Sở Y tế TP.HCM yêu cầu tuân thủ nguyên tắc “6 giờ” tại các khoa cấp cứu
Sở Y tế TP.HCM vừa có công văn yêu cầu các bệnh viện rà soát và đảm bảo tuân thủ nguyên tắc “6 giờ” tại các khoa cấp cứu.
Nhằm thích ứng và đảm bảo chất lượng điều trị và cấp cứu người bệnh vào giai đoạn những tháng cuối năm (là khoảng thời gian thường có số lượt bệnh nhân đến khám, điều trị và cấp cứu tăng cao so với cả năm), Sở Y tế yêu cầu Giám đốc các bệnh viện rà soát, kiểm tra việc triển khai “Khuyến cáo tăng cường triển khai các hoạt động nâng cao năng lực cấp cứu của các bệnh viện và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM” (Công văn số 3495/SYT-NVY ngày 23/4/20240.
Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch là bệnh viện chuyên khoa lao, bệnh phổi với quy mô 960 giường nội trú (trước tháng 4/2024 là 800 giường nội trú). Công suất giường 11 tháng qua là 103,9%. Qua báo cáo của bệnh viện và khảo trực tiếp khảo sát tại các khu vực cấp cứu, khu vực khoa Hồi sức tích cực và các khu bệnh nội trú của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Sở Y tế ghi nhận tình trạng quá tải cục bộ tại khoa Cấp cứu của bệnh viện. Số lượng bệnh nhân nhập cấp cứu tăng trong những ngày gần đây, dẫn đến sự thiếu hụt giường bệnh tạm thời và phải sử dụng các biện pháp khắc phục không đảm bảo sự thoải mái cho người bệnh.
Sở Y tế ghi nhận các giải pháp bệnh viện đã triển khai trong thời gian qua như: (1) Giảm tải người bệnh từ tuyến trước bằng cách chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tỉnh, thành khu vực phía Nam; (2) Chuyển người bệnh lao đã điều trị ổn về cơ sở y tế địa phương tiếp tục điều trị; (3) Đẩy mạnh hoạt động điều trị ngoại trú như thực hiện thủ thuật trong ngày; (4) Người bệnh cần nhập viện phẫu thuật không tình trạng cấp cứu được thực hiện xét nghiệm tiền phẫu ngoại trú và xếp lịch hẹn nhập viện phẫu thuật; (4) Rút ngắn thời gian điều trị nội trú tại các khoa lâm sàng, giúp giảm áp tại Khoa Cấp cứu.
Tại buổi làm việc của Ban Giám đốc Sở Y tế với Ban Giám đốc BV Phạm Ngọc Thạch về phản ánh của Báo Dân trí “Bệnh nhân cấp cứu phải nằm dưới sàn Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch truyền dịch” vào sáng ngày 29/11/2024, sau khi nghe Giám đốc Bệnh viện báo cáo tình hình quá tải bệnh nhân tại khoa Cấp cứu của bệnh viện và cùng đi thực tế nắm bắt tình hình hoạt động của khoa Cấp cứu và các khoa nội trú của bệnh viện, nghe chia sẻ kinh nghiệm của đại diện BV Nhân dân 115 và BV Nhi đồng 1 về các biện pháp giảm tải cho khoa cấp cứu của 2 bệnh viện này, Giám đốc Sở Y tế yêu cầu Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch khẩn trương triển khai các giải pháp sau:
Về những việc cần làm ngay: (1) Bố trí thêm giường bệnh tại các khoa nội trú, dự kiến bố trí thêm khoảng 50 giường, Sở Y tế sẽ điều động số giường dự trữ để hỗ trợ BV Phạm Ngọc Thạch (nếu bệnh viện cần); (2) Tổ chức khám, sàng lọc số bệnh nhân đang nằm theo dõi và điều trị tại khoa Cấp cứu, chuyển những bệnh nhân không hội đủ tiêu chí cấp cứu lên các khoa nội trú đã bố trí thêm giường; (3) Bệnh viện triển khai tổ công tác chuyên trách cải tiến chất lượng khoa Cấp cứu do Giám đốc Bệnh viện trực tiếp chỉ đạo.
Về những việc cần tiếp tục cải tiến trong thời gian tiếp theo: (1) Cải thiện cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cần thiết để nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân nặng tại mỗi khoa lâm sàng; (2) Ứng dụng chuyển đổi số giúp khoa Cấp cứu kịp thời nắm bắt tình hình giường bệnh tại các khoa nội trú để chuyển bệnh; (3) Xây dựng và cập nhật tiêu chí nhập khoa Cấp cứu và các khoa nội trú; (4) Tăng cường hoạt động tư vấn, hoạt động hỗ trợ người bệnh và người nhà, khảo sát ý kiến không hài lòng của người bệnh tại khoa Cấp cứu và các khoa nội trú của bệnh viện.
Sở Y tế cho biết sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến phản ánh từ báo chí và người dân, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Sở ngành, và các bệnh viện cải thiện tình trạng quá tải và đảm bảo chất lượng trong khám chữa bệnh trên địa bàn.
Khoa Cấp cứu Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã thông thoáng trở lại
Dưới đây là những hình ảnh mới nhất tại khoa Cấp cứu của BV Phạm Ngọc Thạch (chiều ngày 29/11/2024):
Các khoa nội trú đã sắp xếp lại, tăng thêm giường sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân từ khoa Cấp cứu chuyển lên
“Khuyến cáo tăng cường triển khai các hoạt động nâng cao năng lực cấp cứu của các bệnh viện và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn TPHCM” (Công văn số 3495/SYT-NVY ngày 23/4/20240) bao gồm 14 khuyến cáo cụ thể và thiết thực cho bất cứ loại hình bệnh viện nào, trong đó tại khuyến cáo số 7 có chỉ rõ việc mỗi bệnh viện cần “Quy định mốc thời gian tối đa cho người bệnh nằm điều trị và theo dõi tại giường lưu thuộc khoa cấp cứu của bệnh viện đảm bảo khoa cấp cứu luôn sẵn có giường trống để sẵn sàng tiếp nhận người bệnh cấp cứu mới” và “Phân quyền cho trưởng khoa cấp cứu về việc quyết định chuyển người bệnh đến các khoa khác để được tiếp tục theo chuyên khoa chuyên khoa phù hợp.