Món ăn nên thuốc từ bồ công anh

LY. HỮU THÀNH| 20/07/2017 15:23

KHPT-Có một loại cây thật lạ mà cũng thật quen, chính là cây bồ công anh. Lạ vì người dân thành phố chúng ta ít có điều kiện để gặp, và quen vì vẫn thường nghe nói đến trong sách vở, và nhất là do cái tên của nó nghe cũng hay hay…

Các loại bồ công anh

Tại Việt Nam có hai loại bồ công anh, một loại thân thấp, tên khoa học là Taraxacum officinale, mọc nhiều tại miền Nam, hiện rất phổ biến trên thị trường, nhưng loại thân cao, mọc nhiều tại miền Bắc, tên khoa học là Lactuca indica thuộc họ Cúc (Asteraceae) mới là loại nằm trong danh pháp khoa học.

Do hình dạng đặc biệt của lá nên bồ công anh còn được dân gian gọi bằng rất nhiều tên như rau bồ cóc, rau lưỡi cày, diếp hoang, diếp dại, mũi mác… Đây là loại cây nhỏ, có đời sống từ 1 - 2 năm, khi phát triển tối đa có thể cao đến hơn 2 m, thân thẳng không có cành chỉ có lá.

Hoa như hoa cúc vàng có đường kính nhỏ chỉ vào khoảng 2 cm, khi hoa tàn sẽ chuyển thành lông tơ trắng có ngậm hạt. Những hạt này khi rụng xuống sẽ tự động phát triển mọc thành cây mới.

Bồ công anh là cây mọc hoang, phân bố chủ yếu ở các vùng ấm thuộc các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Lào, Campuchia và Việt Nam, mọc rải rác khắp mọi nơi (thường ở độ cao dưới 1.000 m) từ trung du đến đồng bằng. Cây thường mọc ở nơi đất ẩm, trong vườn, ven đường đi, bãi sông hoặc trên các nương rẫy hoang.

Thảo dược bồ công anh

Theo đông y, bồ công anh vị đắng ngọt, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, chữa các bệnh mụn nhọt, lở loét, viêm dạ dày - tá tràng, viêm gan, viêm họng, sưng vú do tắc tia sữa, côn trùng chích, rắn cắn, gai đâm, hỗ trợ điều trị ung thư, tiêu hóa kém...

Sau đây là một vài phương thuốc phổ biến:

- Hỗ trợ điều trị ung thư: rễ bồ công anh 20 g, cây xạ đen 40 g sắc với 1 lít nước uống hàng ngày.

- Điều trị sưng vú do tắc tia sữa: lấy 20 g lá bồ công anh khô nấu nước uống hàng ngày. Hoặc lấy 30 - 40 g lá bồ công anh tươi, rửa sạch, thêm ít muối, giã nát, vắt lấy nước uống, còn bã dùng đắp lên nơi vú sưng đau. Thường chỉ dùng 2 - 3 lần là đỡ.

Theo “Mai Sư Phương”, bị sản hậu không thể cho con bú, sữa tích lại làm cho vú căng, sưng đau, lấy lá bồ công anh giã nát, đắp lên ngày 3 đến 4 lần thì khỏi.

- Điều trị ăn uống kém tiêu, hay bị mụn nhọt: lá bồ công anh khô 10 - 15 g; nước 600 ml; sắc còn 200 ml; uống liên tục trong vòng 3 - 5 ngày, có thể kéo dài hơn.

- Điều trị đau dạ dày: lá cây bồ công anh khô 20 g; lá khôi 15 g; lá khổ sâm 10 g; thêm 300 ml nước, nấu sôi trong vòng 15 phút, thêm ít đường vào, rồi chia 3 lần uống trong ngày. Uống liên tục trong vòng 10 ngày, sau đó nghỉ 3 ngày rồi uống tiếp cho đến khi khỏi.

- Chữa trị mụn nhọt, côn trùng chích, rắn cắn, gai đâm…: lấy lá bồ công anh tươi giã nát đắp lên chỗ vết chích. Theo “Cấp Cứu Phương”, bị lở loét lâu ngày không khỏi cũng dùng lá bồ công anh giã nát đắp lên. Riêng trong trường hợp bị rắn cắn thì tốt nhất phải tự mình nhai nát vài lá bồ công anh tươi, trộn thêm ít muối rồi đắp lên chỗ bị cắn sẽ thấy tác dụng kỳ diệu, và để hiệu quả hơn, lặp lại thêm vài lần.

Theo tây y, bồ công anh có thành phần hóa học chính là chất nhựa và quan trọng nhất là flavonoid, là một nhóm hợp chất rất thường gặp trong thực vật, có trong hầu hết các loại rau trái dùng hàng ngày.

Flavonoid có mặt trong tất cả các bộ phận của các loài thực vật bậc cao, đặc biệt là ở hoa, tạo cho hoa những màu sắc rực rỡ để quyến rũ các loại côn trùng giúp cho sự thụ phấn của cây. Trong cây, flavonoid giữ vai trò là chất bảo vệ, chống oxy hóa, bảo tồn acid ascorbic trong tế bào, ngăn cản một số tác nhân gây hại cho cây (vi khuẩn, virus, côn trùng,…), một số còn có tác dụng điều hòa sự sinh trưởng của cây cối.

Các flavonoid còn có khả năng phức hợp với các ion kim loại nên nơi người, có tác dụng như những chất xúc tác ngăn cản các phản ứng oxy hóa, do đó có tác dụng bảo vệ cơ thể, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu, lão hóa, thoái hóa gan, tổn thương do bức xạ.

Nghiên cứu tác dụng sinh học về flavonoid của bồ công anh cho thấy có tác dụng ức chế men oxy hóa khử peroxydase và catalase trong máu của chuột thử nghiệm. Những thí nghiệm tiến hành với huyết thanh người cũng cho những kết quả ức chế men oxy hóa khử rõ rệt. Vì thế flavonoid được xem là một nhóm hoạt chất lớn trong dược liệu.

Từ lâu, người phương Tây đã biết trân trọng cây bồ công anh do những đặc tính tuyệt vời của nó như giúp giải độc bảo vệ cho gan, do vậy cũng làm cho da sáng đẹp hơn, trợ giúp cho những người bị mất cân bằng hormon, bị nhiễm trùng đường tiết niệu, bị viêm vú tái phát và cân bằng nồng độ đường máu.

Bồ công anh còn là thực phẩm, một loại rau ngon đầy dinh dưỡng

Nhưng thú vị nhất là bên cạnh các dược tính trên, bồ công anh còn là một loại rau ngon và tràn đầy dưỡng chất. Đặc biệt lá và rễ chứa rất nhiều vitamin (A, B, C, K…) và khoáng chất (magnesium, kẽm, kali, sắt, calci và cholin).

Điều thú vị nữa là chúng ta có thể ăn bồ công anh bằng đủ cách. Có thể xắt khúc nấu canh với một chút gia vị là có được cho cả nhà một tô canh ngon hết ý. Hoặc có thể làm gỏi cuốn, làm rau sống, làm món xà lách trộn do bồ công anh cũng có vị nhẫn như xà lách. Nhưng theo kinh nghiệm của người viết, ngon nhất là dùng làm rau ăn kèm với bánh xèo, đặc biệt là chỉ cần một mình bồ công anh, không cần thêm thứ rau nào khác. Rau bồ công anh còn có đặc điểm nữa là đã ăn rồi thì không bao giờ quên, đã ăn một lần rồi thì cứ muốn ăn nữa.

Ngoài ra, hoa, lá và rễ bồ công anh còn có thể được dùng làm trà và thậm chí làm cả rượu vang. Trà bồ công anh có hương vị mạnh và thường được kết hợp với các loại thảo mộc khác để tạo thêm hương vị và tăng thêm dưỡng chất.

Làm sao để trồng bồ công anh?

Bồ công anh là loại cây rất dễ trồng. Có thể trồng bằng cách gieo hạt hoặc bằng cây con. Nếu trồng bằng cây con, nhà có chút đất vườn thì chỉ cần dọn một luống đất cho tơi xốp, rắc ít vôi bột thanh trùng và ít phân vi sinh cho có dinh dưỡng rồi cắm cây con trồng đều cách nhau khoảng gang tay.

Nếu nhà không có đất thì có thể trồng trong chậu, chậu lớn vài gang tay thì có thể trồng 3 - 4 cây; chậu nhỏ thì 1 cây. Tưới nước vừa đủ.

Nếu trồng bằng cách gieo hạt thì “bí kíp” đầu tiên là phải có… hạt giống. “Bí kíp” thứ hai là ngâm hạt giống trong nước ấm (một sôi hai lạnh) một ngày đêm, sau đó vớt ra ủ tiếp trong khăn giấy thêm một ngày đêm nữa để giữ ẩm tạo điều kiện cho hạt dễ nảy mầm rồi mới đem ra gieo trong khay chuyên dụng cho đạt 20 - 30 ngày, khi cây đã phát triển đầy đủ thì đem trồng cũng với khoảng cách trên. Điều thứ hai này chính là bí quyết vô cùng quan trọng quyết định cho sự thành công trong việc trồng bồ công anh bằng hạt.

Lưu ý, bồ công anh là loại cây không thích mưa mà cũng không thích… nắng; thích ẩm mà không thích ướt. Nghĩa là đừng nắng quá, ẩm vừa đủ chứ đừng để bị ngập úng. Và do là rễ chùm nên đất cần phải tơi xốp cho rễ dễ phát triển.

Cũng lưu ý thêm, lá rau ngon nhất và dinh dưỡng nhất là khi vào khoảng một gang tay, do vậy, để khỏi uổng phí, hãy canh hái những lá dưới cùng khi chúng đạt độ dài này không cho chúng già và cứ thế mà hái dần lên trên.

Rau vừa sạch, vừa dài ngày, nhiều dinh dưỡng, lại dễ trồng, vậy chúng ta còn chờ gì nữa mà không ra tay trồng một vài chậu bồ công anh nơi ban công hoặc bên hiên để rồi ngày ngày tự tay hái rau sạch “vườn nhà” làm món “xà lách trộn” đầy dưỡng chất cho những người thân yêu của mình?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Món ăn nên thuốc từ bồ công anh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO