Đời sống

Nhớ thương trái dại quê nhà 

NGUYỄN MINH HẢI 09/08/2023 06:37

Nhiều đứa leo giỏi có thể với đến những nhánh trên cao, hái được những trái to, nứt cả vỏ, chúng tôi gọi là keo cồ. Mấy đứa không leo được thì dùng sào trúc để móc. Xong, cả đám ngồi dưới tán cây mát rượi mà tận hưởng từng múi keo ngon lành… Có khi hái xong lấy dây xâu lại đeo trước bụng để… khoe thành tích với nhau!

Vùng đất nhỏ hẹp quê tôi trên cù lao An Hóa (Bình Đại, Bến Tre) vậy mà như chia thành hai miệt: phía trên từ Lộc Thuận đổ lên Vang Quới, Phú Vang, Phú Thuận, Châu Hưng… thì nước ngọt quanh năm nên cây trái xum xuê với chôm chôm, xoài, nhãn, mận…, còn từ Định Trung đổ về Đại Hòa Lộc, Thạnh Trị, Thạnh Phước, Thừa Đức, Thới Thuận… thì sát biển nên sáu tháng nước mặn sáu tháng nước ngọt, cây trái hiếm hoi. Quê nội tôi ở Thạnh Trị, ngoại thì bên Đại Hòa Lộc, ngoài cây dừa và dừa nước thì hầu như chẳng có trái cây nào khác. Nên đến bây giờ, trong ký ức tôi, trái cây ở quê thì vẫn nhớ đến mấy loài trái dại.

Ngửi mùi trái bình bát thơm dịu nồng nàn quyện trong thạp gạo

anh-man-hinh-2023-08-08-luc-23.31.11.png
Trái bình bát, người quê tôi là mãng cầu chà...

Đầu tiên phải kể là bình bát, người quê tôi là mãng cầu chà. Bình bát mọc hoang rất nhiều, cặp mé kinh, ở bờ ao, sát mé ruộng, ở các khu đất hoang… Nó mọc xen với dừa nước, chen chân với cỏ nước mặn, cỏ ống hay tranh chỗ với đám ô rô, cóc kèn… Hễ lên cây là có trái. Chẳng ai buồn để ý đến nó, chỉ đến khi bắt đầu ửng vàng trên cây thì đám trẻ con chúng tôi mới hái xuống đem về giấu trong thạp gạo cho chín mùi mới ăn. Trái này nếu để chín đủ thì sẽ tự rụng, bẹp thành một nhúm hột, chẳng còn ăn được…

Có khi chúng tôi chẳng thèm ăn, chỉ để ngửi cái mùi thơm dịu nồng nàn quyện trong thạp gạo, bám trên từng miếng vỏ… Bởi bình bát ăn thiệt chán: hột nhiều, vị thì chua chua, có khi lẫn một chút đăng đắng. Rình rình người lớn đi vắng, tụi nhỏ giằm bình bát với chút đường cát thì coi như có một bữa ngon lành, bởi cái vị chua ấy “bắt” với đường trở nên ngọt ngào, thơm tho làm sao! Sau này có thêm nước đá nữa thì ngon tuyệt!

binh-bat-dam-duong.png
Rình rình người lớn đi vắng, tụi nhỏ giằm bình bát với chút đường cát thì coi như có một bữa ngon lành, bởi cái vị chua ấy “bắt” với đường trở nên ngọt ngào, thơm tho làm sao!

Bình bát thì có quanh năm nhưng keo thì chỉ có vào mùa nắng. Keo là loài cây thân gỗ to, lá hình bầu dục, thân có gai, trái chín màu hồng đỏ, cơm ăn ngòn ngọt, khi còn xanh thì chan chát; ở một số nơi còn gọi là me keo, keo tây hoặc me nước.

Đám trẻ ngày đó ăn uống thiếu thốn nên hay rủ nhau trèo hái keo - những cây keo ngọt bị leo trèo năm này qua năm khác nên mòn hết cả gai. Có khi hái luôn cả ở những cây me chát, ăn mắc nghẹn trợn cả mắt! Nhiều đứa leo giỏi có thể với đến những nhánh trên cao, hái được những trái to, nứt cả vỏ, chúng tôi gọi là keo cồ. Mấy đứa không leo được thì dùng sào trúc để móc. Xong, cả đám ngồi dưới tán cây mát rượi mà tận hưởng từng múi keo ngon lành… Có khi hái xong lấy dây xâu lại đeo trước bụng để… khoe thành tích với nhau!

Me tây thịt mỏng màu mật, ăn rất ngọt

metay.jpeg
Me tây có những cái hoa tim tím hoặc hồng phớt rất đẹp

Mùa nắng còn một loại trái cây nữa là trái me tây (có nơi gọi là cây còng hoặc muồng tím). Mùa trổ bông, me tây có những cái hoa tim tím hoặc hồng phớt rất đẹp. Qua tết một chút là cây me tây trụi lá khẳng khiu, những đứa bạo dạn hay trèo bẻ những trái chín đen chia cho đám bạn. Cắn bỏ lớp vỏ bên ngoài, bên trong có một lớp thịt mỏng màu mật, ăn rất ngọt. Chỉ có điều ăn nhiều thì bị rát lưỡi… Tôi nhớ trước sân trường tiểu học có mấy cây me tây không cao lắm, nhiều lần hay “tài lanh” leo lên hái trái cho chúng bạn, bị thầy hiệu trưởng phạt quỳ gối mà chẳng ngán… Bây giờ nghĩ lại, sao hồi đó mình… gan thế, bởi cây me tây vốn giòn, leo lên rủi mà…; nghĩ đến đó lại thấy thương thầy quá…

Thấm thoát rồi đến mùa mưa cũng là lúc sắp hết năm học. Tha thẩn trên con đường quê đầy cát là những hàng cây duối mọc dày. Duối sống lâu năm, lớn rất chậm, có những cây suốt mười mấy năm mà tôi thấy dường như không lớn (sau này lớn lên tôi đọc báo mới biết, hàng duối cổ ở Đường Lâm – Hà Nội đã có trên ngàn năm tuổi, chính là nơi Ngô Quyền cột voi trước khi đánh tan quân Nam Hán). Những trái duối nhỏ hơn đầu ngón tay chín màu vàng tươi hay trở thành món ngon bất ngờ của đám trẻ.

anh-man-hinh-2023-08-08-luc-23.34.21.png
Trái duối nhỏ hơn đầu ngón tay chín màu vàng tươi là món ngon bất ngờ của đám trẻ

Nhà ngoại tôi cũng có rất nhiều duối, được trồng làm hàng rào. Năm nào cũng ăn duối chín nên tôi “thuộc” từng cây: cây thì trái nhỏ xíu, màu càng sậm nhưng rất ngọt, cây thì trái rất sai, vàng cả cây nhưng chỉ có chim ăn vì trái nhỏ mà lạt nhách, có cây thì trái to, ngọt nhưng rất thưa trái… Sau này về quê nhìn lại những cây duối lại như thấy bà ngoại đang lụm cụm quét lá đâu đó, lòng lại thấy ngùi ngùi…

Ổi, bần, dừa nước... mọc hoang khắp nơi 

Ngoài ra còn có ổi, bần, dừa nước… mọc hoang khắp đây đó. Một số loại cây nhỏ hơn có trái ăn được cũng được chúng tôi để ý tới, như thù lù, nhãn lồng, bùm sụm… Trong số này, dừa nước thì phần nhiều được trồng, nhưng cũng có nơi mọc hoang ở mé kinh, ở các ruộng bị bỏ hoang. Ngày trước dừa nước chưa có ai mua bán nên dẫu có trồng, người ta cũng ít chú ý lấy trái. Bọn trẻ chúng hay lấy dao vạt thử một trái xem vừa ăn chưa.

Nhà tôi vốn có trồng nhiều dừa nước nên có nhiều kinh nghiệm, chỉ nhìn màu vỏ của trái cũng có thể đoán được quày dừa có vừa ăn hay không… Chặt buồng dừa ra khỏi đám lá, một đứa khỏe tay cầm cuống quày nện mạnh xuống đất cứng để quày vỡ ra, mấy đứa khác lấy dao chẻ đôi từng trái để ăn… Chỉ có điều mủ dừa nước dính vào quần áo thì giặt không ra, coi như nhuộm luôn!

trai-dai-que-nha.jpg
Chặt buồng dừa ra khỏi đám lá, một đứa khỏe tay cầm cuống quày nện mạnh xuống đất cứng để quày vỡ ra, mấy đứa khác lấy dao chẻ đôi từng trái để ăn…

Còn thù lù (có nơi gọi là lồng đèn hoặc tầm bóp) có tên tiếng Anh rất hay là golden berry, vốn có nhiều dinh dưỡng, có công dụng làm thuốc, lá non còn có thể ăn được… Nhưng hồi đó chúng tôi chỉ ăn trái, vị hơi chua, cũng khá dễ ăn, nên được tìm kiếm trong đám các đám cỏ dại. Sau này, tôi thấy người ta bán trái thù lù trên phố, lòng ngẩn ngơ nghĩ đến cái thời ngày nào cũng được ăn… miễn phí!

Bây giờ cây trái rất nhiều, lại rẻ, ai cũng có thể mua cho con cháu mình ăn, đám trẻ không còn phải thèm thuồng như chúng tôi ngày trước. Nhưng thế hệ chúng tôi vì tìm đồ ăn vặt mà ưa khám phá, chạy nhảy, leo trèo, tuy có rủi ro nhưng nói chung là rèn luyện nhiều thứ, thành ra khỏe mạnh, linh hoạt…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ thương trái dại quê nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO