Dòng chảy

Nghệ thuật Lân, Sư, Rồng được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Thành Minh30/03/2025 17:57

Sáng 30/3, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tổ chức Lễ Công bố quyết định về việc Nghệ thuật Lân, Sư, Rồng của người Hoa ở TP.HCM được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và Công bố quyết định xếp hạng 7 di tích lịch sử - văn hóa cấp TP, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

pct2.jpeg
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM Nguyễn Mạnh Cường và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy trao Quyết định, Giấy chứng nhận Nghệ thuật Lân, Sư, Rồng của người Hoa ở TP.HCM được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia cho các đại biểu đại diện Đoàn Lân Sư Rồng người Hoa ở TP.HCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đến tham dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM Nguyễn Mạnh Cường; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Thành ủy Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Thị Diệu Thúy; Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Trần Thế Thuận; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Nguyễn Thị Kim Thúy.

Nghệ thuật Lân, Sư, Rồng là một hình thức nghệ thuật trình diễn đặc trưng của người Hoa tại TP.HCM thể hiện giá trị tinh thần, giáo dục, trao truyền văn hóa truyền thống cùng nhiều giá trị khác. Ba linh vật: Lân, Sư, Rồng mang tính thần thoại, đại diện cho mong ước thịnh vượng, may mắn, xua đuổi điềm xấu, thường được biểu diễn trong các lễ hội, Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, ngày khai trương, động thổ... Việc Nghệ thuật Lân, Sư, Rồng được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia thể hiện sự đa dạng các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tại TP.HCM.

Như vậy, TP.HCM hiện có 7 Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, trong đó có các di sản tiêu biểu như: Ca trù và Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ (được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại), Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ, Tết Nguyên Tiêu Quận 5, Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Ông Tả quân Lê Văn Duyệt, Vovinam – Việt Võ Đạo và Nghệ thuật Lân, Sư, Rồng (được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia).

Tại chương trình, thành phố cũng công bố Quyết định công nhận 7 công trình, địa điểm là Di tích lịch sử - văn hóa.

Trong đó, 3 di tích lịch sử là các đình làng trên địa bàn TP Thủ Đức, gồm: Di tích lịch sử Đình Thần An Khánh (phường Thủ Thiêm), Di tích lịch sử Đình Thần Long Bình (phường Long Bình) và Di tích lịch sử Đình Thần Long Hòa (phường Long Thạnh Mỹ). Các di tích này không chỉ mang phong cách kiến trúc nghệ thuật đặc trưng của đình làng Nam bộ, mà còn là địa điểm gắn với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

4 công trình di tích được công nhận khác gồm: Di tích kiến trúc nghệ thuật chợ Tân Định (phường Tân Định, quận 1), Di tích kiến trúc nghệ thuật Trường Đại học Sài Gòn (phường 2, quận 5), Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Mariamman (phường Bến Thành, quận 1) và Di tích kiến trúc nghệ thuật Trường THPT Trưng Vương (phường Bến Nghé, quận 1).

Với 7 công trình, địa điểm được công nhận lần này, tính đến nay, TP.HCM có 200 địa điểm, công trình di tích lịch sử, văn hóa, bao gồm: 2 di tích quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử), 58 di tích quốc gia (gồm 2 di tích khảo cổ học, 32 di tích kiến trúc nghệ thuật, 24 di tích lịch sử), 140 di tích cấp thành phố (86 di tích kiến trúc nghệ thuật, 54 di tích lịch sử).

Trong số đó, có 79 di tích lịch sử liên quan đến quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ thuật Lân, Sư, Rồng được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO