Dòng chảy

Phát triển y tế chuyên sâu, TP.HCM hướng tới Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe ASEAN

An Quý 19/06/2023 06:19

Nhân lực chất lượng cao, phát triển y tế chuyên sâu, đẩy mạnh du lịch y tế... là những giải pháp để TP.HCM trở thành Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe của ASEAN.

Lần đầu tiên, ngành y tế TP.HCM phối hợp Hội Y học TP.HCM tổ chức hội nghị "Đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu tại TP.HCM", nhằm sớm đưa TP.HCM trở thành Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe của Đông Nam Á - ASEAN.

Lãnh đạo Thành phố rất quan tâm đến lĩnh vực này. Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cũng tham gia chủ tọa đoàn của phiên toàn thể với 8 báo cáo chuyên sâu nhiều lĩnh vực. 

TP.HCM: Tiếp nhận điều trị cho hàng triệu người dân cả nước và quốc tế

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, y tế thành phố không chỉ đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của hơn 10 triệu dân TP.HCM, mà còn tiếp nhận và điều trị cho hàng triệu người dân trong cả nước và quốc tế.

z4441607647048_db72a2f2fda82af5c17fd28b870a279a.jpg
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, thành phố ưu tiên nguồn lực xây dựng hệ thống y tế TP.HCM tiên tiến, hiện đại, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao, tiếp cận trình độ tiên tiến thế giới hướng đến mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khỏe ASEAN.

Theo thống kê, năm 2022, số lượt bệnh nội trú ngoại trú của thành phố là 35,3 triệu người, chiếm 22,8% tổng số bệnh nhân của cả nước.

Để đảm nhận vai trò là trung tâm sức khỏe khu vực phía Nam, lãnh đạo thành phố và ngành y tế đã triển khai nhiều nội dung: củng cố phát triển và nâng cao mạng lưới y tế cơ sở, chú trọng bệnh lý nhóm bệnh không lây, triển khai trạm y tế theo nguyên lý học gia đình…

nguyen-van-en.jpg
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên gặp gỡ các chuyên gia y tế trong hội nghị "Đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu tại TP.HCM"

Ông Phan Văn Mãi cho biết thêm, định hướng phát triển thành phố trong thời gian tới ưu tiên nguồn lực xây dựng hệ thống y tế TP.HCM tiên tiến, hiện đại, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao, phát triển các lĩnh vực tiếp cận trình độ tiên tiến thế giới hướng đến mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khỏe ASEAN.

Từ cuối năm 2022, lãnh đạo TP.HCM đã định hướng phát triển địa phương thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của cả nước và Đông Nam Á. Theo đó quỹ đất sẽ được bố trí cũng như nghiên cứu các cơ chế, chính sách khuyến khích chủ đầu tư các bệnh viện, thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài…để thu hút đầu tư xã hội nhằm hoàn thiện hệ thống y tế theo quy hoạch, nhất là hệ thống các bệnh viện cửa ngõ, bệnh viện chuyên sâu.

bv-ung-buou-tphcm-co-so-2.jpg
TP.HCM định hướng phát triển địa phương thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của cả nước và Đông Nam Á. Ảnh: Cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. 

Theo GS.TS.BS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, ngành y tế TP.HCM có những bước phát triển vượt bậc, đóng vai trò là trung tâm y tế chuyên sâu hàng đầu cả nước, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe không chỉ người dân TP.HCM mà còn các tỉnh khu vực phía Nam và toàn quốc. Các chỉ số y tế sức khỏe của TP.HCM luôn dẫn đầu và đạt tốt hơn nhiều so với trung bình của vùng và trung bình cả nước.

Về y tế chuyên sâu, TP.HCM là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển chuyên môn kỹ thuật với việc thực hiện thành công nhiều kỹ thuật khó, điều trị được nhiều bệnh hiểm nghèo, tiếp cận và làm chủ được hầu hết các kỹ thuật y học tiên tiến trên thế giới...

phan-van-mai-gap-go-cac-chuyen-gi-y-te-trong-hoi-nghi.jpg
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, chia sẻ với chuyên gia y tế chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực, nhằm sớm đưa TP.HCM trở thành Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe của Đông Nam Á - ASEAN.

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, chia sẻ, TP.HCM là nơi đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công ca thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) vào tháng 4/1998 tại Bệnh viện Từ Dũ. Ngày nay, chi phí điều trị IVF ở TP.HCM chỉ bằng 1/6 so với các nước khu vực và trên thế giới, trong khi tỷ lệ thành công đạt 50 - 60%.

Những kỹ thuật phức tạp của thế giới đã được các bệnh viện thành phố áp dụng thành công. Ca ghép thận thành công đầu tiên của cả nước tiến hành tại Chợ Rẫy cách đây 30 năm. Nhiều kỹ thuật đi đầu, như phẫu thuật robot cắt ung thư thận tại Bệnh viện Bình Dân, kỹ thuật giải trình tự gene các bệnh mới nổi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, phẫu thuật vi phẫu nối chi tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình...

trung-tam-tim-mach-nhi.jpg
Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện Nhi đồng 1

7 giải pháp để TPHCM trở thành Trung tâm Chăm sóc Sức khoẻ ASEAN

Theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, Thái Lan, Singapore và Malaysia dẫn đầu các nước trong khu vực ASEAN về thu hút số lượng lớn khách du lịch đến để khám chữa bệnh.

