Sự thờ ơ nguy hiểm trước sốt xuất huyết

VIẾT TOÀN| 28/10/2022 15:32

Nhiều vật chứa nước vẫn hiện hữu trong nhà và ngoài môi trường khiến muỗi - vật trung gian truyền bệnh vẫn còn tồn tại. Nhiều trường hợp sốt nhiều ngày nhưng vẫn không nghĩ đến sốt xuất huyết và không đi khám bệnh. Hai nguyên nhân trên góp phần cho diễn biến của sốt xuất huyết Dengue vẫn còn diễn biến phức tạp.

Bệnh viện căng mình điều trị, dân vẫn còn thờ ơ
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Khoa Hồi sức cấp cứu có lúc chỉ toàn những bệnh nhi sốt xuất huyết, rất nhiều trường hợp nhập viện muộn, khi đến bệnh viện thì trẻ đã nguy kịch, mạch huyết áp bằng 0, có những thời điểm mỗi ngày có đến hàng trăm ca khám, 10% nhập viện và có nhiều ca thở máy.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, không ít trường hợp đưa đến cấp cứu thì trẻ đã suy đa cơ quan. Tình hình cũng xảy ra tương tự tại các bệnh viện điều trị sốt xuất huyết người lớn khiến các chuyên gia đưa cảnh báo về thái độ thờ ơ có thể dẫn đến chết người.
Còn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm, đơn vị này tiếp nhận 37.950 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 11.000 ca nhập viện (2.000 ca trẻ em, 9.000 ca người lớn). Trong 11.000 trường hợp phải nhập viện, có 1.756 ca nặng. Đến nay đã có hơn 20 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tại đây.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến dịch bùng phát là do chu kỳ bệnh tật cùng với sự di biến động dân cư sau đại dịch Covid-19, sự trở lại của chủng virus có độc lực cao, các bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho rằng nguyên nhân khác là do thông tin chính thống về dịch bệnh chỉ tập trung vào Covid-19 mà quên đi sốt xuất huyết dẫn đến sự thờ ơ của người dân.
Theo TS.BS. Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, việc đổ xô làm kinh tế sau dịch, trong đó có các công trình xây dựng khởi động trở lại, cuộc sống sôi động trở lại mang theo hệ lụy của rác thải, các vật chứa. Việc tuy nhỏ nhưng lại là nguyên nhân dẫn đến bùng phát dịch.
Nhiều trường hợp đã vào bệnh viện rồi nhưng được 2 ngày thấy khỏe thì trốn bệnh viện về nhà sau đó bệnh trở nặng. Nhóm bị sốt xuất huyết nhiều nhất theo các thống kê cho thấy nhóm thanh niên bị nhiễm có xu hướng nhiều do nhóm người này di biến động nhiều nhất.
Việc phun hóa chất diệt muỗi gây bệnh sốt xuất huyết cũng còn nhiều bất cập. Nhiều nơi tự phun hóa chất trong khi lẽ ra phải có hướng dẫn của ngành y tế, tránh tình trạng phun không bài bản do không khảo sát môi trường, không phun trên diện rộng (muỗi sốt xuất huyết có phạm vi hoạt động đến 250 mét). Nhiều trường hợp không xử lý các vật chứa lăng quăng mà chỉ phun diệt các ổ muỗi cỏ. Các loại hóa chất tự phun không rõ ràng nên dễ có khả năng gây độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của chính con người.
“Khi phát hiện hoặc nghi ngờ có ổ sốt xuất huyết, người dân cứ báo cho y tế dự phòng địa phương, việc phun hóa chất sẽ được tổ chức chuyên nghiệp nhất, an toàn nhất cho người dân”, TS.BS. Hòa khuyến cáo.
Nói về điểm nguy cơ, theo TS.BS. Hòa, sốt xuất huyết có 3 thành tố gây bệnh gồm có siêu vi trùng, có muỗi vằn và con người. Phòng bệnh chủ động là phải cắt nguồn không cho trở thành muỗi là diệt lăng quăng. Điểm nguy cơ sốt xuất huyết là khu vực có giới hạn không gian như sân bóng, công trình, trường học, bến xe, khu vui chơi... có vật chứa nước có lăng quăng. Tùy chỉ số khảo sát dịch tễ thu nhận được từ lượng vật chứa nước, vật chứa nước có lăng quăng số lượng bao nhiêu thì đánh giá mức độ cao hay thấp của các điểm nguy cơ.
Tại TP.HCM, các khu dân cư đang được đô thị hóa có nhiều công trường xây dựng thường là các điểm nguy cơ. Vật chứa nước là các tầng đang xây dang dở luôn là những ổ muỗi.
Hộ dân cũng dễ là điểm nguy cơ bởi sự thờ ơ, chủ quan, không nghĩ đến của người dân. Các vật chứa muỗi thường được phát hiện là chén nước cúng, bình bông, khay úp ly, khay nước dưới tủ lạnh, chỗ đọng nơi máng nước. Cũng cần lưu ý các nơi “neo đậu” của muỗi như quần áo bẩn, gầm bàn, những góc nhà kho…
Nghị định 177 năm 2019 đến nay vẫn mạnh dạn xử phạt hành chính trong vi phạm liên quan đến dịch bệnh từ 200.000 - 500.000 đồng với những hành vi để môi trường không hợp vệ sinh như để tồn tại vật chứa nước có lăng quăng và từ 1 triệu đến 3 triệu đồng với hành vi để tồn tại môi trường phát sinh dịch bệnh. Cấp độ phạt có thể tăng lên nếu tái vi phạm.

Một bồn tắm không còn sử dụng trở thành bể chứa lăng quăng trong khu dân cư ở quận 8.

Nhận diện muỗi Aedes aegypti gây bệnh
Loài muỗi này có thể dễ dàng nhận dạng nhờ có vằn trắng, các đốt bàn chân sau có những khoang trắng, riêng đốt bàn chân thứ V trắng hoàn toàn, vì vậy thường có tên gọi là “Muỗi Vằn”.
Chu kỳ vòng đời của muỗi trải qua 4 giai đoạn:
- Giai đoạn hình thành trứng: 2 - 5 ngày.
- Giai đoạn từ trứng thành lăng quăng: 1 - 2 ngày.
- Giai đoạn từ lăng quăng thành nhộng: 3 - 4 ngày.
- Giai đoạn từ nhộng thành muỗi trưởng thành: 1 - 2 ngày.
Bệnh sốt xuất huyết lây lan nhanh là do sự phát tán nhanh, lan rộng của muỗi vằn dưới điều kiện thuận lợi sau đây:
- Sự chuyên chở trứng (chịu đựng được mùa khô) và lăng quăng trong những bồn chứa nước, tàu bè, túi đựng nước của các du mục, những người hành hương...
- Sự chuyên chở các dạng muỗi trưởng thành bằng những phương tiện chuyên chở nhanh (xe lửa, máy bay, tàu...).
- Nhiệt độ thích hợp cho muỗi sinh trưởng và phát triển là khoảng 20 đến 250C.
- Muỗi trưởng thành có thể tìm thấy 50 mét xung quanh ổ với khoảng cách bay tối đa là khoảng 200 mét từ ổ lăng quăng. Nhưng chúng có thể khuếch tán thụ động theo các phương tiện giao thông như máy bay, tàu thủy đi khắp nơi và chỉ cần 1/100 số muỗi trong vùng bị nhiễm virus là có thể gây dịch.
Những đặc điểm sinh học quan trọng của  muỗi vằn cần chú ý:
Muỗi vằn rất thích hút máu người và thường sống ở trong nhà gần người.
Chúng đậu nghỉ ở những nơi tối, trên quần áo sẫm màu, đồ dùng gia đình, trên các lọ hoa, không có con muỗi nào đậu trên vách tường.
Muỗi đánh hơi người nhanh và sà vào là đốt ngay. Muỗi thường hoạt động đốt người vào ban ngày, hoạt động cao điểm vào lúc sáng sớm và chiều tối.
- Sự tồn tại khá lâu của trứng, chịu đựng được nhiều tháng trong mùa khô.
Các ổ chứa lăng quăng thông thường là:
- Ổ chứa thiên nhiên: hốc cây, thân tre, vỏ ốc, kẽ bẹ lá (thơm, chuối, khóm, môn...), ít khi gặp trên hốc đá.
- Ổ chứa nhân tạo: lu, hồ, vật chứa, chai lọ, chén bát bể, vỏ xe vứt bừa bãi ngoài vườn, máng xối, lọ hoa trong nhà, hòn non bộ, ghe xuồng, thùng xe. Tóm lại, các ổ chứa rất đa dạng, do con người tạo ra trong và quanh nhà, luôn luôn có mặt và chứa nước, không nhất thiết phải nhiều và không bẩn, thường là những ổ muỗi tồn tại trong mùa khô.
Qua nhiều năm nghiên cứu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các kết quả cho thấy ổ chứa lăng quăng chủ yếu là lu, vại, hồ, những vật chứa nước do con người tạo ra. Rất ít gặp lăng quăng Aedes aegypti ở các loại ổ chứa khác.

Những bãi đất trống dễ là môi trường của cả muỗi cỏ lẫn muỗi sốt xuất huyết.

Phải lắng nghe cơ thể
BS. Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đánh giá sẽ có nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng trong thời gian tới. Chính vì thế những người có cơ địa béo phì, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền như cao huyết áp, tiểu đường hoặc các bệnh lý về gan, thận có nguy cơ diễn tiến nặng nếu mắc sốt xuất huyết.
Do đó theo BS. Phong, những người có cơ thể đặc biệt nên đi khám sớm khi có dấu hiệu mắc sốt xuất huyết để được bác sĩ chẩn đoán và hướng dẫn một cách điều trị cho phù hợp tại một tuyến phù hợp theo sự phân công của ngành y tế.
Bệnh sốt xuất huyết có thể nhanh khỏi nếu được điều trị đúng cách. Đa số những ca bệnh nặng phải nhập viện là do chủ quan và mắc phải những sai lầm khi điều trị bệnh. 
Bệnh sốt xuất huyết được chia ra 3 mức độ: nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Ở mức độ nhẹ, người bệnh thường chủ quan không đi khám, tuy nhiên bệnh sốt xuất huyết dù chỉ có triệu chứng nhẹ cũng cần được thăm khám chẩn đoán, đặc biệt là theo dõi bệnh có thể tiến triển sang nặng không.
Sốt xuất huyết mức độ nặng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như xuất huyết nội tạng, tổn thương não, tổn thương gan thận, thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Hết sốt không phải là đã hết bệnh, mà giai đoạn này nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết. Sau 2 - 7 ngày, đa số người bệnh đã hết sốt và thấy sức khỏe ổn định hơn, nhưng thực ra đây là giai đoạn tiểu cầu giảm nặng và thoát huyết tương. Các triệu chứng xuất hiện rõ như: xuất huyết dưới da, chảy máu cam... Tùy biến chứng và mức độ của bệnh có thể dẫn đến tình trạng nặng như chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, sốc Dengue, hay có thể tử vong. 
Vì vậy, sau khi hết sốt, người bệnh không nên chủ quan mà cần được chăm sóc chu đáo và nghỉ ngơi, ăn uống điều độ, đặc biệt là theo dõi những thay đổi của cơ thể. Nếu thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần đưa đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.
Lưu ý, sốt xuất huyết gây ra bởi virus Dengue. Virus dengue có 4 chủng là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Người bị sốt xuất huyết có thể do DEN-1, vậy thời gian sau vẫn có thể bị sốt xuất huyết do huyết thanh DEN-2. Tại Việt Nam có đủ cả 4 loại huyết thanh, người bệnh có thể bị sốt xuất huyết nhiều lần trong đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự thờ ơ nguy hiểm trước sốt xuất huyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO