Ở Việt Nam, hiện nay vẫn chưa có bất cứ cơ quan, doanh nghiệp nào nghiên cứu, chế tạo và sản xuất máy in chữ Braille tiếng Việt. Trong khi đó, giá thành mua máy in từ nước ngoài sản xuất còn rất cao (40 đến trên 100 triệu đồng/máy). Vì thế, việc chế tạo máy in chữ nổi Braille tự động với quy mô nhỏ, giá thành thấp là vô cùng cần thiết với tình hình thực tế hiện nay.
Ðại diện nhóm tác giả, bạn Nguyễn Văn Bắc chia sẻ, nhóm tiến hành nghiên cứu đi từ phân tích lý thuyết, thực tế để xây dựng lên sơ đồ nguyên lý hoạt động và sơ đồ động học của máy, từ đó đưa ra yêu cầu thiết kế. Dựa vào yêu cầu thiết kế, nhóm dùng phần mềm mô phỏng đưa ra nhiều phương án và từ đó lựa chọn phương án tốt nhất. Sau đó, tiến hành chế tạo hệ thống, rồi tiến đến vận hành thực nghiệm hoạt động của hệ thống. Kết quả, nhóm đã thiết kế và chế tạo thành công máy in chữ nổi Braille cho người khiếm thị; xây dựng thành công thuật toán chương trình chuyển đổi ký tự thông thường sang ký tự nổi Braille. Máy hoàn toàn sử dụng phần mềm chuyển đổi ký tự và phần mềm điều khiển riêng do nhóm viết và phát triển.
Máy gồm 3 phần chính: phần mềm chuyển đổi ký tự Braille trên máy tính; hệ thống điều khiển và cơ cấu chấp hành. Nguyên lý hoạt động như sau: văn bản ở dạng bình thường được đưa vào hoặc đánh trực tiếp trên phần mềm chuyển đổi. Các ký tự chữ bình thường được phần mềm chuyển đổi sang ký tự Braille tương ứng nhưng ở dạng mã hóa 0,1. Văn bản sau khi được mã hóa được nạp vào bộ nhớ của hệ thống điều khiển. Hệ thống điều khiển sử dụng các thông tin văn bản được mã hóa điều khiển cơ cấu chấp hành in văn bản ký tự Braille.
Hiện máy có thể đáp ứng nhu cầu in với quy mô nhỏ ở các mái ấm khiếm thị. Cơ cấu chấp hành và phần mềm chuyển đổi ký tự Braille hoàn toàn do nhóm tự xây dựng, nên việc sửa chữa và cải tiến máy rất dễ dàng. Nhóm đã thử nghiệm tại Hội người mù quận Gò Vấp (TP.HCM), về cơ bản đã đạt đủ yêu cầu đặt ra, nhưng chữ in ra vẫn còn hơi mờ. Do đó, hướng nghiên cứu tiếp theo của nhóm là cố gắng cải thiện cơ cấu của máy nhằm nâng cao tốc độ in và độ rõ của chữ.
Ðề tài đã đoạt giải nhất Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka lần thứ XVII năm 2015 và huy chương vàng Giải thưởng sản phẩm thiết kế chế tạo ứng dụng năm 2015.