Y học

Nghiên cứu tim mạch và da liễu trong kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo

Y Nguyên 12/08/2023 - 17:21

Những đóng góp của trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực khoa học sức khỏe, những băn khoăn, thách thức đặt ra trong Hội thảo Quốc tế Mùa hè 2023 “Nghiên cứu Tim mạch & Da liễu trong Kỷ nguyên Trí tuệ Nhân tạo”

Trong những năm gần đây, sự tiến bộ của các công nghệ học máy và trí tuệ nhân tạo đã đưa đến những cải tiến nhanh chóng trong khả năng tiếp cận và hiệu quả của các phương pháp chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa trong lĩnh vực y học.

Những đóng góp của trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực khoa học sức khỏe, những băn khoăn, thách thức đặt ra đã được thể hiện một cách rõ nét trong Hội thảo Quốc tế Mùa hè 2023 “Nghiên cứu Tim mạch & Da liễu trong Kỷ nguyên Trí tuệ Nhân tạo” do Khoa Y ĐHQG-HCM và Tập đoàn HnBGenomics (Hàn Quốc) phối hợp tổ chức vào ngày 12/8 tại TP.HCM với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, bác sĩ, giảng viên đến từ các trường đại học, các bệnh viện uy tín trong nước và quốc tế.

hoi-thao-quoc-te-nghien-cuu-tim-mach-va-da-lieu-trong-ky-nguyen-ai-3.jpg
GS.TS.BS. Đặng Vạn Phước, Trưởng khoa Khoa Y ĐHQG-HCM, Trưởng Ban tổ chức phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS.BS. Đặng Vạn Phước, Trưởng khoa Khoa Y ĐHQG-HCM, Trưởng Ban tổ chức cho biết: “Trong khuôn khổ 2 ngày làm việc, hội thảo sẽ lắng nghe nhiều bài tham luận đáng suy ngẫm, bao gồm một loạt các chủ đề đa dạng, từ ứng dụng học máy trong y tế đến trí tuệ nhân tạo trong hình ảnh y học, y học chính xác trong da liễu, di truyền tim mạch và nhiều hơn thế nữa. Các diễn giả có uy tín sẽ chia sẻ những nghiên cứu, quan điểm đổi mới tiên tiến, cung cấp những kiến thức quý giá. Và tôi tin rằng Hội thảo quốc tế mùa hè 2023 về Khoa học Thông tin Y học sẽ trở thành một trải nghiệm đầy cảm hứng và kích thích trí tuệ cho chúng ta”.

Theo GS.Phước, đầu tiên và quan trọng nhất, học máy đóng vai trò rất lớn trong phân tích hình ảnh y học. Bằng cách phân tích dữ liệu hình ảnh từ các loại X-quang, MRI, CT scan và các phương pháp hình ảnh khác, các thuật toán học máy có thể nhận diện và dự đoán các bệnh như khối u và ung thư.

hoi-thao-quoc-te-nghien-cuu-tim-mach-va-da-lieu-trong-ky-nguyen-ai-4(1).jpg
TS. Hong Jeonghan đến từ công ty HnBGenomics (Hàn Quốc) chia sẻ vai trò của Trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích hình ảnh y học.

“Các thuật toán AI đã thể hiện hiệu suất đáng kinh ngạc trong việc phát hiện và phân loại các bất thường trong hình ảnh y học, bao gồm các phương pháp hình ảnh bức xạ, histopathological và phân tử. Chúng hỗ trợ việc phát hiện sớm các bệnh như ung thư, bệnh tim mạch và rối loạn thần kinh, dẫn đến những biện pháp can thiệp kịp thời và cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân”, TS. Hong Jeonghan đến từ công ty HnBGenomics (Hàn Quốc), nhấn mạnh.

Sự xuất hiện của Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đã mang đến những cải tiến cách mạng cho lĩnh vực công nghệ gen. Theo PGS. Andrew Landstrom đến từ Trường Y, Đại học Duke (Hoa Kỳ): “Các bệnh tim mạch, bao gồm các khuyết tật tim bẩm sinh, loạn nhịp tim, bệnh cơ tim và rối loạn chuyển hóa di truyền, thường có cơ sở di truyền. Các tiến bộ trong công nghệ genôm, chẳng hạn như xét nghiệm chuỗi hạt tiếp theo và xác định di truyền thông qua công nghệ cao, đã hỗ trợ rất lớn trong việc xác định các biến thể di truyền liên quan đến bệnh, cho phép khám phá các liên hệ giữa di truyền – triệu chứng và phát triển các mô hình dự đoán về độ nhạy cảm cũng như tiên lượng bệnh; từ đó mang lại ý nghĩa phát hiện sớm, đánh giá rủi ro cá nhân và can thiệp điều trị nhắm mục tiêu”.

Đối với các bệnh da, Gen học đã trở thành một công cụ mạnh mẽ trong việc hiểu biết về cơ sở di truyền của các bệnh da khác nhau. Chia sẻ về những tiến bộ này, TS. Bùi Chí Bảo (Khoa Y ĐHQG-HCM) cho hay “Các tiến bộ trong công nghệ gen học, chẳng hạn như trình tự genom toàn phần, trình tự exome và nghiên cứu liên kết di truyền trên toàn cầu (GWAS), đã cho phép xác định các biến thể gen liên quan đến bệnh da. Những khám phá này đã làm sáng tỏ cơ chế sinh bệnh, cung cấp các chỉ số sinh học cho tiến triển bệnh, phản hồi điều trị và dự đoán nguy cơ”.

Mặc dù gen học, học máy hay tiềm năng của Biomedical Image AI là rất lớn, tuy nhiên các nhà khoa học tại hội thảo cho rằng vẫn còn nhiều thách thức. Những xem xét đạo đức, mối quan tâm về quyền riêng tư và sự cần thiết của tính minh bạch và khả năng giải thích của thuật toán AI đòi hỏi sự chú ý cẩn thận. Sự tích hợp của AI vào luồng công việc lâm sàng, xác nhận của các thuật toán AI và các khung pháp luật là rất quan trọng để thực hiện thành công.

hoi-thao-quoc-te-nghien-cuu-tim-mach-va-da-lieu-trong-ky-nguyen-ai-2.jpg
Đông đảo các nhà khoa học tham gia hội thảo.

Với chủ đề xuyên suốt về khoa học thông tin trong y học, hội thảo còn có rất nhiều bài tham luận có giá trị thực tiễn cao như:
Nhận biết rối loạn da di truyền tại các phòng khám da liễu; Y học chính xác trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý kênh tim; Hệ thống phân tích meta bộ gen AI; Tính khả thi của y học từ xa dựa trên AI và các ứng dụng của MEQUY; Nghiên cứu bộ gen trong các bệnh ngoài da… của các bác sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực như: TS.BS. Nguyễn Trọng Hào – Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TPHCM, PGS.TS. Trần Minh Triết – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM kiêm Viện trưởng Viện John von Neumann;  TS. Lê Văn Vinh – Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM; ThS.BS. Võ Quang Đỉnh – ĐH Y Dược TPHCM; Ông Hamanaka Yasuharu (CEO công ty Hamanaka Leabio).

Trong khuôn khổ hội thảo, chương trình tập huấn thú vị và bổ ích về Trí tuệ nhân tạo (AI) được tổ chức từ 9:00 – 16:00 ngày 13/8/2023 tại Phòng 606, Nhà Điều hành ĐHQG – HCM, khu phố 6, phường Linh Trung, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu tim mạch và da liễu trong kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO