Bên cạnh thời trang, Ngô Thái Uyên còn dành thời gian cho hội họa, trình diễn nghệ thuật sắp đặt (performance art)... Không chỉ trong công việc Ngô Thái Uyên mới nhập cuộc với lòng nhiệt tình, niềm đam mê và sức sáng tạo dồi dào mà ngay cả trong vai trò một người mẹ, cô cũng vậy... Cô đã chia sẻ việc chăm sóc và nuôi dạy hai bé Coco (5 tuổi) và Gi Pi (3 tuổi):
Thời gian đầu làm mẹ, Uyên rất ít nói chuyện với con, vì cảm giác mắc cỡ khi bé chưa biết nói, mẹ như độc thoại một mình, không biết con có hiểu những gì mình nói với bé không. Nhưng đến bé thứ hai thì Uyên đã quen và cảm thấy thích thú khi trò chuyện với con, nhìn những phản ứng chứng tỏ bé nghe mình nói, Uyên thấy hạnh phúc. Trong quá trình nuôi con, Uyên nhận ra, mỗi đứa trẻ có một cá tính khác nhau, có sự phát triển về tâm lý từng ngày. Vì thế, bé càng nhỏ bố mẹ càng phải quan tâm chăm sóc, để ý cả đến sở thích của bé. Từ ngày có con, Uyên quan tâm và áp dụng những kiến thức khoa học để nuôi dạy con. Giờ đây Uyên đã biết cách sơ cứu cho trẻ, biết khi nào cần đến sự giúp đỡ của bác sĩ...
- Chị thường gọi con là “hai người bạn nhỏ”. Dù chỉ là cách gọi nhưng cũng phần nào thể hiện quan điểm nuôi con của chị, phải không?
Đúng thế. Uyên nghĩ, làm bạn với con là cách tốt nhất để có thể hiểu và chia sẻ với con được nhiều thứ. Uyên không ép con theo ý mình mà phải biết cách nương theo con mà uốn. Trong chuyện ăn uống con thích ăn gì thì mẹ cho ăn nấy. Nếu hôm nay ăn ít thì hôm sau bù theo nhu cầu của bé chứ không ép. Chẳng hạn như Gi Pi lúc mới ăn dặm thích ăn thức ăn theo khẩu vị của người lớn, và nếu không muốn ăn thì thường giả vờ ọe ra, nếu bị người lớn ép ăn thêm thì sẽ ọe ra thật. Còn chuyện vui chơi thì mẹ luôn đáp ứng mong muốn nhưng không để mất kiểm soát. Trong việc học, Uyên không cần lúc nào con cũng phải đứng đầu, cũng không muốn con phải nhồi nhét hết tất cả kiến thức mà thầy cô dạy vào đầu mà nên chuyên sâu vào một môn sở trường của bé, chấp nhận điểm số không cao.
- Làm bạn với con cũng hay..., nhưng nếu bé bướng bỉnh, không chịu nghe lời mẹ thì chị phải làm sao?
Trẻ con không phải lúc nào cũng tiếp thu được những lời khuyên của người lớn vì chúng hiếu động và không chịu ngồi nghe mình nói những điều xa vời. Phải chọn thời điểm thích hợp như lúc bé vui, được cha mẹ ôm vào lòng... để chia sẻ những điều cha mẹ cảm nhận trong những việc chưa đúng của các con. Uyên thấy nếu mình kiên nhẫn và nhẹ nhàng hơn thì bé không trở nên quá khích khi không hài lòng. Sự nóng giận, quát mắng sẽ phản tác dụng. Uyên luôn cố gắng tránh cáu gắt với con vì con là tấm gương phản chiếu đời sống của mình, mình cáu giận chính là dạy con thói cáu giận, chúng sẽ sử dụng trong đời sống, thậm chí sử dụng tính xấu ấy để cư xử với mình. Chính “hai người bạn nhỏ” đã dạy Uyên tính nguyên tắc - đã hứa với bé là phải thực hiện, sai phải xin lỗi. Sự tôn trọng nhau này rất quan trọng vì bé sẽ hình thành ý thức có trách nhiệm với việc mình làm.
- Chọn đồ chơi cho trẻ luôn là vấn đề khó với các bậc phụ huynh, chị có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc này?
Trẻ con chưa biết phân định được đâu là món đồ chơi ưa thích mà chỉ thích những gì đập vào mắt của bé. Vì thế, bố mẹ bắt buộc phải nâng cấp món hàng đó lên làm kích thích sự tò mò, thích khám phá của bé. Thông qua đồ chơi, ta giúp trẻ phát triển trí tuệ. Đồ chơi của Coco và Gi Pi đều được chọn trên nguyên tắc đó. Coco rất thích xe hơi. Mỗi lần mẹ mua xe cho bé là mỗi lần khác sắc độ về màu, ví dụ như: hôm nay mua một chiếc xám, thì lần sau mua một chiếc xanh xám, sau nữa thì xanh đậm hoặc xanh đen... Kết hợp với sở thích này của bé, mẹ giúp bé học đếm cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, rồi tên của các loại xe. Coco cũng thích sử dụng máy tính chơi các chương trình học chữ, đếm số từ lúc 3 tuổi. Bé cũng thích xem truyền hình nhưng chỉ dừng lại ở những chương trình có yếu tố bất ngờ, sự hài hước và có thể học hỏi về số. Uyên hay vẽ cùng con, làm những món đồ thủ công xinh xắn để giúp bé phát triển kỹ năng sử dụng tay, biết cách phân định màu. Ngoài ra, việc cho bé tập luyện một môn thể thao là cần thiết để bé vừa khỏe vừa năng động.
- Chị khá bận rộn với công việc, vậy thời gian đâu để vào bếp hay chơi đùa với con?
Đúng là tôi không có nhiều thời gian nhưng tôi rất thích vào bếp, nấu nướng cho ba mẹ con. Tuy nhiên, không phải ngày nào tôi cũng chuẩn bị đủ các món cơm canh theo kiểu người Việt. Sẽ có ngày tôi nấu một món Tây, cũng có bữa ba mẹ con cùng đi ăn bên ngoài. Tôi phải tranh thủ tối đa quỹ thời gian mình có để làm việc, đọc, vẽ, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con... Việc gì cũng phải cố gắng giải quyết để dư ra 5 - 10 phút chơi với con. Hai bé con của tôi là những đứa trẻ hiếu động, nhiều sáng tạo nên thường làm mẹ bất ngờ.
- Chị có cho các bé tham gia các lớp học múa, người mẫu, văn nghệ?
Cho các bé tham gia các sinh hoạt ngoại khóa về văn thể mỹ là rất tốt. Tuy nhiên, phụ huynh thường có tâm lý chạy theo phong trào mà không quan tâm đến việc phát triển tư duy và cảm nhận nghệ thuật của trẻ... Các kỹ năng biểu diễn là cần thiết cho bé trở nên dạn dĩ hơn nhưng cũng dễ có tác động xấu khi bé bị áp lực phải tranh đấu và thể hiện tài năng. Hiện nay, tại trung tâm SaSa ở Phú Mỹ Hưng, nơi chương trình ADDiN của Uyên đang triển khai thì các môn học văn thể mỹ này luôn kết hợp cùng các môn khác. Ví dụ như: bé học múa thì có thể học luôn cả thiết kế trang phục múa cho chính mình. Đây là một cách đưa tư duy vào việc học thể mỹ thông thường... Sở thích của trẻ sẽ luôn thay đổi vì thế trẻ có thể tham gia học nhiều môn nghệ thuật vào những thời điểm khác nhau nhưng đừng bao giờ tạo áp lực cho bé phải đạt được thành tích. Vì nghệ thuật là cảm nhận, hãy tạo cho con bạn cơ hội được cảm nhận thế giới và để chính bé chọn cho mình niềm đam mê thực thụ.
NGỌC ÁI thực hiện