Khi bất cứ thứ gì động đến tổ của chúng, lập tức cả đàn bay ra tấn công cho đến khi nào kẻ thù tử nạn hoặc cao chạy xa bay mới thôi. Thời kháng chiến, du kích khi chống càn thường chờ đêm đến buộc cái nón hay đôi dép vào tổ ong mặt cọp; bọn lính đi càn đến nơi thấy nón, dép “Việt cộng” thường giật xuống, lũ ong liền xông ra tấn công túi bụi, mà đã bị ong mặt cọp đốt rồi, nhẹ thì sốt, đau nhức, nặng sẽ liệt giường vài ba bữa, thậm chí tử vong.
Ong hung dữ như thế nhưng “thi thể” bọn ong non thì cực kỳ thơm ngon, béo ngọt - muốn bắt phải chờ đêm xuống phun dầu vào miệng tổ rồi châm lửa, hoặc bó sẵn châm lửa cháy đỏ nhét vào miệng tổ khiến cả đàn bên trong chết ngộp. Gỡ tổ xuống, cắt ra, có mật thì hứng để riêng. Đàn ong non chết dí trong lỗ sáp được tách ra. Rửa sơ xác ong, bắc chảo, phi tỏi, bỏ ong non vào, xào sơ, nêm muối, đường, bột ngọt, tiêu và một chút bơ, có thể ăn với cháo trắng hay cơm nóng kèm rau thơm, chấm nước mắm tỏi ớt. Dân ở rừng miền Đông Nam bộ và rừng U Minhkhi bắt ong vào ban đêm thường đem nấu cháo với nước cốt dừa, ăn với nước mắm ớt hoặc nước mắm kho quẹt. Gặp lúc rảnh rỗi, các bà nội trợ còn chế biến ra món ong mặt cọp lăn bột chiên hoặc đổ bánh xèo.