Theo đánh giá của PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, TP.HCM hiện có 8 trường ĐH đào tạo nhân lực y tế (ĐH Y Dược TPHCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Khoa Y - ĐHQG TPHCM, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH QT Hồng Bàng, ĐH Văn Lang, ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng), 20 trường dạy nghề đào tạo nhân lực điều dưỡng, kỹ thuật viên,…

pgs-tang-chi-thuong.jpg
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Bên cạnh đó, TP.HCM có 22 bệnh viện được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là tuyến cuối chuyên môn kỹ thuật, 45 bệnh viện được Bộ Y tế công nhận là cơ sở đào tạo liên tục. Thành phố đã khởi công xây dựng mới Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tại xã Tân Kiên, Bình Chánh. Trường ĐH Y Dược TP.HCM đã triển khai thí điểm đào tạo bác sĩ y khoa theo chuẩn năng lực đầu ra. Bên cạnh đó, Sở Y tế TP.HCM đã triển khai thí điểm đào tạo thực hành tại bệnh viện gắn với trạm y tế cho các bác sĩ mới tốt nghiệp.

Hệ thống y tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, với 66 bệnh viện tư nhân trong số gần 330 bệnh viện tư nhân cả nước, chiếm tỷ lệ gần 20%.

“TP.HCM sẽ tăng cường liên kết đào tạo theo chuẩn quốc tế giữa các trường ĐH khối ngành sức khỏe với các trường ĐH y khoa có uy tín trên thế giới. Mở rộng quy mô và phạm vi đào tạo của khoa Y Việt - Đức thuộc Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, thêm loại hình liên kết đào tạo với các quốc gia khác: Mỹ, Anh, Nhật... tại các trường đại học. Từ đó củng cố quy chế phối hợp giữa các trường ĐH y khoa và các bệnh viện thực hành, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo thực hành tại y tế cơ sở và y tế chuyên sâu,” PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng nói.

Nhiều kỹ thuật chuyên sâu thuộc các chuyên khoa khác nhau đã được các bệnh viện Thành phố triển khai thành công, góp phần giảm tử vong như: Hồi sức Cấp cứu, Nội khoa, Ngoại khoa, Sản khoa, Nhi khoa, Ung thư, Tai mũi họng, Răng hàm mặt, Y học cổ truyền.

bac-si-benh-vien-binh-dan-dang-phau-thuat-cho-mot-truong-hop-buou-than.jpg
Bác sĩ Bệnh viện Bình Dân đang phẫu thuật cho một trường hợp bướu thận. 

Bước đầu các bệnh viện đã tiếp cận ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, robot, in 3D… trong chẩn đoán và điều trị, mang lại những kết quả khả quan. Một số kỹ thuật chuyên sâu đạt chuẩn quốc tế: chuẩn RTAC trong Sản khoa (Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Mỹ Đức), chuẩn ngân hàng máu GMP Châu Âu (Bệnh viện Truyền máu Huyết học), chuẩn xét nghiệm ISO 15189…

Tháng 1/2023, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM thành lập Trung tâm tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật bằng công nghệ cao quy mô khu vực, cử nhân sự đi nghiên cứu, học tập ở nước ngoài để đưa trung tâm hoạt động vào năm 2025. Trung tâm này sẽ giúp phát hiện sớm các bệnh nguy hiểm ở giai đoạn chưa có triệu chứng, từ đó can thiệp sớm, hiệu quả điều trị cao, làm giảm số lượt người dân đi ra nước ngoài để chữa bệnh, thu hút khách du lịch, người nước ngoài.

le-trao-bang-tot-nghiep.jpg
Các sinh viên khoa Y Việt - Đức thuộc Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạc h nhận bằng tốt nghiệp tại Đức. 

Hiện, nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến các Bệnh viện trên địa bàn Thành phố để chăm sóc sức khỏe về nha khoa, hỗ trợ sinh sản, thẩm mỹ, dưỡng sinh…

Chính vì vậy, trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục phát huy hiệu quả ban đầu của các cơ sở Y học cổ truyền, nha khoa, thẩm mỹ da… tạo sự cạnh tranh về du lịch y tế với các nước trong khu vực ASEAN. Trên cơ sở đó, tăng cường phối hợp giữa ngành y tế và ngành du lịch trong cung ứng và quảng bá các sản phẩm du lịch y tế đế người dân trong và ngoài nước.

Từ kinh nghiệm của các nước, để phát triển y tế chuyên sâu tại TP.HCM, đã đưa ra 7 nhóm giải pháp:

- Hình thành trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao;

- Phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, triển khai khu y tế kỹ thuật cao theo mô hình viện - trường;

- Xây dựng mạng lưới chăm sóc theo chuyên khoa từ y tế chuyên sâu đến y tế cơ sở;

- Đẩy mạnh kết hợp y tế hiện đại và y học cổ truyền, phát triển du lịch y tế; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo;

- Phát triển kỹ thuật chuyên sâu đáp ứng mô hình bệnh tật và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân;

- Cung ứng đầy đủ các loại hình chăm sóc sức khỏe có chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.

Nếu tầm nhìn này thành công, thành phố không chỉ thu hút người dân trong nước, mà còn nhiều du khách quốc tế đến khám chữa bệnh kết hợp du lịch.

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển y tế chuyên sâu, TP.HCM hướng tới Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO