Nhiều đề tài về giải pháp kinh tế bền vững của sinh viên trình bày tại hội thảo khoa học quốc gia
Sau hơn 2 tháng phát động, Hội thảo khoa học quốc gia “Kinh tế tuần hoàn – Kinh tế bền vững – Marketing xanh” đã nhận được 150 bài viết chất lượng từ nhiều tác giả đến từ 35 trường đại học, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp cả nước...
Hội thảo khoa học quốc gia 2024 với chủ đề “Kinh tế tuần hoàn – Kinh tế bền vững – Marketing xanh” vừa diễn ra tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) ngày 1/3.
Theo Ban tổ chức, sau hơn 2 tháng phát động, với tính phù hợp của bối cảnh, hội thảo đã nhận được 150 bài viết chất lượng từ nhiều tác giả đến từ 35 trường đại học, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp cả nước. Các tác giả là những thầy cô trực tiếp giảng dạy, nghiên cứu; nghiên cứu viên, sinh viên các trường và doanh nghiệp. Qua quá trình phản biện của hội đồng chuyên môn, đã có 117 tham luận gồm bài viết, nghiên cứu đạt yêu cầu để đăng kỷ yếu, trong đó có 22 đề tài được chọn đại diện trình bày, thảo luận tại các phiên của hội thảo.
Hội thảo diễn ra với bốn phiên gồm các tiểu ban theo từng mục tiêu đối tượng cụ thể, đáng chú ý tiểu ban dành cho sinh viên, bao gồm sinh viên các trường: Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), Đại học Hoa Sen, Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF)... đã trình bày và chuyển tải nhiều thông điệp ý nghĩa, giải pháp kinh tế hiện đại, bền vững đến với hội thảo.
Các sinh viên đã thể hiện được tiếng nói của thế hệ Z trong việc đề xuất những giải pháp thực tế cho nền kinh tế hiện đại như: “Đề xuất mô hình chuỗi cung ứng bền vững trong lĩnh vực thời trang tại Việt Nam”, “Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp OCOP hướng tới phát triển bền vững tại tỉnh Đồng Tháp”, “Thực trạng triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp ở Việt Nam: nghiên cứu trường hợp vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long”.
“Trong bối cảnh thế giới đang đứng trước các thách thức và khó khăn, mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh tế bền vững đóng vai trò quan trọng để các quốc gia giải quyết những vấn đề chung có tính toàn cầu. Bài toán kinh tế đặt ra, song hành đó là hoạt động marketing cũng được chú trọng. Đặc biệt khái niệm “marketing xanh” có sứ mệnh truyền tải thông điệp về tính bền vững của sản phẩm hoặc dịch vụ, hơn nữa là nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, đặc biệt là người trẻ về hành vi sử dụng các loại sản phẩm, dịch vụ “không xanh”, TS. Phan Bảo Giang, Trưởng hoa Marketing UEF đồng thời là Trưởng ban tổ chức hội thảo chia sẻ.
Tại hội thảo, UEF cũng tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ về chuyển giao kết quả nghiên cứu cùng năm doanh nghiệp.
Theo đại diện UEF, việc chuyển giao và thương mại hóa kết quả nghiên cứu này nhằm tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược của nhà trường và doanh nghiệp, góp phần tích cực vào quá trình phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng vào lĩnh vực nghề nghiệp.
Hội thảo lần này được tổ chức với mục tiêu giúp các nhà khoa học nhìn nhận, đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm về nghiên cứu, giảng dạy, học tập trong lĩnh vực kinh tế và marketing. Thông qua chủ đề gắn với bối cảnh, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên có cơ hội nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Các trường, cơ sở giáo dục tăng cường sự hợp tác cùng nhau, bao gồm hợp tác giữa các trường và doanh nghiệp về công tác đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế và marketing. Đặc biệt, hội thảo còn là dịp để các nhà nghiên cứu kinh tế dù ở phương diện nghiên cứu hay thực tiễn đều có thể đưa ra các đề xuất, giải pháp phù hợp cho lĩnh vực kinh tế nói chung và marketing nói riêng.
Một số đề tài nổi bật của sinh viên tại hội thảo:
-“Đề xuất mô hình chuỗi cung ứng bền vững trong lĩnh vực thời trang tại Việt Nam” (nhóm tác giả Phạm Thị Thanh Tâm cùng cộng sự thuộc Trường ĐH Hoa Sen);
-“Thực trạng hành vi mua sắm thời trang second-hand của gen Z” (nhóm tác giả Nguyễn Lưu Thanh Tân cùng cộng sự thuộc Trường ĐH Công nghệ TP.HCM);
-“Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi mua hàng ngẫu hứng của giới trẻ TP.HCM trên các sàn thương mại điện tử” (nhóm tác giả Nguyễn Phúc Quỳnh Như cùng cộng sự thuộc Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM
-“Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp OCOP hướng tới phát triển bền vững tại tỉnh Đồng Tháp” (nhóm tác giả Lý Hoài Long cùng cộng sự thuộc Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM);
-“Thực trạng triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp ở Việt Nam: nghiên cứu trường hợp vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long” (tác giả Lê Anh Đức – Hoàng Thị Mai Anh, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân - Hà Nội).