TP.HCM kiến nghị nhiều chính sách về bảo vệ môi trường
Chiều 24/3, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn TP.HCM từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2024.

Tham dự buổi giám sát có Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Trần Thị Kim Yến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM Hà Phước Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường và các đại diện lãnh đạo các sở, ngành, quận huyện.
Báo cáo về tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật triển khai thực hiện Luật bảo vệ môi trường, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở tài nguyên và Môi trường Thành phố cho biết đến nay Thành phố đã có 12 Quyết định được UBND Thành phố ban hành, các QĐ ban hành nhằm công bố thủ tục hành chính về lĩnh vực môi trường; điều chỉnh các nội dung liên quan chất lượng nước công trình thủy lợi; về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải cồng kềnh, chất thải y tế…
Đặc biệt, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định về quy định khu vực, địa điểm đổ thải đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa và đường biển; có giải pháp phân luồng giao thông, kiểm soát ô nhiễm môi trường nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường không khí đối với đô thị loại đặc biệt, đô thị loại một trên địa bàn TP.HCM.
Ngoài ra, UBND thành phố đang tổ chức thực hiện dự thảo 10 văn bản (Quyết định); trong đó, đáng chú ý là các quy định về giá cụ thể dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM.
Về công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường và các quy định liên quan, Thành phố tuyên truyền, tập huấn các quy định về Luật Bảo vệ môi trường được triển khai đến các tổ chức, doanh nghiệp và người dân dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Cụ thể, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố triển khai Hội thi xây dựng công trình sạch - xanh - thân thiện môi trường dựa vào cộng đồng dân cư hàng năm; tổ chức tập huấn công tác bảo vệ môi trường cho nhiều đối tượng khác nhau. Đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất: Ban Quản lý Hepza đã tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức về mô hình kinh tế tuần hoàn, khu công nghiệp sinh thái, tăng trưởng xanh, sản xuất sạch hơn….
Đối với việc kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và làng nghề, từ năm 2015, 100% KCX, KCN đều có hệ thống thu gom, thoát nước mưa và hệ thống thu gom, thoát nước thải riêng biệt; có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 16/17 KCX, KCN lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục. Các KCX, KCN đã xây dựng kế hoạch và phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, hồ sự cố.
Ban Quản lý KCX, KCN thường xuyên giám sát, kiểm tra công tác vận hành các hệ thống xử lý nước thải của các KCX, KCN; chất lượng môi trường nước mặt được kiểm soát chặt chẽ, nước thải sau xử lý của Nhà máy xử lý nước thải tập trung KCNC trước khi xả ra ngoài môi trường được quan trắc định kỳ và tự động liên tục.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ kiến nghị, Chính phủ ban hành chính sách quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn thẩm quyền của UBND cấp tỉnh trong việc quy định các nhóm chất thải sau phân loại phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải của địa phương; quy định, cơ chế để khuyến khích hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc phân loại nhóm chất thải thực phẩm và chất thải sinh hoạt khác.
Kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, điều chỉnh tăng quy mô nguồn điện rác của TP.HCM trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII (hiện trong chỉ phân bổ 123MW) lên tối thiểu 240 MW để phù hợp với hiện trạng triển khai các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác theo công nghệ đốt phát điện trên địa bàn Thành phố. Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có hướng dẫn thực hiện quy định về việc lập phương án giá hàng hóa, dịch vụ, thẩm quyền thẩm định phương án giá, trình và ban hành văn bản định giá dịch vụ về quản lý CTRSH.
Về tính toán giá tín chỉ carbon, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ chuyên ngành và TP.HCM phối hợp tính toán giá bán tín chỉ carbon trong từng dự án cụ thể khi các dự án này triển khai. Đồng thời, ban hành Thông tư quy định về tính toán giá sàn cho tín chỉ carbon của các ngành, trong đó sẽ hướng dẫn phương thức xác định giá sàn để bán tín chỉ carbon trong tất cả các ngành.
Tại buổi giám sát, các đại biểu của Đoàn ĐBQH TP.HCM đánh giá cao nỗ lực của các Sở Ngành liên quan trong việc thực thi Chính sách pháp luật liên quan bảo vệ môi trường trên địa bàn TP.HCM từ khi Luật BVMT 2020 có hiệu lực bởi đây là lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Những nội dung báo cáo bám sát thực trạng liên quan môi trường diễn ra tại TP.HCM.
Tuy nhiên, các đại biểu của ĐBQH Thành phố đề nghị Thành phố phải rà soát việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong các khu dân cư để triển khai di dời triệt để, đồng thời rà soát các thiết bị đo ô nhiễm môi trường như tiếng ồn, âm thanh, đo bụi… để nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền cơ sở; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, các đai biểu của ĐBQH Thành phố đề nghị Thành phố cần lưu ý tính toán các phương án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt hợp lý hơn, hiện nay việc gom rác vẫn chưa đồng bộ và thông suốt.
Kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM Hà Phước Thắng trân trọng những nội dung Thành phố đã triển khai trong 02 năm (2023-2024) và ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Ông Hà Phước Thắng đề nghị UBND Thành phố rà soát, bổ sung Báo cáo qua những trao đổi, góp ý cụ thể của các đại biểu Đoàn Công tác tại buổi làm việc và chậm nhất đến ngày 28/3/2025 phải gửi Báo cáo hoàn thiện để Đoàn báo cáo về Ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với các kiến nghị các Bộ, ngành chưa có văn bản hướng dẫn cho Thành phố triển khai, ông Hà Phước Thắng đề nghị UBND Thành phố nên có kiến nghị trực tiếp với các Bộ, ngành; Tiếp tục triển khai các đề án, kế hoạch, các dự án về bảo vệ môi trường. Đồng thời, sớm hoàn thiện các văn bản bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền của Thành phố để triển khai Luật bảo vệ môi trường đồng bộ trên địa bàn.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM Hà Phước Thắng lưu ý Thành phố cần có các giải pháp triệt để, hiệu quả và đồng bộ hơn về về sinh môi trường.