Công nghệ

Sinh viên năm 2 Trường Đại học CMC phát hiện lỗ hổng bảo mật phần mềm thiết bị IoT

Minh Châu 22/07/2024 - 12:51

Nguyễn Trung Du và Nguyễn Bình Nam - hai nam sinh ngành Công nghệ Thông tin, Trường Đại học CMC sẽ tham gia báo cáo đề tài nghiên cứu khoa học về bảo mật thông tin tại Hội thảo quốc tế APSIPA về Xử lý tín hiệu và thông tin.

Tham gia báo cáo tại Hội thảo quốc tế APSIPA về Xử lý tín hiệu và thông tin vào ngày 24/7 tới đây, Nguyễn Trung Du và Nguyễn Bình Nam đã thực hiện đề tài nghiên cứu về phát hiện lỗ hổng trong phần mềm điều khiển của thiết bị serial wifi server. Nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học CMC phân tích về cách sử dụng các công cụ quét thiết bị IoT trên mạng và phương pháp dịch ngược trong việc tìm lỗ hổng trong các thiết bị này.

c4.jpg
Trung Du và Bình Nam đang thực tập tại Viện Nghiên cứu ứng dụng Công nghệ CMC (CMC ATI)

Để thực hiện đề tài này, hai bạn đã nghiên cứu sâu về dịch ngược, cho thấy các công cụ quét thiết bị IoT và kĩ thuật dịch ngược được sử dụng như thế nào, phát hiện và khai thác lỗ hổng trong ngành an toàn thông tin, khai thác lỗ hổng tạo ra bởi các hacker để phá mã bảo mật, từ đó đề xuất các biện pháp an toàn thông tin.

Dù mới chỉ là sinh viên năm 2 nhưng cả Trung Du và Bình Nam đều đang là thực tập sinh tại Viện Nghiên cứu ứng dụng Công nghệ CMC (CMC ATI). Đây chính là đặc quyền của sinh viên Trường Đại học CMC, mang đến cơ hội đào sâu nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm và nâng cao kiến thức chuyên môn, có sự chuẩn bị tốt hơn cho sự nghiệp tương lai.

c5.jpg
Sinh viên Nguyễn Bình Nam - Lớp 22IT1

Dù mới chỉ là sinh viên năm 2 nhưng Nguyễn Bình Nam đã từng tham gia thực hiện rất nhiều dự án công nghệ thông tin như: dự án mã nguồn mở hệ điều hành thời gian thực RIOT-OS; xây dựng máy tính 8-bit bằng điện tử số, điện tử logic; phân tích cách hoạt động của mã độc ransomware ESXiArgs; thiết kế ngôn ngữ lập trình NIMBLE và xây dựng chương trình thông dịch cho ngôn ngữ lập trình; thiết kế và lập trình hệ điều hành Sora 32-bit; lập trình tạo ra chương trình tính toán và mô phỏng động lực học của tên lửa. Ngoài ra, Nam cũng sở hữu kết quả IELTS ấn tượng với điểm số 8.0, đồng thời tự xây dựng trang blog về khoa học, kĩ thuật và công nghệ.

c5a.jpg
Sinh viên Nguyễn Trung Du - Lớp 22IT3

Truyền cảm hứng đến các bạn sinh viên trong việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, Trung Du nhắn nhủ, các bạn hãy có cho mình 4 chữ “dám”, đó là dám nghĩ, dám đương đầu, dám thử và dám làm.

Cậu bạn hào hứng chia sẻ: “Hãy cố gắng tích lũy kiến thức, không ngừng tìm tòi, học hỏi những thứ bạn đam mê. Đừng ngại khó khăn vì không có gì là không thể. Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể trở thành người tạo nên những sản phẩm công nghệ đột phá, để lại dấu ấn cho bản thân mình và cống hiến cho cộng đồng”.

Nghiên cứu khoa học sinh viên đã và đang trở thành một hoạt động thường niên ngày càng được chú trọng tại Trường Đại học CMC. Qua đó mang lại những cơ hội phát triển bản thân quý báu cho sinh viên, không chỉ đối với quá trình học tập mà còn ở những bước tiến xa hơn trong sự nghiệp tương lai. Phần báo cáo đề tài nghiên cứu khoa học của Trung Du và Bình Nam tại Hội thảo quốc tế APSIPA về Xử lý tín hiệu và thông tin tới đây sẽ góp phần lan tỏa hình ảnh, bản lĩnh của sinh viên Trường Đại học CMC, đồng thời tiếp thêm động lực phấn đấu và thúc đẩy phong trào học tập, nghiên cứu trong cộng đồng sinh viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sinh viên năm 2 Trường Đại học CMC phát hiện lỗ hổng bảo mật phần mềm thiết bị IoT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO