Nông nghiệp - nông thôn TP.HCM trong xu hướng chuyển đổi số

26/01/2023 12:59

Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, xây dựng nông nghiệp thông minh, tiến tới nông nghiệp số là điều cần thiết. Thông qua đó giúp người nông dân thay đổi tư duy, nhận thức và mạnh dạn tham gia nông nghiệp thông minh.

Chuyển đổi số là cuộc cách mạng lớn nên cần phải bắt đầu từ những chuyện cụ thể như: ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc nông sản, quản lý việc làm nông qua điện thoại thông minh (smartphone), giao dịch nông sản trên chợ điện tử,...

Triển khai nông nghiệp số

Có thể nói vai trò của ngành nông nghiệp Thành phố thời gian qua đã và đang được khẳng định, thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tập trung công tác quy hoạch ngành, sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên mọi lĩnh vực, không chỉ riêng nông nghiệp.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là điều rất cần thiết. Ảnh minh họa: Internet

Trước những áp lực mới trong bối cảnh biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và hội nhập quốc tế, TP.HCM xác định đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ứng dụng sâu rộng khoa học - công nghệ, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ, thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đáp ứng ổn định nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng trong nước, xuất khẩu, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số, trước mắt cần tập trung đẩy mạnh triển khai nông nghiệp số, giúp nông dân có các sản phẩm nông nghiệp được cạnh tranh công bằng, bằng cách tạo ra các sản phẩm đạt chuẩn đưa lên sàn giao dịch điện tử, loại bỏ các khâu trung gian, kết nối trực tiếp giữa người bán và người mua. Hạn chế được điểm yếu mà sản xuất truyền thống đang gặp phải đó là thiếu hợp tác, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc vào thương lái trung gian, cạnh tranh để bán nông sản đầu ra nên phải hạ giá.

Thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp

Nếu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, nông nghiệp số chính là thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp, mở đường cho những hoạt động sản xuất chính xác, chặt chẽ mà con người không cần có mặt trực tiếp; từ đó góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Phát triển nông nghiệp số là xu hướng tất yếu của Thành phố trong giai đoạn đầu thực hiện Chương trình chuyển đổi số. Một trong những nội dung quan trọng của nông nghiệp số là tập trung trước vào các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm có tiềm năng của Thành phố như: rau, hoa - cây kiểng, bò sữa (con giống, sữa), heo (con giống, thịt), tôm nước lợ, cá cảnh.

6 giải pháp chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp

Trên cơ sở nhu cầu thực hiện Chuyển đổi số, thời gian tới ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM sẽ đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin do Thành phố quản lý về nông nghiệp; tập trung xây dựng ngân hàng dữ liệu thông tin về nông nghiệp số, thiết lập mạng lưới quan trắc, giám sát tích hợp trên không và dưới mặt đất phục vụ hoạt động nông nghiệp.

Từ đó cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất để nông dân nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ thiết bị nông nghiệp thông qua nền tảng kỹ thuật số; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất, quản lý, giám sát nguồn gốc xuất xứ và theo chuỗi cung ứng, đảm bảo nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn và vệ sinh thực phẩm.

Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất, quản lý, giám sát nguồn gốc xuất xứ và theo chuỗi cung ứng, đảm bảo nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn và vệ sinh thực phẩm.

Tất cả các dữ liệu này phải đảm bảo theo đúng Kiến trúc Chính quyền Điện tử Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Kiến trúc Chính quyền Điện tử của Thành phố để dễ dàng liên thông, chia sẻ vào dữ liệu dùng chung.

Hai là, xác định các công nghệ số ưu tiên và các lĩnh vực ưu tiên phát triển trong ngắn hạn, trung hạn. Sản xuất nông nghiệp Thành phố được phân loại theo các vùng sinh thái; các loại cây trồng, vật nuôi; quy mô sản xuất, vì vậy cần phải lựa chọn công nghệ ưu tiên phù hợp với từng vùng sản xuất theo các giai đoạn. Bên cạnh đó, cần xây dựng nhóm chuyên gia công nghệ am hiểu đặc điểm, nhu cầu của từng loại nông sản, từng loại hình canh tác, từng loại giống,... để ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả tối đa.

Ba là, khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho nông dân quy mô nhỏ. Các cơ quan nhà nước cần tham mưu cho Thành phố ban hành chương trình hỗ trợ tín dụng cho nông dân sản xuất quy mô nhỏ ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp; chính sách hỗ trợ triển khai các công nghệ số mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp để nông dân quy mô nhỏ có thể tiếp cận dễ dàng.

Bốn là, tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng và kết nối thông tin; theo đó ngành nông nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với ngành thông tin - truyền thông để đề xuất Thành phố huy động mọi nguồn lực để phát triển mạng lưới công nghệ số, công nghệ thông tin, an ninh năng lượng, an toàn thông tin, bảo mật.

Năm là, tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực cho nông dân; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hội thảo hoặc các Chương trình Khuyến nông về tầm quan trọng và vai trò của chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng mô hình điểm về ứng dụng công nghệ số và tập huấn trực tiếp cho nông dân; thiết lập "hệ sinh thái nông nghiệp kỹ thuật số" - tạo điều kiện cho những sáng kiến, đổi mới của nông dân và doanh nhân nông nghiệp.

TP.HCM xây dựng mô hình điểm về ứng dụng công nghệ số và tập huấn trực tiếp cho nông dân; thiết lập "hệ sinh thái nông nghiệp kỹ thuật số" - tạo điều kiện cho những sáng kiến, đổi mới của nông dân và doanh nhân nông nghiệp.

Sáu là, đổi mới nghiên cứu, giáo dục và đào tạo nghề; khuyến khích đầu tư thành lập các trung tâm nghiên cứu chuyên ngành và hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các tổ chức khoa học và công nghệ (đặc biệt là các Viện, trường đại học trong và ngoài nước); đưa các công nghệ mới cần thiết cho nông nghiệp vào chương trình giảng dạy dài hạn với phương pháp đào tạo được đổi mới, đẩy mạnh thực hành và các kỹ năng thực tiễn thời đại công nghệ 4.0.

Đặc biệt để phát triển phù hợp với thời đại công nghệ số, Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn TP.HCM đã tích cực tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin 4.0 như: ứng dụng phần mềm do Israel chuyển giao (Afimilk quản lý bò sữa, Rational theo dõi khẩu phần thức ăn cho bò sữa)… Ứng dụng nhiều phần mềm trong việc quản lý số liệu tình hình sinh vật hại trên cây trồng; theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp; quản lý văn bản hồ sơ công việc, công tác chỉ đạo điều hành, dịch vụ công trực tuyến…; phần mềm bản đồ số hóa vùng sản xuất rau an toàn - hoa cây kiểng; theo dõi cơ sở dữ liệu xây dựng nông thôn mới; theo dõi chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị; bản đồ số hóa các vùng nuôi và khai thác thủy sản trên địa bàn Thành phố.

Trong năm 2022, tình hình sản xuất nông nghiệp chuyển biến rõ rệt sau hơn 01 năm bị gián đoạn vì dịch bệnh Covid-19. Một số chỉ tiêu chủ yếu tăng khá như diện tích gieo trồng rau tăng 4,1%, diện tích gieo trồng hoa, cây kiểng tăng 5,4%, tổng đàn heo tăng 3,4%, sản lượng thịt heo hơi tăng 6,7%; sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng 8,2%...

Giá trị sản xuất bình quân/ha đạt 600 triệu đồng/ha/năm tăng 9,6% so với cùng kỳ. Năng suất lao động năm 2020 ước đạt 169,2 triệu đồng/người/năm, tăng 5,9% so với cùng kỳ.

Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; giảm diện tích trồng lúa, mía, muối hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của Thành phố như rau, hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, bò thịt lai…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp - nông thôn TP.HCM trong xu hướng chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO