Kinh doanh

Giải quyết tranh chấp thương mại: Chiến lược rút ngắn thời gian thông qua trọng tài và hòa giải

Công Chương 22/03/2025 10:24

Ngày 21/3, tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) đã diễn ra Hội thảo chuyên đề “Chiến lược rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp thông qua phương thức trọng tài và hòa giải”.

Sự kiện là một phần của chuỗi Hội thảo chuyên đề và Diễn đàn khoa học về Trọng tài – Hòa giải (AMS 2025), do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng UEF tổ chức.

phien-thao-luan.jpg
Các đại biểu điều hành phiên thảo luận Hội thảo chuyên đề “Chiến lược rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp thông qua phương thức trọng tài và hòa giải”.

Hội thảo thu hút gần 200 đại biểu, gồm trọng tài viên, hòa giải viên, luật sư, chuyên gia pháp lý và đại diện doanh nghiệp tham dự.

Giải quyết tranh chấp: Yếu tố then chốt trong môi trường kinh doanh

Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Đỗ Quốc Anh – Phó Chủ tịch Hội đồng trường UEF – nhấn mạnh rằng trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng, các doanh nghiệp vừa đối mặt với nhiều cơ hội phát triển, vừa đứng trước những thách thức về pháp lý. Tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng là điều khó tránh khỏi, nhưng nếu không được giải quyết nhanh chóng, có thể gây tổn thất lớn về tài chính và ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác lâu dài.

ong-do-quoc-anh-pho-chu-tich-hoi-dong-truong-dai-hoc-kinh-te-tai-chinh-tp.-ho-chi-minh.jpg
Ông Đỗ Quốc Anh – Phó Chủ tịch Hội đồng trường UEF phát biểu.

Theo ông Đỗ Quốc Anh, lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp đóng vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan. Ông đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo lần này, đồng thời kỳ vọng vào sự hợp tác chặt chẽ giữa UEF và VIAC trong thời gian tới nhằm tạo ra những giá trị thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp và giới học thuật.

Chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của tốc độ giải quyết tranh chấp, GS.TS Lê Hồng Hạnh – Chủ tịch VIAC – khẳng định rằng tối ưu thời gian xử lý tranh chấp không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí mà còn nâng cao sức cạnh tranh của môi trường kinh doanh Việt Nam. Trong bối cảnh số lượng và độ phức tạp của tranh chấp thương mại ngày càng gia tăng, ông Hạnh nhấn mạnh mô hình kết hợp giữa trọng tài và hòa giải là giải pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp vừa bảo vệ quyền lợi vừa duy trì quan hệ hợp tác bền vững.

ki-ket-bien-ban-ghi-nho-hop-tac-giua-viac-va-uef.jpg
Đại diện Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) ký kết hợp tác.

Tại Hội thảo, VIAC và UEF đã ký kết Thỏa thuận hợp tác, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ giữa hai đơn vị. Sự hợp tác này không chỉ mở rộng cơ hội nghiên cứu học thuật mà còn giúp sinh viên tiếp cận thực tiễn giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh - thương mại. Hai bên cam kết phối hợp tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn, cung cấp thông tin hữu ích cho cộng đồng doanh nghiệp, luật sư và giới học thuật trong thời gian tới.

Các mô hình kết hợp trọng tài – hòa giải: Giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp

Mở đầu hội thảo với phần tham luận "Kết hợp phương thức trọng tài - hòa giải trong giải quyết tranh chấp: Xu hướng quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam", Luật sư (LS) Đặng Việt Anh – Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH ANHISA, Trọng tài viên VIAC, Hòa giải viên VMC – đã phân tích xu hướng kết hợp giữa trọng tài và hòa giải trong giải quyết tranh chấp thương mại tại Việt Nam và quốc tế.

ls.-dang-viet-anh.jpg
LS. Đặng Việt Anh phát biểu tại sự kiện.

Theo LS. Việt Anh, tố tụng trọng tài có tính ràng buộc cao nhưng có thể kéo dài và tốn kém. Trong khi đó, hòa giải linh hoạt và giúp duy trì quan hệ kinh doanh nhưng lại phụ thuộc vào thiện chí của các bên. Vì vậy, việc kết hợp cả hai phương thức sẽ giúp tận dụng tối đa ưu điểm của từng cơ chế, mang lại hiệu quả cao trong giải quyết tranh chấp.

ls.-hoang-nguyen-ha-quyen.jpg
LS. Hoàng Nguyễn Hạ Quyên phát biểu tại sự kiện.

Với tham luận "Khả năng rút ngắn thời gian thông qua chuyển đổi phương thức giải quyết tranh chấp: Thực tiễn áp dụng và vấn đề phát sinh", LS. Hoàng Nguyễn Hạ Quyên – Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH LNT, Trọng tài viên VIAC, Hòa giải viên VMC – tiếp tục phân tích các mô hình kết hợp trọng tài và hòa giải, bao gồm:

  • Hòa giải trước tố tụng trọng tài: Các bên tranh chấp ưu tiên hòa giải, chỉ đưa ra trọng tài khi hòa giải thất bại.
  • Hòa giải trong quá trình tố tụng trọng tài: Trong một số trường hợp, các bên có thể tạm dừng tố tụng để thực hiện hòa giải.
  • Hòa giải song song với trọng tài: Cả hai phương thức được tiến hành đồng thời để tối ưu hóa thời gian và hiệu quả giải quyết tranh chấp.

LS. Quyên nhấn mạnh: "Mỗi mô hình có những ưu điểm riêng nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nếu không được áp dụng phù hợp. Do đó, doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn phương thức phù hợp dựa trên mức độ thiện chí của các bên và tính chất của tranh chấp...".

Lựa chọn trọng tài viên và hòa giải viên: Yếu tố quan trọng trong giải quyết tranh chấp

Trình bày tham luận "Phân định vai trò và cách lựa chọn trọng tài viên và hòa giải viên khi kết hợp nhiều phương thức giải quyết tranh chấp", LS. Ngô Quỳnh Anh – Hòa giải viên VICMC – đã phân tích các tiêu chí lựa chọn trọng tài viên và hòa giải viên khi áp dụng mô hình kết hợp.

ls.-ngo-quynh-anh.jpg
LS. Ngô Quỳnh Anh trình bày tham luận.

Bà Quỳnh Anh cho biết, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể về tiêu chuẩn đối với trọng tài viên và hòa giải viên, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi lựa chọn chuyên gia. Bà Quỳnh Anh đề xuất: "Cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế từ Úc và Hồng Kông (TQ) để xây dựng cơ chế đảm bảo tính trung lập và ngăn ngừa xung đột lợi ích trong quá trình giải quyết tranh chấp".

pgs.-ts.-duong-anh-son-1.jpg
PGS.TS. Dương Anh Sơn trình bày tham luận tại sự kiện.

Bên cạnh đó, với tham luận "Khuyến nghị về quy định pháp luật và giải pháp cho doanh nghiệp trong thiết kế, vận hành thỏa thuận giải quyết tranh chấp kết hợp", PGS.TS. Dương Anh Sơn – Trưởng Khoa Luật, UEF, Trọng tài viên VIAC – cũng khuyến nghị doanh nghiệp nên chú trọng thiết kế điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng ngay trong hợp đồng thương mại. Việc này giúp tạo ra sự linh hoạt trong lựa chọn phương thức giải quyết phù hợp với từng giai đoạn tranh chấp, tránh tình trạng kéo dài thời gian hoặc phát sinh chi phí không cần thiết.

toan-canh-hoi-thao-1.jpg
Quan cảnh hội thảo.

Phiên thảo luận tại hội thảo do ông Phan Trọng Đạt – Quyền Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) và LS. Châu Việt Bắc – Phó Giám đốc kiêm Phó Tổng thư ký VIAC – điều phối đã diễn ra sôi nổi. Các chuyên gia, đại biểu đã trao đổi về các giải pháp tối ưu hóa thời gian giải quyết tranh chấp, đồng thời đề xuất các cải tiến nhằm hoàn thiện khung pháp lý về trọng tài – hòa giải tại Việt Nam.

Nhiều ý kiến cho rằng cần có quy định pháp lý rõ ràng hơn về việc kết hợp trọng tài và hòa giải để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho doanh nghiệp. Đồng thời, các tổ chức trọng tài – hòa giải như VIAC và VMC cũng cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả trong giải quyết tranh chấp thương mại.

Hội thảo lần này nằm trong chuỗi sự kiện AMS 2025, với chủ đề “Quản trị thời gian trong tố tụng trọng tài: Yêu cầu từ thực tiễn và các công cụ thực hiện”. AMS 2025 bao gồm ba hội thảo chuyên đề và một diễn đàn khoa học, diễn ra vào các ngày thứ Sáu từ 14/3 đến 4/4/2025.

Việc tổ chức thành công hội thảo đã góp phần tạo diễn đàn chuyên sâu để các chuyên gia, doanh nghiệp và giới học thuật cùng chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy mô hình trọng tài – hòa giải tại Việt Nam. Với những bước tiến này, cộng đồng doanh nghiệp có thể kỳ vọng vào một môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định và thuận lợi hơn trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết tranh chấp thương mại: Chiến lược rút ngắn thời gian thông qua trọng tài và hòa giải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO