Y học

Sở Y tế TP.HCM: Vì lợi nhuận nhiều nơi hành nghề thẩm mỹ trái phép

Khởi Nguyên 23/08/2024 12:55

Nhiều “biến tướng” vì lợi nhuận mà bất chấp tuân thủ pháp luật, một số cơ sở hành nghề trái phép trong hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm mỹ, phẫu thuật thẩm mỹ.

Sở Y tế TP.HCM vừa tổ chức Hội nghị "Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ".

3 “không phép” trong hoạt động thẩm mỹ trái phép

Địa bàn Quận 10 có 87 Phòng khám chuyên khoa (PKCK) thẩm mỹ, 45 PKCK da liễu, 177 PKCK răng hàm mặt; còn cơ sở dịch vụ làm đẹp, chăm sóc da là 352.

z5758792539335_e517cd41506ee82e88c13d11d4ae8f46.jpg
Quận 10 đã triển khai chiến dịch cao điểm kiểm tra các cơ sở không phép trong hoạt động khám, chữa bệnh chuyên khoa thẩm mỹ

Theo BS.CKI. Lê Hồng Tây, Trưởng phòng Phòng Y tế Quận 10, các sai phạm thường gặp ở các cơ sở hoạt động không phép trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa thẩm mỹ là: Hoạt động không phép, hành nghề không phép và quảng cáo không phép.

Về thực trạng hoạt động thẩm mỹ, BS.CKI. Lê Hồng Tây cho biết: “Trong năm 2023, 68 phản ánh qua y tế trực tuyến như cơ sở cố ý chẩn đoán thêm bệnh để thu tiền người bệnh; cơ sở nha khoa không giấy phép, hoạt động công khai không biển hiệu… UBND Quận 10 đã ban hành 38 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền gần 1,7 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 24 cơ sở.”

6 tháng đầu năm, Quận 10 cũng đã nhận được 17 phản ánh như quảng cáo sai sự thật, bác sĩ thăm khám không có bằng cấp, làm dịch vụ không có hóa đơn đỏ, có dấu hiệu lừa đảo trốn tránh khách hàng…

z5758792528980_345efba303f7a76c482cdc63955b9538.jpg
Nguyên nhân gây tai biến trong thẩm mỹ nội khoa thường do thực hiện ở các cơ sở thẩm mỹ “chui”, người hành nghề chưa được đào tạo chuyên khoa, quảng cáo quá sự thật

Từ những hoạt động sai phạm đó, trên địa bàn Quận 10, 4 sự cố y khoa đã xảy ra trong năm 2023 và 6 sự cố đã xảy ra trong 6 tháng đầu năm 2024. Điển hình như “tiêm filler phong thủy tại tiệm bánh mì, xôi mặn, một thanh niên phải đi cấp cứu; thậm chí tử vong sau khi tiêm filler nâng ngực ở khách sạn; phòng khám thẩm mỹ quốc tế HanJin hoạt động không phép, khiến một phụ nữ tiêm filler bị biến chứng.

BS.CKII. Nguyễn Thị Phan Thúy, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, chia sẻ, tai biến trong thẩm mỹ nội khoa mà bệnh viện thường tiếp nhận phần lớn là do tiêm chích (tiêm chất làm đầy nâng mũi, làm đầy thái dương, làm đầy má hay vùng môi, tai biến tan mỡ…), tái tạo da bằng hóa chất, laser/Ánh sáng/ Thiết bị phát năng lượng.

“Nguyên nhân gây tai biến thường do thực hiện ở các cơ sở thẩm mỹ “chui”, người hành nghề chưa được đào tạo chuyên khoa, quảng cáo quá sự thật. Nơi thực hiện các thủ thuật, dịch vụ thẩm mỹ gây tai biến thường là ở spa/thẩm mỹ viện, nhà…

Ở những nơi như vậy thường không được kiểm soát nhiễm khuẩn dễ dẫn đến nhiễm trùng, các thiết bị sử dụng năng lượng chưa được thẩm định, không được kiểm soát, thậm chí có thể bắn cháy giấy, dễ gây bỏng; sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc dẫn đến dị ứng.

z5758792528732_7c51657c31fbf2aebd7f1a32effffd73.jpg
Thông tin về các cơ sở thẩm mỹ vi phạm pháp luật sẽ được công khai minh bạch nhằm nâng cao nhận thức của người dân khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ. Ảnh: Một ca tai biến trong thẩm mỹ mà Bệnh viện Da liễu TP.HCM đã từng tiếp nhận điều trị.

Đặc biệt, người thực hiện không được đào tạo, không hiểu rõ giải phẫu, chỉ định sai dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như tụ máu, tắc mạch…” BS.CKII. Nguyễn Thị Phan Thúy khuyến cáo.

Gia tăng sự cố y khoa liên quan đến dịch vụ làm đẹp

Về hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thẩm mỹ trên địa bàn TP.HCM, BS.CKII. Hồ Văn Hân, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết, TP.HCM có 37 bệnh viện thẩm mỹ, 31 khoa tạo hình thẩm mỹ trong các bệnh viện; 290 PKCK thẩm mỹ; 414 PKCK da liễu và 3.891 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phi y tế (spa, chăm sóc da…).

“Các sự cố y khoa liên quan đến dịch vụ làm đẹp gia tăng, qua số liệu báo cáo của các bệnh viện; chất lượng dịch vụ và tổn thất tài chính chiếm 78% các vụ việc, đơn thư phản ánh; thẩm mỹ không phép, thẩm mỹ “chui” gia tăng; quảng cáo trái phép, sai sự thật về làm đẹp trên mạng xã hội,” BS.CKII. Hồ Văn Hân nói.

z5758836632073_0013ef17047a183d23871ab82a50a131.jpg
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như đào tạo, dạy nghề, hội thảo trong lĩnh vực làm đẹp trái phép...
z5758836636178_8ff8c77d1a02807442d4683a961d95c2.jpg
Nhiều hộ kinh doanh về chăm sóc da lấn sân sang phẫu thuật thẩm mỹ, hay cơ sở vi phạm liên tục thay đổi pháp nhân đăng ký kinh doanh ở cùng một địa chỉ...

Theo Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, nguyên nhân gốc của làm đẹp không an toàn: Vì lợi nhuận mà không tuân thủ quy định pháp luật; quy định pháp luật Việt Nam vẫn còn một số khoảng trống chưa theo kịp, chưa phù hợp với thực tiễn; quảng cáo sai sự thật trên MXH chưa được kiểm soát tốt…

Đối với hoạt động “thẩm mỹ chui”, các sai phạm trọng tâm, trọng điểm, nhất là đối với các trường hợp cố tình vi phạm lặp đi lặp lại, Sở Y tế TP.HCM sẽ chuyển vụ việc đến Công an TP.HCM để xử lý theo thẩm quyền.

Các quảng cáo trái phép trong lĩnh vực thẩm mỹ sẽ bị tổ công tác đặc biệt của Sở Y tế TP.HCM chủ động phát hiện và xử lý nghiêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sở Y tế TP.HCM: Vì lợi nhuận nhiều nơi hành nghề thẩm mỹ trái phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO