Nhiễm khuẩn bệnh viện

22/08/2008 17:06

Ngày càng có thêm nhiều nghiên cứu về vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện, trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Nhận diện đúng nguy cơ dẫn đến nhiễm khuẩn bệnh viện và đưa ra các giải pháp thích hợp là việc cấp thiết để giảm bớt gánh nặng kinh tế và tâm lý cho bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện.

Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO), tại các nước phát triển, 5 - 10% bệnh nhân nhập viện mắc ít nhất một loại nhiễm khuẩn bệnh viện. Tỷ lệ này ở những nước đang phát triển còn cao hơn nhiều. Mỗi năm tại Mỹ nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) gây ra 44.000 - 98.000 ca tử vong. Cả nước ta có trên 350 bệnh viện trung ương và bệnh viện tỉnh thành với gần 80.000 giường bệnh; vào bất cứ thời điểm nào cũng có khoảng 4.000 - 5.000 ca NKBV - chưa kể số bệnh nhân điều trị tại tuyến huyện. Phổ biến nhất là: nhiễm khuẩn hô hấp (41,9%), nhiễm khuẩn vết mổ (27,5%), nhiễm khuẩn tiết niệu (13,1%). Có tới 25 - 40% bệnh nhân nhập khoa hồi sức tích cực Bệnh viện nhi đồng 1 bị NKBV.

Các thủ thuật chăm sóc có nguy cơ dẫn đến nhiễm khuẩn từ bệnh viện là: mở khí quản, thở máy, đặt nội khí quản, thở oxy, đặt ống thông tiểu, chạy thận nhân tạo, ung thư, đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm... Các ca phẫu thuật kéo dài và phẫu thuật cấp cứu có nhiều nguy cơ dẫn đến bị nhiễm khuẩn vết mổ. NKBV làm tăng khoảng 35% tỷ lệ tử vong.

Theo ThS. Thái Thị Kim Nga, trưởng phòng điều dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy, đối với bệnh nhân trong bệnh viện có đặt kim luồn tĩnh mạch ngoại biên, chỉ sau vài ngày đã có khoảng 50% có biến chứng: nhiễm trùng tại chỗ: viêm mô dưới da, áp xe; viêm tĩnh mạch; nhiễm trùng huyết;viêm nội tâm mạc.

Các yếu tố nguy cơ cho nhiễm khuẩn bệnh viện

- Bệnh nhân: bệnh nặng, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, bệnh nhiễm khuẩn, mất lớp da, thủ thuật xâm lấn, điều trị kháng sinh kéo dài.

- Nhân viên y tế: chưa được huấn luyện đầy đủ, chưa thành thạo về kỹ năng; không áp dụng biện pháp phòng ngừa chuẩn (như mang găng tay, khẩu trang); không đảm bảo kỹ thuật vô trùng khi đặt và chăm sóc đường truyền (vệ sinh tay, sử dụng xà phòng khử khuẩn, sát trùng chỗ nối, cố định kim luồn...); dụng cụ nội mạch và truyền dịch bị nhiễm; sát trùng da chưa tốt...

Theo khảo sát mới đây của Bộ y tế, đến nay các bệnh viện chỉ mới đảm bảo được 30% bồn rửa tay lắp đặt đúng vị trí, đúng tiêu chuẩn. Hầu hết các bồn rửa tay chỉ có ở các phòng phẫu thuật, hồi sức sau mổ, còn ở những nơi khác thì nhân viên y tế rửa tay ở đâu tùy ý. BS. Nguyễn Việt Hùng, trưởng khoa chống nhiễm khuẩn của Bệnh viện Bạch Mai, cho biết rửa tay đúng quy trình được tập huấn nhiều lần ở bệnh viện, nhưng số người tuân thủ không nhiều; có người cũng rửa tay nhưng rửa qua loa, không đúng cách. Do quá đông bệnh nhân, một số nhân viên y tế đã bỏ qua những thao tác này.

Theo BS. Chu Minh Đề, trưởng khoa chống nhiễm khuẩn Bệnh viện lao và bệnh phổi trung ương, vấn đề mất vệ sinh trong bệnh viện là do ý thức kém và hiểu biết hạn chế của nhân viên y tế, bệnh nhân và thân nhân. Tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, chuyên chữa bệnh về phổi, hàng rào sắt ngăn bãi giữ xe và khuôn viên bên trong được nhiều bệnh nhân và người nhà tận dụng làm nơi treo khẩu trang. Cũng ở bệnh viện này, khoa E (dành điều trị bệnh nhân lao kèm HIV), nằm ở một khu nhà xuống cấp có tuổi đời hơn bốn mươi năm.

NKBV còn là nguyên nhân làm xuất hiện những chủng vi khuẩn đa kháng thuốc. Tỷ lệ cao bệnh nhân sử dụng kháng sinh (68%), làm gia tăng áp lực xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc. Tình trạng lạm dụng kháng sinh cũng là nguyên nhân làm trầm trọng thêm mức độ kháng thuốc của các chủng vi khuẩn bệnh viện.

Nhiễm khuẩn bệnh viện đã làm kéo dài thời gian nằm viện trung bình từ 9,4 đến 24,3 ngày và làm tăng chi phí điều trị từ 2 đến 32,3 triệu đồng.

Theo báo cáo của BS. Nguyễn Thị Thanh Hà, trưởng khoa chống nhiễm khuẩn Bệnh viện nhi đồng 1 trong quy trình chăm sóc bệnh nhân, cần chú ý:

- Loại dịch truyền là máu, sản phẩm máu không nên sử dụng quá 24 giờ.

- Dung dịch lipid truyền không quá 24 giờ (tốt nhất là sau 12 giờ phải kết thúc dịch truyền).

- Dịch pha “ba trong một” cũng chỉ được để tối đa 24 giờ(nếu chỉ truyền duy nhất dextrose hoặc aminoacid có thể để 72 giờ).

- Trong việc pha dịch nuôi ăn, sai sót thường gặp là kỹ thuật pha không vô khuẩn. Để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn cần hạn chế pha, nên sử dụng sản phẩm pha sẵn; nếu phải pha thì cần sát khuẩn nút chai, mang trang phục vô khuẩn, áp dụng kỹ thuật pha vô khuẩn, pha trong phòng chuyên dụng, có tủ pha riêng; nhà sản xuất nên đóng chai với nhiều loại dung tích khác nhau, tránh tình trạng phải chia nhỏ khi dùng; hạn chế lượng khí từ bên ngoài xâm nhập vào khi hệ thống kín.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiễm khuẩn bệnh viện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO