đề lớn, có thể “chẻ” thành nhiều chủ đề nhỏ và thực hiện thường xuyên, xen kẽ nhau.

khpt-gt.jpg
Thông tin các ấn phẩm của Tạp chí Khoa học phổ thông.

4. Về hình thức thể hiện, với tính chất vừa là tạp chí in vừa có trang thông tin điện tử, Tạp chí có thể thực hiện bằng nhiều loại sản phẩm, như bài viết, bài phỏng vấn, trả lời câu hỏi của bạn đọc, video, audio, infographic, hoặc tổ chức các talk show, bàn tròn, xây dựng các diễn đàn; đặc biệt có thể tổ chức các sự kiện phù hợp để thu hút người nghe trực tiếp các vấn đề đang được xã hội quan tâm… Thời gian tới, Tạp chí nên xây dựng nền tảng mạng xã hội (fanpage, YouTube…) để tăng thêm kênh truyền tải và tạo điều kiện để thông tin, kiến thức của Tạp chí được đến với nhiều người hơn, một cách sinh động hơn. Kể cả việc tổ chức các cuộc thi với các quy mô khác nhau cũng cần được nghiên cứu đầy đủ và thực hiện trong những điều kiện thích hợp để phát huy ý kiến đóng góp của bạn đọc và trưng cầu các giải pháp, kinh nghiệm của đông đảo người dân, thông qua “bộ lọc” là các chuyên gia đúng chuyên ngành.

Đương nhiên, việc thực hiện các chủ đề trên phải bằng cách thức và ngôn ngữ thật giản dị, dễ hiểu đối với đa số công chúng báo chí; đặc biệt là phải đem đến những kiến thức cơ bản đầy đủ, bao quát, tránh bị hiểu “ngắt khúc” dẫn đến thông tin bị sai lệch. Do đó, việc tổ chức thông tin, hình ảnh, tư liệu… phải chặt chẽ, súc tích để giúp người đọc dễ hiểu và dễ thực hành.

5. Để bảo đảm các yêu cầu ở trên, Tạp chí cần quan tâm xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên đủ kiến thức về từng lĩnh vực cũng như lĩnh hội được tinh thần “khoa học phổ thông” của Tạp chí để chuyển tải thành từng sản phẩm báo chí, trong từng câu từ thật sự đáp ứng được yêu cầu đó. Đồng thời, Tạp chí phải xây dựng, gắn kết và có cơ chế phối hợp phù hợp để có một đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia, các nhà khoa học có chuyên môn sâu, có tâm huyết và sẵn sàng chia sẻ về các hoạt động cũng như cách thức tổ chức các hoạt động đó của Tạp chí. Ngoài ra, dĩ nhiên cần có việc tổ chức tài trợ, hỗ trợ của các đơn vị - không chỉ là các đơn vị kinh tế - để có thêm nguồn lực thực hiện thành công các hoạt động đó.

TP.HCM là một địa phương phát triển năng động, sáng tạo, là một trong những đầu tàu về khoa học kỹ thuật của cả nước nên một cơ quan báo chí của thành phố như Tạp chí Khoa học phổ thông phải góp phần tích cực vào việc phát triển khoa học kỹ thuật nói chung và nâng cao kiến thức về khoa học của người dân nói riêng. Làm được điều đó là Tạp chí đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của thành phố!

Nhà báo Nguyễn Minh Hải - Trưởng Phòng Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương: Chúc Tạp chí luôn khỏe mạnh, vững vàng ngòi bút

dscf4291.jpg
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương.

Bất cứ thời kỳ nào, giai đoạn phát triển nào và ở bất kỳ quốc gia nào vai trò của báo chí cũng hết sức quan trọng và cần thiết. Báo chí giúp phản ánh tình hình thời sự chính trị xã hội, khoa học, văn hóa… đồng thời có những luận bàn góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội, chính vì thế, với những đóng góp chân chính của mình, nhà báo là những người xứng đáng được xã hội quan tâm, kính trọng và biết ơn.

Với tạp chí Khoa học phổ thông, sự có mặt của anh chị chính là nơi để các công trình vốn đã được các nhà khoa học chắt chiu, nghiên cứu và thực hiện được đăng tải và đến gần hơn với công chúng. Tạp chí cũng là nơi thông tin chuyên sâu, chuyên ngành, tham gia tư vấn, phản biện chính sách liên quan đến hoạt động khoa học công nghệ nhằm phát triển thúc đẩy kinh tế của thành phố.

Riêng Thời sự y học của tạp chí Khoa học phổ thông, dù ở phiên bản mới và cũng chỉ ra mắt hơn nửa năm, song ấn phẩm đã khái quát được các thông tin thời sự nổi bật của ngành y tế thành phố. Cách làm này không chỉ phản ánh dòng chảy thời sự, những nét mới trong chuyên môn ngành y, những kiến thức y khoa dành cho người dân, mà thông qua các bài viết, Thời sự y học còn tạo nên động lực khích lệ cán bộ y tế để cố gắng hơn nữa trong công cuộc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, kính chúc quý anh chị và các đồng nghiệp luôn khỏe mạnh, vững vàng ngòi bút với tâm thật sáng để có những tác phẩm hữu ích cho các ngành khoa học, trong đó có ngành y, và hơn hết là mang lại những thông tin hữu ích cho người dân.

Thiên Chương (ghi)

BS. Trương Hữu Khanh – Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Nhi Đồng 1: Kỳ vọng vào những phản ánh đa chiều của Tạp chí

aagt4203.jpg
BS. Trương Hữu Khanh – Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Trong thời buổi loạn thông tin trên mạng xã hội, tin giả là một phần của mạng xã hội, tồn tại song song với tin thật. Với mạng xã hội, bất kỳ ai cũng có thể trở thành "người đưa tin". Một trong những cách tốt nhất để giảm bớt những tin giả chính là tăng cường sự xuất hiện của tin thật. Chính vì thế, báo chí phải là nơi cung cấp những thông tin chính xác nhất để người dân còn biết đâu là đúng, đâu là sai.

Muốn có những thông tin chính xác, trước tiên nhà báo phải là người có kiến thức, có khả năng đánh giá các nguồn tin. Điều này giúp tránh được việc ngày cả người làm báo cũng đưa những thông tin góp phần khiến cho dư luận hoang mang. Tại nhóm làm việc với các phóng viên mảng y tế tại TP.HCM, tôi thường xuyên phản ánh lại các bài báo mà theo tôi cần phải viết sao cho đúng. Điều này giúp các bạn rút tỉa được kinh nghiệm cho những bài viết sau.

Với ấn phẩm Thời sự y học của tạp chí Khoa học phổ thông, tôi kỳ vọng các bạn có những phản ánh đa chiều về những vấn đế mang tính thời sự và chuyên môn của ngành y tế, để qua đó, các vấn đề đang được dư luận quan tâm có thể được phân tích, mổ xẻ, bàn luận để có hướng giải quyết phù hợp nhất.

Thiên Chương (ghi)

ThS. Lê Thị Tuyết Anh - Chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM: Vui khỏe mỗi ngày - một sáng kiến vì cộng đồng rất ý nghĩa

tuyet-anh-1.jpg
ThS. Lê Thị Tuyết Anh - Chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM.

Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Công đoàn Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT) phối hợp cùng Tạp chí Khoa học phổ thông tổ chức Chương trình tư vấn y khoa với chuyên đề "Vui khỏe với bệnh thoái hóa cột sống cổ và làm đẹp sao cho an toàn", với sự đồng hành của Hệ thống Bệnh viện Saigon ITO.

Chương trình đã nhận được sự quan tâm, tham dự của đông đảo CB-GV và sinh viên nhà trường. Trang bị kiến thức về sức khỏe cho bản thân, phòng chống các bệnh nghề nghiệp, là những chuyên đề sức khỏe mà Công đoàn trường quan tâm và mong muốn sẽ tổ chức thường xuyên các chuyên đề như thế này.

vui-khoe-8-3-14.jpg
Tạp chí Khoa học phổ thông phối hợp Công đoàn Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM tổ chức chương trình “Tư vấn y khoa: Vui khỏe với bệnh thoái hóa cột sống cổ và làm đẹp sao cho an toàn”, cùng với sự đồng hành của Hệ thống Bệnh viện Saigon ITO, ngày 8/3/2023.

Được biết, thời gian qua, Chương trình đã đến với nhiều đơn vị, trường học trong cả nước. Đây là một sáng kiến vì sức khỏe cộng đồng do Tạp chí Khoa học phổ thông khởi xướng rất có ý nghĩa cần được nhân rộng và lan tỏa hơn nữa.

Công Chương (ghi)

NGHỀ BÁO

Trải qua bao nốt thăng trầm
Chín mươi tám năm hào hùng lịch sử
Báo chí - tiếp thêm ngọn lửa
Giương cao ngọn cờ cách mạng Việt Nam.
Viết tiếp sự nghiệp vẻ vang
Báo là thép giữa muôn ngàn họng súng
Giữa lằn ranh điều sai - đúng
Báo vẫn hiên ngang, sự thật phơi bày.
Chẳng ngại mưa nắng, đêm ngày
Người cầm bút dầm mình trong sương gió
Chân thực, khách quan, sáng tỏ
Những dòng tin luôn cập nhật kịp thời.
Nghiệp vụ nắm vững, trau dồi
Bền gan, vững chí vượt ngàn khó khăn
"Tâm sáng, lòng trong, bút sắc"
Vững tâm ghi khắc lời Người dạy răn.

e04f71fdc575142b4d64.jpg
Tác giả Trần Bích Thảo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tâm tình với Tạp chí Khoa học phổ thông nhân ngày 21/6
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO