Ung thư hiếm gặp: Ung thư ruột thừa
Bệnh nhân nữ (67 tuổi) vào Bệnh viện Nguyễn Tri Phương vì đau bụng. Từ kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ khoa Ngoại Tiêu hóa chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư ruột thừa, một ung thư hiếm gặp.
Phẫu thuật nội soi ung thư ruột thừa hiếm gặp
TS.BS Lê Huy Lưu, Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết, bệnh nhân sẽ được mổ nội soi cắt khối u ruột có u bướu, nạo hạch mở rộng. Nội soi hiện nay đã trở thành phương pháp điều trị thường quy đối với các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, nhất là ung thư đại tràng, ung thư dạ dày…
“Ca mổ nội soi này sẽ được kết hợp giữa các kiến thức của phôi thai học và ung thư học. Như vậy, khi tiến hành phẫu thuật nội soi, chúng tôi sẽ “thuận” theo cấu tạo của cơ thể bệnh nhân, linh hoạt lấy khối u ra ngoài theo con đường tiện nhất, giảm thiểu nguy cơ tổn thương các mô lành, giúp cơ thể tập trung năng lượng nhiều nhất có thể giúp nơi bị tổn thương hồi phục nhanh.
Ngoài ra, bệnh nhân đã được điều trị theo quy trình khép kín ERAS - phục hồi sớm, bao gồm nhiều phương thức chăm sóc khác nhau cho người bệnh từ trước, trong, sau mổ. Thay vì 7 ngày như trước đây, bệnh nhân được phục hồi sớm và có thể xuất viện chỉ trong vòng 2,3 ngày sau mổ”, TS.BS Huy Lưu nói.
Điều quan trọng, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị phù hợp, hơn 90% bệnh nhân ung thư dạ dày, đại tràng… có thể chữa khỏi với chất lượng sống rất tốt.
"Phối hợp điều trị đa mô thức tiên tiến hơn cùng với phác đồ cá thể hóa hiện nay giúp nâng cao hiệu quả điều trị các ung thư liên quan đến đường tiêu hóa. Thậm chí ở giai đoạn di căn không thể trị khỏi, bệnh nhân vẫn có thể được điều trị kéo dài thời gian sống chất lượng", TS.BS Lê Huy Lưu, Trưởng Khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết.
Ca mổ cắt ung thư ruột thừa hiếm gặp nói trên cũng đã được truyền hình trực tiếp từ phòng mổ đến hội nghị khoa học thường niên 2024 của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Hội nghị vừa tổ chức vào hai ngày 14 và 15/11. Hội nghị giúp các bác sĩ trẻ học hỏi cách tiếp cận vấn đề, cách thức theo dõi và giải quyết các tình huống trong quá trình phẫu thuật, điều trị.
Lắng nghe cơ thể để phát hiện các bệnh lý ung thư tiêu hóa
Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (Globocan), các loại ung thư đường tiêu hóa như gan, dạ dày, trực tràng luôn nằm trong nhóm 5 loại dẫn đầu về số mắc mới và số tử vong ở Việt Nam. Năm 2022, Việt Nam ghi nhận hơn 57.600 ca mắc mới và hơn 45.000 trường hợp tử vong do ba loại ung thư này.
Theo bác sĩ Lưu, ghi nhận cho thấy ung thư tiêu hóa ngày càng tăng và trẻ hóa, không ít người phát hiện bệnh ở độ tuổi 20 hoặc 30. Một số trường hợp có nguyên nhân do gene, số khác chưa rõ nguyên nhân. Các yếu tố nguy cơ cao khiến tăng tỷ lệ mắc bệnh là ăn uống không hợp lý, lười vận động, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia...
Hiện nay, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tiếp nhận khoảng 2.500 - 3.000 bệnh nhân ngoại trú; thực hiện từ 40 - 50 ca phẫu thuật, trong đó, 10 - 15 trường hợp phẫu thuật ung thư đường tiêu hóa.
Theo TS.BS Lê Cao Phương Duy, Phó Giám đốc Phụ trách Điều hành Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, hiện nay người dân ngày càng có ý thức nội soi tầm soát bệnh, phát hiện sớm nên số trường hợp ung thư có thể được chữa khỏi nhiều hơn trước.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít bệnh nhân đến bệnh viện ở giai đoạn muộn, khi đã có triệu chứng nghiêm trọng như đi tiêu ra máu, đau bụng dữ dội, sụt cân, thậm chí khối u đã chiếm hoàn toàn diện tích lòng ruột gây nên tắc ruột… Ung thư đường tiêu hóa thường có diễn tiến âm thầm, kéo dài nhiều năm tháng.
“Những năm gần đây, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương dần hoàn thiện hệ sinh thái điều trị ung thư đường tiêu hóa bằng việc kết hợp nhiều chuyên khoa như nội khoa, phẫu thuật, dinh dưỡng, ung bướu và chăm sóc sau phẫu thuật…; cũng như nhiều phương pháp như phẫu thuật, nội soi, hóa trị và xạ trị... Trong đó, phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị chính và quan trọng nhất đối với các khối u ác tính ở đường tiêu hóa”, TS.BS Phương Duy nói.
Để phát hiện ung thư đường tiêu hóa, TS.BS Duy khuyến cáo người dân nên tầm soát sức khỏe định kỳ. Đối với người trên 50 tuổi, dù có triệu chứng bệnh hay không, cũng nên thực hiện nội soi đường tiêu hóa ít nhất 2 năm/lần để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh lý hoặc ung thư.
“Chúng ta cần lắng nghe cơ thể, đi khám ngay khi có các triệu chứng bất thường như thay đổi thói quen đi cầu, hay bị táo bón, tiêu chảy, đau bụng…; phát hiện, quản lý sớm các bệnh lý như gan nhiễm mỡ, viêm gan siêu vi B, C nếu có; thực hiện lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ, hạn chế dầu mỡ và các thực phẩm chế biến sẵn, không nên ăn nhiều thực phẩm muối chua, tiêu thụ nhiều chất xơ, tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia...” TS.BS Phương Duy đưa ra lời khuyên.