Đời sống

Ngắm 87 bảo vật quốc gia Phật giáo tại Đại lễ Vesak 2025

Võ Liên - Ngọc Duy 07/05/2025 - 18:52

Nhiều đại biểu, Phật tử có cơ hội ngắm 87 bảo vật quốc gia Phật giáo Việt Nam được phỏng dựng chi tiết và đầy trang nghiêm tại Triển lãm văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Triển lãm "Văn hóa Phật giáo Việt Nam" là hoạt động nằm trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, tổ chức tại Học viện Phật giáo Việt Nam (huyện Bình Chánh, TP.HCM).

trien-lam-vesak-87-1.jpg
Điểm nhấn của triển lãm là thông tin 87 bảo vật quốc gia thuộc Phật giáo Việt Nam lần đầu được giới thiệu đến các đại biểu, Phật tử

Triển lãm là nơi trưng bày thông tin, mô hình, hình ảnh 87 bảo vật quốc gia về Phật giáo Việt Nam, bao gồm: tượng thờ, pháp khí, kinh sách cổ, mộc bản, phù điêu… Trong đó, có 20 phiên bản là tượng Phật, được tái hiện với tỷ lệ nhỏ hơn 50-70%.

Hòa thượng Thích Hải Ấn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam - chia sẻ triển lãm lần này là nơi nghệ thuật, lịch sử và tâm linh gặp nhau, thắp sáng lên chiều sâu trí tuệ và mỹ học của Phật giáo Việt Nam, trong dòng chảy của nền văn minh nhân loại.

Kiến trúc sư Đinh Việt Phương - người phụ trách thiết kế mặt đất cho không gian triển lãm trong khuôn khổ Đại lễ Vesak 2025 - cho biết ban tổ chức đã có sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng với kế hoạch chi tiết và yêu cầu cao về nội dung, đặc biệt là đối với 87 hiện vật thuộc danh mục bảo vật quốc gia được giới thiệu tại triển lãm lần này.

"Do phần lớn các hiện vật là nguyên gốc, không thể di chuyển khỏi chùa hoặc nơi lưu giữ, nên toàn bộ hiện vật trưng bày đều là bản mô phỏng hoặc ảnh chụp. Tuy nhiên, các hiện vật này vẫn truyền tải trọn vẹn giá trị tinh thần và nghệ thuật, góp phần giúp công chúng hiểu sâu sắc hơn về di sản Phật giáo Việt Nam", Kiến trúc sư Đinh Việt Phương cho biết.

z6573409443775_b2b5ffe0686cb296bcac0d4e028656e1.jpg
Triển lãm là nơi trưng bày các giá trị Phật giáo tiêu biểu đã được Nhà nước công nhận là Bảo vật Quốc gia cùng hệ thống hình ảnh tư liệu và trích đoạn giới thiệu về giá trị Bảo vật Quốc gia liên quan đến Phật giáo.
trien-lam-vesak-87.jpg
Tượng Tuyết Sơn tại chùa Mía (làng cổ Đường Lâm, Hà Nội) là một tác phẩm điêu khắc Phật giáo đặc sắc, tái hiện giai đoạn tu khổ hạnh của Thái tử Tất Đạt Đa trên dãy Hy Mã Lạp Sơn trước khi giác ngộ thành Phật.
Hình tượng Đức Phật được khắc họa trong tư thế ngồi bất đối xứng: một chân gấp ngang, một chân chống, thân hình gầy gò, hiện rõ các đường nét xương và cơ thể khắc khổ. Trang phục chỉ là mảnh áo khoác hờ, làm lộ rõ sự tiều tụy của thể xác, thể hiện sâu sắc tinh thần dấn thân tu hành và ý chí vượt qua khổ đau của Đức Phật. Tuy nhiên, phần đầu tượng lại là một khối căng tròn, gương mặt tuy xương xu nhưng ánh lên nội lực mạnh mẽ, phản ánh sự chuyển hóa nội tâm từ khổ hạnh đến giác ngộ. Nghệ thuật tạo hình với các nếp gấp áo, khối lõm thân thể và cấu trúc khung xương đã khắc họa chân thực một giai đoạn đầy thử thách trong hành trình tu tập của Đức Thích Ca.
trien-lam-vesak-87-4.jpg
Phiên bản Bộ tượng Tam Thế ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh).
trien-lam-vesak-87-5.jpg
Tượng Quan âm Thiên thủ thiên nhãn chùa Báo Ân từng được tạc vào thế kỷ 19, cùng thời điểm với việc xây dựng chùa Báo Ân – một trong những ngôi chùa lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ.
trien-lam-vesak-87-2.jpg
Bên cạnh các bảo vật, triển lãm còn tái hiện không gian văn hóa Phật giáo Việt Nam thông qua nhạc cụ truyền thống, pháp phục, trà đạo, sắc phong, kinh sách, tranh ảnh…
trien-lam-vesak-87-9.jpg
Ba pho tượng Tam Thế ở chùa Linh Ứng (Bắc Ninh), thế kỷ 17, công nhận bảo vật Quốc gia năm 2013. Các tượng được tạo tác cùng chất liệu bằng đá xanh, nặng khoảng vài tấn. Sự độc đáo thể hiện ở phần bệ tượng với kiểu dáng và những mô típ hoa văn trang trí kế thừa nghệ thuật thời Trần và thời Lê Sơ và Mạc.
trien-lam-vesak-87-6.jpg
Bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông. Tượng được tạc ở tư thế thiền buông thư, kiểu ngồi bán kiết già, bàn chân trái đặt lên đùi phải, lòng bàn chân ngửa lên. Tượng được thể hiện với gương mặt thanh tú, tai to, trán rộng, cổ cao nhiều ngấn; các nếp áo quần chồng xếp mềm mại, uyển chuyển; họa tiết hoa văn trên vạt áo gấu quần chi tiết và sắc nét. Tượng đặt trên một bệ hình chữ nhật kiểu sập chân quỳ dạ cá.
Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông và tháp Huệ Quang biểu trưng mạnh mẽ cho sức sống của Phật giáo Trúc Lâm, Phật giáo Việt Nam, luôn đề cao tinh thần nhập thế với tư tưởng vui đạo giữa đời, hòa quang đồng trần.
trien-lam-vesak-87-7.jpg
Mỗi không gian trưng bày không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn hàm chứa tâm hồn, phong tục và bản sắc dân tộc. Không gian trưng bày góp phần khơi dậy tình yêu quê hương, gìn giữ nét đẹp văn hóa cổ truyền và tăng cường kết nối tinh thần Phật pháp trong đời sống hiện đại.
z6573409523767_0cffd26f9cc7f8a62b6a338ee72f0198.jpg
Phiên bản tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp (tỉnh Bắc Ninh), có niên đại khoảng thế kỷ 17. Tượng Phật nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp được làm bằng gỗ, cao 235 cm. Tượng ngồi trong tư thế thiền định, có 11 mặt chính nhìn ra phía trước và 2 mặt phụ ở 2 bên, đầu đội mũ "thiên quan". Đầu tượng tạo thành nhiều lớp, trên cùng là tượng A Di Đà ngồi trên tòa sen trong tư thế thiền định.
Tượng có 42 cánh tay lớn, các cánh tay để trần, các bàn tay trong tư thế ấn quyết và thiền định, các vòng cánh tay phụ tạo thành một vòng tròn lớn đặt rời phía sau tượng (gồm 789 cánh tay) trong mỗi bàn tay có 1 con mắt. Phật ngồi trên tòa sen hồng được trang trí hoa văn: sóng nước, rồng mây... Bệ tượng hình rồng đội đài sen. Tượng Phật nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp được coi là một tác phẩm độc nhất vô nhị trong nghệ thuật Phật giáo nói riêng và nghệ thuật tạo hình nói chung của Việt Nam thế kỷ 17.
trien-lam-vesak-87-3.jpg
Tại không gian triển lãm còn trưng bày kinh sách, mộc bản, pháp khí, nhạc cụ...
img_1858-1-.jpg
Phiên bản tháp thời Lý được phỏng dựng dựa trên các tư liệu khảo cổ học, tư liệu lịch sử, kế thừa những công trình của người đi trước, mở rộng thêm các kiến giải mới, đồng thời ứng dụng công nghệ 3D trong quá trình nghiên cứu, phỏng dựng.
Tháp được vị hoàng đế thứ ba của nhà Lý (Lý Thánh Tông) xây năm 1057 - 1066 tại chùa Vạn Phúc núi Tiên Du (nay là chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), trong lòng tháp đặt "pho tượng mình vàng cao 6 thước".
Phiên bản tháp có bình đồ hình vuông, gồm 13 tầng, kết cấu lõi gạch ốp đá trang trí. Để tháp mang hình dáng núi Tu Di, trên tòa sen nghìn cánh mọc lên ngôi tháp báu, như sự ứng hiện của chư Phật.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngắm 87 bảo vật quốc gia Phật giáo tại Đại lễ Vesak 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO