Novo Nordisk Việt Nam nhập khẩu trực tiếp lô hàng đầu tiên từ Đan Mạch
Công ty TNHH Novo Nordisk Việt Nam đã nhập khẩu trực tiếp lô hàng đầu tiên từ Đan Mạch với tư cách doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Sáng 9/7, Novo Nordisk Việt Nam đã chính thức cập cảng lô hàng nhập khẩu trực tiếp đầu tiên với tư cách là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIE), khi sở hữu giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược tại Việt Nam.
Đại diện Novo Nordisk cho biết, điều này có nghĩa là thành viên của tập đoàn đã được hoàn toàn công nhận là một pháp nhân có thể nhập khẩu thuốc và bán cho nhà phân phối địa phương, đánh dấu cột mốc mới của công ty trên hành trình mở rộng phạm vi hoạt động và củng cố cam kết cải thiện chất lượng chăm sóc người bệnh tại Việt Nam.
"Là một FIE đầy đủ chức năng, Novo Nordisk Việt Nam cũng chính thức trở thành nhà nhập khẩu độc lập các dược phẩm phát minh của tập đoàn, tạo tiền đề để thúc đẩy quy mô kinh doanh và tăng cường tuyển dụng nhân tài địa phương", đại diện Novo Nordisk chia sẻ.
Ngoài ra, suốt thập kỷ qua, công ty đã không ngừng nỗ lực hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam, Đại sứ quán Đan Mạch, hội Nội tiết và Đái tháo đường cùng các bệnh viện lớn trong nước, nhằm thay đổi cục diện điều trị bệnh đái tháo đường típ 2.
Các quan hệ đối tác xoay quanh việc phát triển những sáng kiến tăng cường năng lực chuyên môn cho bác sĩ, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, cũng như thiết lập chính sách chăm sóc sức khỏe phù hợp và hiệu quả.
Tháng 6/2024, Novo Nordisk Việt Nam tiếp tục triển khai quan hệ đối tác công tư mới với Bộ Y tế Việt Nam, Đại sứ quán Đan Mạch và Hội Nhi khoa Việt Nam. Các bên cùng nhau cam kết thúc đẩy các sáng kiến chiến lược xuyên quốc gia, tận dụng chuyên môn và kinh nghiệm của nhau để giải quyết các vấn đề y tế cấp bách chung. Trọng tâm của quan hệ đối tác công tư này sẽ là các bệnh không lây nhiễm (NCD) đang đe dọa đáng kể đến sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam.
Trong đó, đái tháo đường (típ 1, típ 2) và béo phì chính là những bệnh mạn tính nghiêm trọng ảnh hưởng đến hàng triệu người dân Việt Nam. Các biến chứng liên quan đến hai căn bệnh mạn tính này rất nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống người bệnh.
Do đó, quan hệ hợp tác này hướng tới mục tiêu phát triển các giải pháp phát minh, cải thiện chiến lược y tế dự phòng và tăng cường chất lượng chăm sóc người đang chung sống với mạn tính.
Theo báo cáo của Liên đoàn đái tháo đường thế giới năm 2021, Việt Nam hiện có gần 4 triệu người dân độ tuổi trưởng thành đang chung sống với bệnh đái tháo đường típ 2. Tuy nhiên, tỉ lệ chẩn đoán là 50%, có nghĩa là hiện có hơn 2 triệu người dân Việt Nam chẩn đoán mắc bệnh.
Trong đó, 65% bệnh nhân gặp phải các biến chứng bao gồm tim mạch, suy thận và cắt cụt chi…, gây ra tổn thất nghiêm trọng cho cá nhân người bệnh cũng như tạo gánh nặng tài chính lớn lên chính phủ và xã hội.
Ngoài ra, xu hướng gia tăng bệnh đái tháo đường típ 1 (ĐTĐ típ 1) hiện nay cũng là thách thức về chăm sóc sức khỏe cộng đồng mà Việt Nam đang phải đối mặt. Tỷ lệ trẻ em béo phì cũng tăng nhanh mỗi năm, hầu hết ở các thành phố lớn.