Công nghệ

Năm 2022: TP.HCM xếp thứ nhất về thể chế số, hạ tầng số

Khởi Giao 18/07/2023 - 15:06

Năm 2022, TP.HCM giữ vị trí cao về Thể chế số (thứ 1), Hạ tầng số (thứ 1), Hoạt động chính quyền số (thứ 2), Hoạt động kinh tế số (thứ 4) trên toàn quốc.

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố Kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi số DTI năm 2022. Theo báo cáo xếp hạng, T.PHCM tiếp tục vươn lên xếp hạng thứ 2 toàn quốc. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Thành phố là địa phương có quy mô và mật độ dân số trung bình cao nhất nước được đánh giá triển khai hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số.

TP.HCM dẫn đầu về chỉ số phát triển hạ tầng số

TP.HCM tập trung triển khai hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) các cơ quan Nhà nước trên nền tảng điện toán đám mây tại Trung tâm dữ liệu Thành phố và đảm bảo an toàn thông tin, hạ tầng mạng trong các cơ quan Đảng nhà nước năm 2022.

Chất lượng mạng viễn thông, internet và cáp quang băng thông rộng Thành phố được nâng cao và phủ khắp đến từng nhà người dân, 100% phường xã, thị trấn không có vùng lõm sóng.

Thành phố triển khai, phát động nhiều chương trình hỗ trợ đến người dân như chương trình vận động hỗ trợ điện thoại thông minh cho hộ gia đình khó khăn, chương trình "Sóng và máy tính cho em" máy tính cho học sinh khó khăn, chương trình cấp chữ ký số miễn phí để người dân sử dụng các dịch vụ trực tuyến.

tphcm.jpg
Đây là năm thứ 3 liên tiếp, TPHCM là địa phương có quy mô và mật độ dân số trung bình cao nhất nước được đánh giá triển khai hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số. Ảnh minh họa.

Nền tảng liên thông, chia sẽ dữ liệu TP.HCM (HCM LGSP) với các hệ thống Quốc gia được mở rộng kết nối thông suốt. Thành phố là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện liên thông thành công hệ thống xác thực, định danh điện tử Người dân và Cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công An, Cổng Dịch vụ công Quốc gia và cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính của Văn phòng Chính phủ, các cơ sở dữ liệu Quốc gia về Tư pháp, Bảo hiểm xã hội, Thông tin và Truyền thông… do các Bộ ngành triển khai.

Hơn 1000 đơn vị các sở ban ngành, quận huyện, phường xã thị trấn, Thành phố Thủ đức và các tổng công ty, bệnh viện, trung tâm y tế, trường học đã được triển khai thực hiện kết nối với nền tảng này, giúp tạo luồng liên thông tự động đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp Dịch vụ công cho người dân.

Thành phố đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các dự án số hóa, tạo lập và làm giàu Kho dữ liệu Thành phố bằng việc tiên phong trong ban hành và triển khai Chiến lược quản trị dữ liệu. Cổng dữ liệu của Thành phố đã thực hiện chia sẻ dữ liệu cho các sở, ban, ngành, quận, huyện khai thác và sử dụng, bao gồm: Thông tin doanh nghiệp; Hộ kinh doanh cá thể; Thông tin giao dịch đảm bảo; Thông tin đăng ký quyền sử dụng nhà ở, đất ở; Cơ sở khám chữa bệnh; Chứng chỉ hành nghề y; Cơ sở giáo dục; Dịch vụ giáo dục; Dự án đầu tư nước ngoài; Dự án đầu tư công; Thông tin giá thị trường của một số mặt hàng thiết yếu; Dữ liệu hộ tịch và lý lịch tư pháp…

Kho dữ liệu dùng chung của thành phố đã phục vụ hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm thuộc Chương trình chuyển đổi số của TPHCM, kết hợp xây dựng ứng dụng khai thác, phục vụ cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp.

Thành phố đã đưa vào vận hành các nền tảng lớn dùng chung là hạ tầng dữ liệu quan trọng của Chính quyền số TP.

Nền tảng số hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở hợp nhất hơn 40 phần mềm một cửa điện tử của các quận huyện, sở ban ngành. Đây là nền tảng giúp các cơ quan Nhà nước tại Thành phố thực hiện cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân thống nhất thông qua kho dữ liệu giải quyết thủ tục hành chính dùng chung.

nguoi-dan-nop-ho-so-cap-ho-chieu-qua-cong-dich-vu-cong-quoc-gia.jpg
Người dân TPHCM nộp hồ sơ cấp hộ chiếu qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Ảnh minh họa

Người dân không phải mất thời gian nộp hồ sơ nhiều nơi, nhiều lần, nhiều cửa và là cơ sở để Thành phố liên thông giữa các cơ quan nhà nước, tối ưu hóa quy trình, công khai minh bạch tình trạng xử lý, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công và đẩy mạnh cải cách hành chính trong thời gian tới.

Nền tảng số hệ thống quản trị, thực thi Thành phố phục vụ hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước. Đây là nền tảng liên thông của hệ thống văn bản, chỉ đạo, điều hành của hơn 1000 đơn vị bao gồm các sở ban ngành, quận huyện, phường xã, thị trấn, TP Thủ Đức và các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công trên địa bàn Thành phố.

Đây là nền tảng quan trọng giúp tạo lập kho dữ liệu phục vụ quản lý điều hành tổng thể Thành phố, tổng hợp, theo dõi các chỉ tiêu phát triển tình hình Kinh tế - Xã hội Thành phố; giúp lãnh đạo theo dõi việc thực hiện chỉ đạo của Ủy ban, Thành Ủy đến từng cán bộ, viên chức; giám sát tình hình giải quyết kiến nghị của người dân, doanh nghiệp (qua tổng đài 1022) nhằm kịp thời ra quyết định điều hành giúp nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp

TPHCM đi đầu trong Chính quyền số

Thành phố đã triển khai thiết lập quy trình xử lý các thủ tục hành chính, văn bản từ các sở ban ngành, đến TP Thủ Đức, quận huyện, phường xã thị trấn trên môi trường số. 1.542 dịch vụ công trực tuyến được đưa vào vận hành, đạt tỷ lệ 97,7% trên tổng số thủ tục hành chính, trong đó có 400 dịch vụ công đã được rà soát, tái cấu trúc quy trình và được Chủ tịch UBND Thành phố công bố đạt dịch vụ công trực tuyến mức toàn trình.

Thành phố thực hiện đưa vào vận hành quản lý và giám sát tình hình xử lý kiến nghị người dân các lĩnh vực trên môi trường số của 625 đầu mối xử lý qua Cổng 1022; Theo dõi việc thực hiện kế hoạch năm các chỉ tiêu, kinh tế - xã hội của Thành phố với 110 chỉ tiêu của 20 nhóm lĩnh vực các ngành; các công việc thực hiện chỉ đạo của Ủy Ban, Thành ủy của quận huyện, sở ban ngành được nhắc nhở, giám sát trên môi trường số định kỳ hằng tuần.

tp-thu-duc-cong-thong-tin-dien-tu.jpg
Đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử và ứng dụng trực tuyến “TP Thủ Đức”. Ảnh minh họa

Xây dựng đô thị thông minh từ dữ liệu số

Năm 2023, TPHCM xác định Chủ đề về chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh là dữ liệu số.

Mục tiêu trọng tâm là người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Doanh nghiệp được khai thác dữ liệu, dữ liệu mở do cơ quan nhà nước cung cấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh;

Còn cơ quan nhà nước sử dụng dữ liệu từ các hệ thống thông tin theo thời gian thực để hỗ trợ ra quyết định, giảm thiểu hoạt động báo cáo thủ công giữa các cấp.

Năm 2023, TPHCM sẽ tập trung hoàn thành, đưa vào vận hành thống nhất Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TPHCM, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia; hệ thống xác thực định danh, cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an cũng như các CSDL Quốc gia các Bộ ngành.

chuyen-doi-so.jpg
Tại TPHCM, 1.542 dịch vụ công trực tuyến được đưa vào vận hành, đạt tỷ lệ 97,7% trên tổng số thủ tục hành chính, trong đó 400 dịch vụ công đã được rà soát, tái cấu trúc quy trình và được Chủ tịch UBND Thành phố công bố đạt dịch vụ công trực tuyến mức toàn trình. Ảnh minh họa

Hoàn thành chỉ tiêu cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đối với thủ tục đủ điều kiện).

Đối với ứng dụng Công dân số, TPHCM triển khai ứng dụng di động thống nhất của Thành phố để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các dịch vụ của các cơ quan Nhà nước và được phục vụ tại mọi nơi, mọi lúc. Chữ ký số sẽ được tích hợp trên hệ thống để người dân và doanh nghiệp có thể ký trực tiếp vào các biểu mẫu điện tử, có giá trị pháp lý như chữ ký tay và con dấu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

TPHCM hoàn thiện và vận hành nhóm 05 nền tảng phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của Thành phố: (1) Hệ thống theo dõi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo thời gian thực; (2) Hệ thống giám sát việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua Cổng thông tin 1022; (3) Hệ thống theo dõi chỉ số năng lực cạnh tranh của các sở, ngành, địa phương - DCCI; (4) Hệ thống theo dõi mức độ Chuyển đổi số của các sở, ngành, địa phương - DTI; (5) Ứng dụng công dân thống nhất của TP.

Đây cũng là những công cụ quan trọng để điều hành đô thị thông minh theo Đề án của TPHCM; theo đúng yêu cầu của lãnh đạo thành phố là quản trị Thành phố trên các nền tảng số.

TPHCM tổ chức triển khai hai chiến lược quan trọng: Chiến lược quản trị dữ liệu và Chiến lược An toàn thông tin. Trong đó, tập trung phát triển 3 nhóm dữ liệu gồm (1) Nhóm dữ liệu phục vụ Quản lý đất đai - đô thị (2) Nhóm dữ liệu liên quan đến thông tin của Người dân (3) Nhóm dữ liệu về phát triển Tài chính - Doanh nghiệp.

Triển khai đề án thành lập Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM là đơn vị trực thuộc UBND Thành phố để triển khai thực thi Chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số Thành phố nằm thúc đẩy phát triển Kinh tế số, Xã hội số theo Chương trình Chuyển đổi số Thành phố và Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.

TP.HCM đã tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động nhằm lắng nghe và triển khai các chính sách thúc đẩy, nâng cao phát triển kinh tế số của Thành phố như Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai”; Hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo Thành phố với doanh nghiệp, chuyên gia ngành công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông…

Năm 2022, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số cho GRDP của TP.HCM ước đạt 18,66 (năm 2021 là 15,38%).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2022: TP.HCM xếp thứ nhất về thể chế số, hạ tầng số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO