Giáo dục

Nâng cao hiệu quả gắn kết doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học

HOÀNG NGUYỄN 06/08/2024 - 12:27

Chất lượng nguồn nhân lực là một trong những vấn đề cốt lõi giúp doanh nghiệp nói riêng, xã hội nói chung phát triển bền vững, đặc biệt là nhân lực thông qua đào tạo ở bậc đại học và cao đẳng. Học đi đôi với hành, việc gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học rất quan trọng, giúp đáp ứng được yêu cầu của xã hội và thị trường lao động.

Khó khăn vướng mắc từ chủ quan, khách quan

Đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp đang là xu hướng của nhiều cơ sở giáo dục hiện nay nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng đúng yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Từ đó, góp phần tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc hợp tác giữa nhà trường và các doanh nghiệp vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. ThS. Trần Văn Tú, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM cho biết, những khó khăn, vướng mắc do những yếu tố cả chủ quan và khách quan, đến từ cả 2 phía cơ sở giáo dục và doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục chưa chủ động hoặc còn khó khăn trong việc tìm kiếm doanh nghiệpđể hợp tác trong đào tạo; có những đơn vị còn chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động thực hành, thực tập của giảng viên, học sinh, sinh viên tại doanh nghiệp; chương trình giảng dạy chưa đổi mới kịp thời, chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và xã hội,…

“Các doanh nghiệp cũng còn chủ yếu tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh và chưa nhìn nhận đầy đủ, quan tâm đúng mức trong việc phối hợp cùng các cơ sở giáo dục thực hiện việc đào tạo; cơ chế chính sách, hành lang pháp lý chưa đầy đủ, hoàn thiện, đồng bộ để điều chỉnh cho hoạt động này mà phụ thuộc vào sự chủ động của nhà trường và doanh nghiệp…”, ThS. Trần Văn Tú nói.

4.truong-cdkt-nhan-gcn-cldt-logistics.jpg
Đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp trong đào tạo, Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM trở thành trường cao đẳng đầu tiên đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo nghề Logistics, năm 2023.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đặng An Long, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM nhìn nhận: “Những vướng mắc này không được tháo gỡ thì chính cơ sở giáo dục và các em học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng, chịu thiệt nhiều nhất. Nếu không đổi mới chương trình đào tạo, không phù hợp với thực tế thì nhà trường không thể phát triển được và chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực cũng không đáp ứng được nhu cầu xã hội. Từ đó, nhà trường cũng sẽ gặp khó khăn trong việc tuyển sinh đầu vào, chỉ tiêu tuyển sinh chưa cao hoặc không đạt được chỉ tiêu. Ngoài ra, việc liên kết đào tạo với doanh nghiệp, đưa sinh viên thực hành và thực tập tại doanh nghiệp còn là yếu tố quan trọng để các cơ sở giáo dục đạt các chuẩn kiểm định cần thiết hiện nay”.

ts-an-long.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Đặng An Long, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM.

Do đó, việc nâng cao hiệu quả gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là việc cần thiết và cấp bách của công tác đào tạo nhân lực để đáp ứng cho nhu cầu phát triển.

Nhà trường đổi mới, sáng tạo trong liên kết doanh nghiệp

TS. Nguyễn Đặng An Long cho rằng, để gỡ những vướng mắc này, các cơ sở giáo dục phải nhận rõ những hạn chế tồn tại, từ đó nghiêm túc tìm cách khắc phục và đổi mới, sáng tạo trong liên kết doanh nghiệp. Đầu tiên, nhà trường phải chủ động hợp tác theo đơn đặt hàng đào tạo đạt chuẩn đầu ra theo yêu cầu của doanh nghiệp. Nhà trường không thể trông chờ các doanh nghiệp tìm đến để “đặt hàng” đào tạo mà phải chủ động xây dựng kế hoạch hợp tác, lựa chọn các doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực phù hợp và thiết kế các nội dung đào tạo phù hợp với đơn đặt hàng của các doanh nghiệp.

Từ đó tiếp cận, thuyết phục và vạch ra các nội dung hợp tác theo hướng thuận lợi cho 2 bên khi phối hợp. Cách làm này không chỉ bảo đảm đầu ra cho sinh viên mà còn góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là cơ hội cho các sinh viên vừa làm thêm tạo thu nhập trang trải học tập, cuộc sống, vừa có cơ hội tiếp cận công việc cụ thể, nhà trường cũng cần xem xét điều chỉnh lại chương trình đào tạo cho phù hợp với yêu cầu của xã hội.

2.sinh-vien-thuc-hanh-logistics.jpg
Sinh viên ngành logistics Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM thực hành.

TS. An Long cho rằng, các cơ sở giáo dục cần đổi mới hợp tác thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; hợp tác trong việc thực tập có trả lương của các doanh nghiệp với phương châm “Doanh nghiệp cũng là trường học, hay nói cách khác, chính là nơi thực hành của nhà trường”. Đơn cử, Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM đã nắm bắt tâm lý của các đơn vị tuyển dụng và xây dựng chương trình học thực hành 70% tại doanh nghiệp. Cùng với doanh nghiệp tổ chức giảng dạy và thực tập một số môn học của các ngành đào tạo tại trường bằng cách đưa sinh viên học thực tế tại các doanh nghiệp. Qua đó, đã góp phần giải quyết được vấn đề nan giải của sinh viên hiện nay là thiếu kỹ năng và kiến thức thực tế.

Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục cần tăng cường hợp tác giữa các nhà trường và doanh nghiệp bằng cách mời người của doanh nghiệp tham gia vào quá trình giảng dạy, huấn luyện, hướng dẫn thực hành trong quá trình đào tạo. Việc liên kết với doanh nghiệp trong quá trình chuyển giao sản phẩm của nhà trường cho doanh nghiệp (đào tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học, quy trình sản xuất thử,…) là việc cần thiết và cấp bách. Vì vậy, nhà trường cần thiết lập bộ phận chuyên trách đảm nhận.

3.sv-thuc-tap.jpg
Sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM thực hành tại Khách sạn Oscar Sài Gòn.

Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát huy vai trò của doanh nghiệp

Từ thực tế đào tạo và hợp tác của đơn vị, ông Huỳnh Minh Thắng, Trưởng ban tổ chức Đảng ủy Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn cho rằng, để thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, đòi hỏi cần có những chính sách khuyến khích của nhà nước. Cơ quan quản lý nhà nước cần đổi mới và tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường, theo 3 khía cạnh: định hướng, khuyến khích và hỗ trợ. Các tỉnh, thành cần có trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, riêng TP.HCM cần phát huy vai trò của trung tâm dự báo nguồn nhân lực để có sự phối hợp với các ngành ở địa phương và có sự tham gia của nhà trường và doanh nghiệp để đảm bảo sự gắn kết đào tạo và sử dụng nguồn lao động. Cơ sở giáo dục cần chủ động với phương châm “đào tạo những gì xã hội cần chứ không đào tạo những gì nhà trường có” và cụ thể hóa kế hoạch hợp tác lâu dài với doanh nghiệp.

5.be-giang.jpg
TS. Nguyễn Đặng An Long, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM và ông Lê Văn Bình, Giám đốc Khách sạn Oscar Sài Gòn trao chứng nhận hoàn thành khóa thực hành cho sinh viên.

Đồng quan điểm, ông Lê Văn Bình, Giám đốc Khách sạn Oscar Sài Gòn – đơn vị có nhiều hợp tác với các trường tại TP.HCM - cho rằng cần phải tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật và cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Sự gắn kết từ phía doanh nghiệp và nhà trường cần quy định rõ vai trò và trách nhiệm của các bên là doanh nghiệp, nhà trường, người học và người lao động để mang lại hiệu quả tốt hơn trong quá trình phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Bà Lê Thị Thúy Tiên, Giám đốc Nhân sự, Công ty CP Đầu tư Địa ốc Sài Gòn King Land nhấn mạnh vào mô hình cố vấn hướng nghiệp mentoring với sự liên kết, hỗ trợ chặt chẽ giữa cố vấn mentor đến từ doanh nghiệp với sinh viên trong vai trò mentee. Theo bà Thúy Tiên, sự kết hợp giữa hai bên trong một khoảng thời gian đủ dài sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tư duy và năng lực của sinh viên để đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động ngày nay và mô hình này sẽ tạo ra nhiều bước ngoặt cho cả doanh nghiệp và nhà trường, sẽ tạo ra kết quả rõ rệt khi đo lường nhận thức và năng lực của sinh viên trước và sau khi áp dụng.

Nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tăng cường sự gắn kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp; nâng cao năng lực và vị thế của nhà trường và doanh nghiệp, Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM và Khách sạn Majestic Sài Gòn tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia năm 2024 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”.

Hội thảo sẽ được diễn ra vào sáng ngày 9/8/2024 tại Khách sạn Majestic (số 1 Đồng Khởi, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM). Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều đơn vị, cá nhân và nhận được 62 báo cáo khoa học của các nhà khoa học, cán bộ quản lý, chuyên gia và đội ngũ nhà giáo từ 10 tỉnh thành trên cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả gắn kết doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO