Cộng đồng

NSND Hùng Minh: “Danh hiệu NSND đối với tôi là điều hạnh phúc và vinh dự”

Đỗ Phương 16/04/2024 - 08:06

Trong Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 vừa qua, TP.HCM có nhiều gương mặt nghệ sĩ quen thuộc được trao danh hiệu NSND như Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Thanh Thúy, Trịnh Kim Chi, Mỹ Uyên, Phượng Loan, Thế Hiển, Trọng Phúc, Hữu Quốc... Trong đó, nghệ sĩ Hùng Minh là NSND lớn tuổi nhất và ông đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa của dân tộc.

39ef4d844539ea67b328.jpg
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ chúc mừng NSND Hùng Minh tại lễ tôn vinh (28/3/2024)

Nghệ sĩ Hùng Minh sinh năm 1939 tại Châu Thành, Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Cha mất sớm, ông theo mẹ lên Sài Gòn lập nghiệp và trở thành một trong những nghệ sĩ kì cựu của làng sân khấu cải lương thập niên 1970. Trong sự nghiệp, ông đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả với những vai kép độc qua nhiều vở tuồng như: Tấm lòng của biển, Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Thái hậu Dương Vân Nga. Cuộc đời và sự nghiệp của nghệ sĩ Hùng Minh là một hành trình vĩ đại nhưng cũng đầy cam go, minh chứng cho sức mạnh ý chí và tinh thần phi thường của một nghệ sĩ đích thực. Danh hiệu NSND có giá trị về mặt tinh thần to lớn đối với sứ mệnh nghệ thuật mà ông cống hiến cho cộng đồng bằng tất cả trái tim và tài năng của mình. Tháng 3/2024, nghệ sĩ Hùng Minh được phong tặng danh hiệu NSND ở tuổi 94 và nhân dịp này, Tạp chí Khoa học phổ thông đã có cuộc phỏng vấn riêng với nghệ sĩ.

Thưa nghệ sĩ Hùng Minh. Cảm xúc của ông thế nào khi được trao tặng danh hiệu NSND?

NSND Hùng Minh: Năm 1993, tôi được phong tặng danh hiệu NSUT. Và mãi đến hôm nay, tôi mới được danh hiệu NSND mà đối với tôi đó là điều hạnh phúc và vinh dự. Tôi xúc động vì thành quả bao nhiêu năm miệt mài trên sân khấu nay cũng đã được công nhận. Tôi vô cùng mãn nguyện.

Danh hiệu này có ý nghĩa gì trong cuộc đời nghệ sĩ của ông?

Tôi thấy mình đã đóng góp chút gì đó cho nền nghệ thuật của nước nhà và tâm nguyện: Nếu còn sức khỏe tôi sẽ cống hiến hết mình cho nghệ thuật đến hơi thở cuối cùng.

Theo ông, cơ duyên nào đã đưa ông đến với nghệ thuật sân khấu cải lương?

Cơ duyên đưa tôi đến với sân khấu đầu tiên là vì gia đình nghèo khó, tôi chỉ muốn đi làm để kiếm tiền nuôi thân, không làm gánh nặng cho mẹ. Tuy nhiên, trong một dịp tình cờ, tôi xin vào một đoàn hát để phụ việc vẽ bảng quảng cáo, rồi cơ may đưa đẩy tôi được vào làm quân sĩ, từ đó tôi bước chân vào nghề theo các đoàn học hỏi với cái tên Hoàng Bé, sau đó được kép độc Trường Xuân đặt cho tên Hùng Minh đến hôm nay.

d.png
NSND Hùng Minh nổi tiếng với vai Mã Tắc trong tuồng Tiếng trống Mê Linh của sân khấu Thanh Minh - Thanh Nga.

Sau trận bệnh 'thập tử nhất sinh', chúng tôi được biết hiện tại sức khỏe nghệ sĩ Hùng Minh tạm ổn định nhưng vẫn yếu, hồi phục chậm. Có thể thấy, phía sau thành công của những vở diễn để đời, ông luôn có người vợ - nghệ sĩ Hoa Lan là hậu phương vững chắc. Nhân đây, ông có thể chia sẻ thêm về hậu phương là gia đình của mình?

Đối với vợ, tôi mang ơn nhiều lắm vì cô ấy là hậu phương vững chắc của tôi suốt mấy chục năm chung sống. Vợ tôi cũng là nghệ sĩ, cha vợ tôi là cố soạn giả Nguyễn Huỳnh (tác giả vở Tướng cướp Bạch Hải Đường), mẹ vợ tôi là cố nữ nghệ sĩ Hoài Dung (bầu gánh Hoài Dung - Hoài Mỹ). Trong công việc, vợ tôi đã và đang là trợ lý đắc lực của tôi và là người lo cho tôi từ A đến Z khi tôi đi diễn sân khấu hay đi quay phim... Còn trong gia đình, vợ tôi là người quán xuyến mọi việc khi tôi đau ốm phải đi bệnh viện, vợ tôi cũng là người luôn kề cận bên tôi. Hiện tại thỉnh thoảng, vợ tôi cũng tham gia phim truyền hình, phim chiếu rạp và công việc phụ là nhắc thoại (trợ lý đạo diễn) trên sân khấu kịch Thiên Đăng.

ss.jpg
NSND Hùng Minh cảm thấy hạnh phúc và vinh dự khi được phong tặng danh hiệu NSND ở tuổi 94.

Có được danh hiệu NSND hôm nay, tôi muốn dành tặng người vợ của tôi vì trong sự đóng góp của tôi với sân khấu cũng có công sức của vợ tôi nữa. Trong đợt cao điểm dịch Covid , đi lại rất khó khăn, vợ tôi đã phải tất tả ngược xuôi để đi trích lục và công chứng đầy đủ cho bộ hồ sơ của tôi. Tóm lại ngoài tình nghĩa vợ chồng, vợ tôi là người thấu hiểu và sẵn sàng sẻ chia với tôi về mọi mặt từ vật chất khó khăn trong cuộc sống đến an ủi tinh thần cho tôi khi đau ốm bệnh tật. Tôi luôn quý trọng vợ mình và chỉ ước mong sẽ khỏe mạnh để cho vợ tôi đỡ cực khổ vì tôi.

Ông đánh giá tiềm năng các nghệ sĩ cải lương trẻ thời nay như thế nào?

Với lớp nghệ sĩ trẻ hiện nay, các em các cháu rất có tài năng, được học tập rất bài bản chính quy và còn được học hỏi kinh nghiệm các bậc tiền bối. Tôi mong sao các em các cháu phát huy hết khả năng của mình, phải cố gắng trau dồi đạo đức và nghề nghiệp nhiều hơn nữa để theo đuổi niềm đam mê mình đã chọn. Và tôi mong sẽ có những người kế thừa vững vàng trên sân khấu, để góp phần cho nền nghệ thuật nước nhà mãi mãi thăng hoa, đặc biệt là bộ môn cải lương.

Xin cảm ơn ông!

Danh hiệu NSND, NSƯT: Sự khích lệ lớn đối với các nghệ sĩ Danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” là danh hiệu vinh dự, cao quý của Đảng, Nhà nước dành tặng cho những cá nhân có nhiều cống hiến, đóng góp và gắn bó lâu dài trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, có trí tuệ và phẩm giá, hết lòng, hết sức, tận tụy phục vụ nhân dân, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng; là những tài năng nghệ thuật, có tác phẩm xuất sắc có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật được công chúng đón nhận, yêu thích, mến mộ. Nhiều nghệ sĩ cho rằng, danh hiệu không chỉ là một thành tựu trong sự nghiệp của mình mà còn khiến cảm thấy thêm yêu và có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn hình ảnh, trách nhiệm với nghề và với công chúng.

Đối với danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” được xét tặng cho các cá nhân hoạt động nghệ thuật tại các đơn vị nghệ thuật cơ sở; cá nhân hoạt động nghệ thuật tự do (như diễn viên: Hát, múa, nhạc, sân khấu, điện ảnh...; đạo diễn tác phẩm thuộc lĩnh vực: Tuồng; Chèo; Cải lương; Kịch dân ca;... người làm âm thanh trong tác phẩm điện ảnh, truyền hình và sân khấu;...) đạt tiêu chuẩn như: Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên; riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên; đã được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” và sau đó đạt một trong các tiêu chí: có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia (trong đó có 01 giải Vàng là của cá nhân); có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, thiếu giải thưởng theo quy định nhưng được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định,..

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
NSND Hùng Minh: “Danh hiệu NSND đối với tôi là điều hạnh phúc và vinh dự”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO