Giáo dục

Sinh viên y khoa toàn quốc trao đổi về học thuật, thi cử

Công Chương 05/06/2023 23:23

Hội nghị giáo dục y học sinh viên toàn quốc năm 2023 vừa diễn ra tại Đại học Y Dược TP.HCM. Hội nghị thu hút sự tham dự của 400 đại biểu, sinh viên đến từ 20 trường y cả nước gặp gỡ, trao đổi về các góc nhìn học tập, NCKH, viết bài báo đăng tạp chí khoa học quốc tế và chuyện thi cử...

Đổi mới chương trình đào tạo y khoa

Theo PGS.TS. Ngô Quốc Đạt - Phó Hiệu trưởng phụ trách, điều hành Đại học Y Dược TP.HCM, thời gian qua nhà trường rất chú trọng tới việc nâng cao chất lượng đào tạo, với một số kết quả ban đầu về đổi mới chương trình đào tạo, lượng giá sinh viên, thực hiện mô hình đào tạo mới lấy người học làm trung tâm. Bên cạnh đó, các trường còn tập trung vào chương trình phát triển giảng viên, tăng cường sự chủ động của sinh viên trong học tập. Đặc biệt trước giai đoạn chuyển đổi về khoa học công nghệ, giáo dục y khoa phải tiếp tục đổi mới, đáp ứng nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước.

dh-y-duoc-hcm-1.jpg
PGS.TS. Ngô Quốc Đạt - Phó Hiệu trưởng phụ trách, điều hành Đại học Y Dược TP.HCM, phát biểu khai mạc Hội nghị.

Trong bối cảnh đó, với sự sáng tạo trong các hoạt động giáo dục, Đoàn thanh niên của trường đã đăng cai tổ chức Hội nghị giáo dục y học sinh viên toàn quốc năm 2023 với chủ đề “ Sinh viên y khoa với các mục tiêu phát triển bền vững” nhằm tạo một môi trường giao lưu học thuật để sinh viên khối ngành sức khỏe trên toàn quốc gặp gỡ, thảo luận về các phương pháp học tập suốt đời, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ số. Đây là Hội nghị đầu tiên về giáo dục y học cho đối tượng là sinh viên được tổ chức với quy mô toàn quốc.

Bên cạnh đó, cuộc thi “Hóa Sinh championship toàn quốc 2023” là một sân chơi trí tuệ dành cho sinh viên có niềm đam mê môn Hóa Sinh được mở rộng dự thi với quy mô toàn quốc. Trải qua vòng loại với sự tham gia của 466 đội thi từ 27 trường đào tạo khối ngành sức khỏe trên toàn quốc, cuộc thi đã chọn ra 28 đội thi vào vòng chung kết.

“Lãnh đạo nhà trường mong muốn Hội nghị và cuộc thi học thuật sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm với quy mô ngày càng lớn hơn. Tăng cường việc xây dựng mạng lưới sinh viên khối ngành sức khỏe toàn quốc trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập và phát triển” - PGS.TS. Ngô Quốc Đạt chia sẻ.

Sinh viên y khoa Việt Nam làm bài thi quá nhiều?

Tại hội nghị, đại diện sinh viên y khoa đến từ các trường đã chia sẻ về các góc nhìn học tập, NCKH, viết bài báo đăng tạp chí khoa học quốc tế và chuyện thi cử... Theo chia sẻ của Trần Huệ Anh - sinh viên y 6 Trường Y tế phúc lợi - xã hội (Nhật), sinh viên y khoa ở Nhật học các môn tiền lâm sàng theo module từng hệ cơ quan, trong 4 năm đầu.

dh-y-duoc-hcm-2.jpg
Trần Huệ Anh - sinh viên y 6 Trường Y tế phúc lợi - xã hội (Nhật) phát biểu tại Hội nghị.

Trước khi đi lâm sàng, sinh viên phải trải qua kỳ thi đánh giá năng lực (thi trên máy tính với 300 câu trắc nghiệm, làm bài trong thời gian 6 tiếng). Sau đó, sinh viên tiếp tục thi kỹ năng khám lâm sàng. Nếu đậu hai kỳ thi đó sinh viên mới được đi lâm sàng.

"Trong quá trình học lâm sàng, sinh viên Việt Nam phải trải qua hàng chục kỳ kiểm tra, thi rất căng thẳng. Trong khi ở Nhật, sinh viên không phải thi gì. Quá trình học, sinh viên được phân bệnh nhân để theo dõi. Sau mỗi hai tuần sinh viên sẽ trình bày báo cáo để giảng viên đánh giá, chứ không phải thi hay chấm điểm.

Cuối năm thứ 5, sinh viên phải trải qua kỳ thi đánh giá kiến thức các môn theo hình thức trắc nghiệm để xét lên năm 6. Do ít phải thi nên sinh viên y khoa ở Nhật ít bị áp lực thi cử, có thêm thời gian tự học nhiều hơn", Huệ Anh chia sẻ.

dh-y-duoc-hcm-4.jpg
Sinh viên phát biểu, trao đổi tại Hội nghị.

Trong khi đó, Hoàng Văn Huy - sinh viên năm 2 Trường ĐH Y Dược Buôn Ma Thuột - cho rằng chương trình đào tạo y khoa ở Nhật có rất ít kỳ thi. Còn ở Việt Nam, chương trình đào tạo lĩnh vực y khoa có rất nhiều bài thi.

“Trong 6 năm học sinh viên y khoa phải làm hàng trăm bài kiểm tra, thi các môn học. Liệu chương trình đào tạo của Việt Nam có thể áp dụng như của Nhật với rất ít kỳ thi, được không?", sinh viên Huy đặt vấn đề.

Trao đổi với sinh viên về việc này, PGS.TS Vũ Minh Phúc, nguyên Phó trưởng khoa y Trường đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng thật ra thầy cô không ai muốn bắt sinh viên phải thi nhiều. Trong việc kiểm tra, đánh giá người học, ở các nước phát triển thường đặt nặng lượng giá quá trình. Có nghĩa là trong quá trình học, sinh viên sẽ được lượng giá từng giai đoạn và việc này không tính điểm. Việc lượng giá chỉ nhằm mục tiêu giúp sinh viên nhận ra những điểm chưa tốt để khắc phục.

dh-y-duoc-hcm-7.jpg
PGS.TS Vũ Minh Phúc, nguyên Phó trưởng khoa Y Đại học Y Dược TP.HCM (giữa) trao đổi với sinh viên.

"Ở Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn quy định các trường phải chấm điểm các môn học, điểm quá trình và điểm kết thúc. Như vậy việc này phải tuân thủ theo quy định chung của quốc gia. Lãnh đạo các trường bắt buộc phải tuân thủ theo quy chế của bộ" - PGS.TS Vũ Minh Phúc chia sẻ.

dh-y-duoc-hcm-5.jpg
GS.TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch hội đồng trường Đại học Y Dược TP.HCM (bìa phải) phát biểu trao đổi với sinh viên.

Trong khi đó, GS.TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch hội đồng trường Đại học Y Dược TP.HCM, đưa ra câu hỏi với sinh viên: "Nếu không thi, các em có học không?". Đồng thời, GS Tuấn cho rằng: "Chính sách của cơ quan quản lý đưa ra sẽ quyết định hành vi của mọi người. Nếu không thi mà các em vẫn học tốt thì quá tốt. Nhưng nếu không thi mà sinh viên lơ là việc học sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt, học y là cả một quá trình, phải tích lũy kiến thức từng giai đoạn. Nếu để cuối kỳ thi một lần có lẽ không ổn. Có thể nhiều em vượt qua kỳ thi nhưng sau đó không biết gì hết".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sinh viên y khoa toàn quốc trao đổi về học thuật, thi cử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO