GS.TS Đặng Lương Mô: Về nước vì một tình yêu và niềm tự hào “Tôi là người Việt Nam”
"Tôi về nước không phải vì hết việc để làm ở Nhật, mà vì tim tôi vẫn luôn đập theo nhịp của đất nước mình".
Ở tuổi xưa nay hiếm, sau hơn bốn thập niên sống, nghiên cứu và giảng dạy tại Nhật Bản, GS.TS Đặng Lương Mô – một trong những kỹ sư điện tử đầu tiên của Đại học Tokyo – đã cùng người bạn đời trở về Việt Nam trong vai trò “cố vấn thiện nguyện”, với tâm nguyện cống hiến cho sự nghiệp phát triển vi mạch - bán dẫn.
Từ người đặt nền móng cho ngành đào tạo vi mạch trong nước đến “người gieo hạt” không mỏi cho các thế hệ kỹ sư trẻ, ông là một minh chứng sống động cho tinh thần: "Ra đi để trở về, mang tri thức phụng sự quê hương". Ông chia sẻ: “Đơn giản vì tôi sinh ra ở Việt Nam – một quốc gia có hơn 4000 năm giữ nước và dựng nước”.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Tạp chí Khoa học phổ thông có cuộc trò chuyện với GS.TS Đặng Lương Mô – một trong những kiều bào tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển TP.HCM giai đoạn 1975 – 2025.
Chọn Nhật Bản để học điều mới nhất, tiến bộ nhất
Thưa Giáo sư, năm 1957, ở tuổi 21, điều gì đã khiến ông quyết định chọn Nhật Bản để du học ngành điện tử, thay vì các quốc gia Âu – Mỹ vốn phổ biến lúc bấy giờ?
GS.TS Đặng Lương Mô: Thời điểm ấy, nhiều bạn trẻ Việt Nam ước mơ du học châu Âu hoặc Mỹ. Nhưng tôi nhận được học bổng của Chính phủ Nhật Bản. Nhật có hơn 800 trường đại học, song chỉ hai trường có đào tạo ngành điện tử là Đại học Tokyo và Đại học Kyoto – hai đại học hàng đầu. Tôi chọn Đại học Tokyo vì muốn học ngành mới nhất, tiên tiến nhất để sau này về nước có thể đóng góp. Mặc dù tôi không biết tiếng Nhật và chỉ thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, nhưng tôi chấp nhận thử thách để mở rộng giới hạn bản thân.
Năm 1956, tôi thi đậu vào khóa đào tạo kỹ sư điện tử đầu tiên của Đại học Tokyo. Khóa chỉ có 6 sinh viên, gồm 5 người Nhật và tôi là người nước ngoài duy nhất.
Nhật Bản từng là quốc gia dẫn đầu thế giới trong chế tạo vi mạch. Giáo sư có cơ duyên như thế nào với lĩnh vực này?
Thực ra không hẳn là “cơ duyên”. Tôi được đào tạo bài bản từ đầu trong lĩnh vực điện tử, đúng lúc Nhật Bản bắt đầu chiến lược quốc gia về phát triển vi mạch quy mô lớn (VL Project). Sau khi lấy bằng Tiến sĩ Khoa học – Công nghệ tại Đại học Tokyo, tôi làm việc cho Tập đoàn Toshiba. Năm 1971, vì lý do gia đình, tôi nghỉ việc để về giảng dạy tại Đại học Khoa học Sài Gòn và sau đó là Viện trưởng Học viện Quốc gia Kỹ thuật (nay là Trường Đại học Bách khoa TP.HCM).
Năm 1976, tôi quay lại Nhật và tiếp tục làm việc tại Toshiba, đúng thời điểm quốc gia này triển khai chiến lược về vi mạch. Ba tháng sau, tôi hoàn tất công trình nghiên cứu về dòng điện transistor MOS và đăng trên Solid-State Electronics – tạp chí khoa học uy tín trong ngành.
Khi Nhật Bản đạt đỉnh cao về chế tạo vi mạch trong hai thập niên (1980–2000), tôi đã góp phần nghiên cứu và giảng dạy, đặc biệt trong lĩnh vực mô hình hóa linh kiện điện tử. Tới nay, Nhật vẫn là quốc gia dẫn đầu trong sản xuất máy móc, vật liệu, hóa chất chế tạo vi mạch: chiếm 75% thị phần toàn cầu.
Gieo hạt giống đỏ cho ngành vi mạch Việt Nam
Sau 40 năm làm việc tại Nhật, vì sao ông quyết định quay lại Việt Nam và không nhận bất kỳ khoản thù lao nào cho công việc giảng dạy, tư vấn?
Quyết định trở về là kết quả của quá trình trao đổi với vợ tôi. Chúng tôi mong muốn những năm tháng sau hưu trí sẽ sống tại quê nhà. Là người đã rời xa đất nước 40 năm, tôi ý thức rằng sự hội nhập trở lại không hề dễ dàng. Nếu không có sự hỗ trợ tận tình của vợ, tôi khó lòng thích nghi.
Tôi về nước không vì danh lợi. Nhờ có lương hưu và một số tích lũy sau gần 30 năm lao động ở Nhật, tôi không phải lo về tài chính. Vì vậy, tôi chọn làm “cố vấn thiện nguyện” trong lĩnh vực vi mạch – tức là cống hiến mà không nhận bất cứ khoản thù lao nào.
.jpg)
Giáo sư là người khởi xướng nhiều chương trình đào tạo vi mạch tại Việt Nam. Những bước tiến hiện nay đã đáp ứng được kỳ vọng của ông chưa?
Tôi tự hào khi cùng các cộng sự tạo dựng nên “bộ ba” gồm: Trung tâm ICDREC, Phòng Nghiên cứu thiết kế và mô phỏng vi mạch, và Chương trình đào tạo sau đại học hướng vi điện tử. Những người chủ chốt tại đây đều do tôi trực tiếp giảng dạy hoặc giúp đỡ đi du học, lấy bằng tiến sĩ tại Nhật, Hàn Quốc, châu Âu.
Tuy nhiên, cả ba đều thuộc phạm vi giáo dục – đào tạo, chưa vươn tới chế tạo vi mạch. Mà để có ngành công nghiệp vi mạch thực thụ, chúng ta không thể chỉ dừng lại ở thiết kế – mà cần cả quy trình chế tạo.
Hiện tại, Việt Nam gần như chưa có kinh nghiệm trong chế tạo vi mạch. Tôi mong các thế hệ kế thừa sẽ dấn thân, vì trong một quy trình hoàn chỉnh, các trường đại học cũng có thể đảm nhiệm một vài công đoạn chế tạo – như mô hình ở Nhật Bản.
Để giấc mơ con chip “made in Vietnam” không còn xa
Việt Nam từng công bố con chip đầu tiên “made in Việt Nam” là SIGMAK3. Đến nay, giấc mơ con chip quốc nội có thực sự được hiện thực hóa không, thưa ông?
Chip SIGMAK3 là thành quả thiết kế đầu tiên của ICDREC gần 20 năm trước, đưa Việt Nam xuất hiện trên bản đồ vi mạch thế giới. Nhưng tôi trăn trở vì đây mới chỉ là bước khởi đầu trong khâu thiết kế, còn chế tạo thì chưa.
Hiện chúng ta chưa có một nhà máy sản xuất vi mạch trong nước. Việt Nam chưa sở hữu năng lực và cơ sở vật chất đủ mạnh để sản xuất chip nội địa. Mặc dù về thiết kế, Việt Nam không thua kém ai – thậm chí đang thiết kế cả chip trí tuệ nhân tạo (AI) – nhưng vẫn thiếu hạ tầng cho chế tạo.
Chúng ta đã chậm hơn thế giới 50 năm. Nếu muốn rút ngắn, có hai con đường: mua công nghệ và đào tạo nhân lực 100%; hoặc hợp tác quốc tế – tức là học thông qua chuyển giao công nghệ. Dù cách nào, cũng cần thời gian, chiến lược và quyết tâm lâu dài.
Theo Giáo sư, để hiện thực hóa giấc mơ công nghiệp vi mạch Việt Nam, điều gì là quan trọng nhất?
Tôi vẫn nói: Chúng ta thiếu truyền thống hợp tác ba nhà. Nếu không có sự chung tay giữa Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp, thì mọi nỗ lực chỉ dừng lại ở mức cá nhân.
Hiện nay, Nhà nước đã thể hiện vai trò, điều đó rất đáng mừng. Tuy nhiên, việc định hướng phát triển ngành vi mạch cần bắt đầu từ nhu cầu thiết yếu trong nước. Với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam có thị trường nội địa lớn cho các sản phẩm công nghiệp, kể cả bán dẫn.
Tôi đã quá tuổi để trực tiếp làm nhiều hơn, nhưng vẫn nuôi hy vọng thế hệ sau sẽ tiếp tục con đường này – để một ngày không xa, Việt Nam có thể chế tạo được chip “made in Vietnam” đúng nghĩa, vươn lên trở thành quốc gia có chủ quyền công nghệ.
Giữ lửa nghề bằng sự gương mẫu và lòng tự hào dân tộc
“Trong giới trẻ, có rất nhiều người tâm huyết, tràn đầy năng lượng tích cực. Chỉ là đôi khi họ chưa có cơ hội thể hiện nên ta chưa nhìn thấy. Nếu chúng ta chỉ nhìn vào đám đông với con mắt tiêu cực, thì sẽ thấy nhiều điều tiêu cực – điều này nước nào cũng có. Nhưng giữa đám đông ấy, vẫn luôn có những người nổi bật. Vì vậy, đừng bi quan.
Tôi tin rằng, chỉ cần mình sống có lý tưởng, làm gương một cách kiên định thì tự nhiên sẽ có người noi theo. Đó là cách tốt nhất để giữ lửa và truyền lửa cho thế hệ sau.
Bản thân tôi đã dành cả tuổi thanh xuân và tráng niên ở nước ngoài. Nay về hưu, tôi trở về quê cha đất tổ, chỉ mong góp chút sức nhỏ bé để phát triển TP.HCM, đóng góp cho đất nước.
Với tôi, điều có thể khơi dậy và nuôi dưỡng bầu nhiệt huyết tuổi trẻ chính là lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Việt Nam không nhỏ, dân đông, lực lượng lao động trẻ rất sung sức và thông minh. Lại có lịch sử 4000 năm oai hùng. Nhìn ra thế giới, có mấy quốc gia sở hữu nền văn hiến lâu đời như vậy? Chính niềm tự hào dân tộc ấy là ngọn lửa giúp người Việt Nam luôn sẵn sàng cống hiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Một gia đình gắn bó trọn đời với đất nước
Bà Trần Thị Ánh Xuân - phu nhân của GS.TS Đặng Lương Mô - từng tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn rất trẻ. Năm 2024, bà được trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Sau khi nghỉ hưu sớm ở tuổi 40, bà theo chồng sang Nhật Bản.

“Khi thấy chồng luôn đau đáu mong muốn trở về đóng góp cho đất nước, tôi - với tư cách một đảng viên, lại là con liệt sĩ - cũng luôn nghĩ đến trách nhiệm của mình. Chúng tôi quyết định trở về, cùng nhau đóng góp phần nhỏ bé cho quê hương. Năm 2002, có lẽ chúng tôi là một trong những gia đình trí thức đầu tiên từ Nhật quay lại quê nhà để cống hiến” - bà Ánh Xuân chia sẻ.
Hiện nay, vợ chồng GS.TS Đặng Lương Mô sống trong một ngôi nhà nhỏ, yên tĩnh tại quận Gò Vấp, TP.HCM. Con trai của ông bà hiện công tác tại Khoa Khoa học Ứng dụng - Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM). Anh cũng nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Hokkaido (Nhật Bản) vào năm 2014.