Y học

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa - Dành cả thanh xuân tìm cây thuốc Việt!

THIÊN CHƯƠNG 06/05/2024 - 07:16

Con nhà võ, từ nhỏ vốn đã không lạ gì chuyện ngâm thuốc, bó thuốc khi tay chân bị đả thương, thế nhưng Nguyễn Đức Nghĩa - chàng trai đất Bình Định ngày ấy không ngờ rằng cơ duyên đã khiến đời mình gắn bó mấy mươi năm với nghiệp tìm kiếm, ươm trồng và chế biến thảo dược Việt.

Cậu học trò nghèo may mắn gặp ân sư

Sinh ra trong một gia đình nghèo có truyền thống võ thuật và bốc thuốc chữa bệnh tại Bình Định, ngoài đôi mươi, Nguyễn Đức Nghĩa theo bố mẹ vào Phú Khánh, sau đó định cư tại Đồng Nai tiếp tục mưu sinh bằng công việc gia truyền. Năm 1986, chàng trai 27 tuổi thấy Trung tâm Đào tạo Nghiên cứu Y học cổ truyền TP.HCM

tuyển sinh, bèn đăng ký. Kinh tế gia đình khó khăn nhưng với mong muốn được học nghề một cách chính quy, Nghĩa tạm biệt gia đình vào phố, cố hết sức để biết thêm các bài thuốc trên ghế nhà trường.

Nhắc đến cơ duyên của đời mình, vị thầy thuốc nay đã ngoài lục tuần vẫn bồi hồi. Ngày đó thấy cậu học trò mê đọc nhưng không có tiền mua sách, nhà khoa học nổi tiếng về dược liệu lúc bấy giờ là Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi thương và giúp đỡ. Ông cũng chính là người hướng dẫn chàng sinh viên Nguyễn Đức Nghĩa thực hiện đề tài nghiên cứu về dược liệu.

Có đến hàng nghìn học trò, thế nhưng nhân duyên đã khiến cậu học trò nghèo có được sự ưu ái của người thầy. “Thầy không chỉ là người thầy, với tôi, thầy như người cha. Thầy không những dạy kiến thức chuyên môn mà còn nói với tôi về đạo đức làm nghề. Giảng tôi nghe những bài học thế thái”.

luong-y-nguyen-duc-nghia-va-co-giao-su-tien-si-do-tat-loi.jpg
Lương y Nguyễn Đức Nghĩa và cố Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi

Trong suốt thời gian học cùng thầy, “tân sinh y học cổ truyền” Nguyễn Đức Nghĩa đã tìm ra chân lý cho riêng mình khi được giáo sư Đỗ Tất Lợi khai tâm ý thức bảo tồn nguồn dược liệu quý của nước nhà. Kể từ đó Nghĩa dành trọn thời gian cho cỏ cây.

“Cả đời tôi luôn đối diện với câu hỏi, cây thuốc Trung Quốc này Việt Nam mình có không. Rồi từ cảm hứng được truyền từ người thầy của mình, tôi đã đi khắp mọi miền đất nước để tìm kiếm, nhân giống. Đến nay, phòng khám của tôi sử dụng đến 98% cây thuốc Việt. Đây chính là niềm tự hào và là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi đối với công việc của mình”.

Lội suối băng rừng tìm thuốc thuần Việt

Từ lời dạy của thầy, từ ý thức không muốn phụ thuộc vào thảo dược nước ngoài, cùng với niềm đam mê tìm kiếm thuốc quý, lương y Nguyễn Đức Nghĩa ngày đó đã lần theo những chỉ dẫn và mô tả ban đầu của thầy để truy tìm cho bằng được gốc tích của những vị thuốc, trước là để hoàn thiện thêm phần mô tả chi tiết, bổ sung hình ảnh màu, sau nữa là xác định vùng phân bố để loài nào rơi vào nguy cơ cạn kiệt thì tìm cách bảo tồn và nhân rộng.

Ông lý giải, đó là lý do vì sao có những chuyến đi vào rừng sâu núi thẳm, phải đối diện với vô vàn hiểm nguy, thậm chí nhiều lần cận kề cái chết do tai nạn và thú dữ nhưng vẫn luôn hào hứng xông pha. Hơn 30 năm qua, cứ nghe ai nói ở đâu có cây thuốc quý từng được dân địa phương sử dụng hiệu quả là ông lại có mặt. Nhiều người dân địa phương tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đến rừng miền Đông, Tây Nguyên, đến tận núi rừng Tây Bắc đã không còn xa lại với thầy thuốc Nghĩa, cứ thấy cây thuốc là nâng niu đến từng chiếc lá. Tìm được đúng loại thuốc, ông lại cẩn thận hướng dẫn bà con biết vùng rừng mà họ đang sống có rất nhiều cây thuốc quý cần phải giữ gìn.

Nói đến thảo dược và những công dụng đối với việc giúp người, gương mặt người thầy thuốc như bừng sáng. Ông cho rằng, chỉ có thể thốt lên rằng “quá hạnh phúc bởi với thảo dược, việc chữa bệnh chưa bao giờ xảy ra tai biến nào cả”. Cụ thể với bài thuốc suy thận, bài thuốc này đã có trong Y văn, sau đó được ông Nghĩa tìm kiếm và phát hiện loại cây thuốc này có mọc ở một số nơi, kết quả tất cả các bệnh nhân sử dụng loại thảo dược của ông hàng chục năm vẫn khỏe mạnh. Liều thuốc không chỉ giúp hỗ trợ bệnh thận mà còn không gây ra phản ứng bất lợi nào.

Khi nói về kho tàng thuốc Việt, lương y Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng phải dùng hai tiếng “Tự hào”. Nhiều người hỏi tôi, chất lượng thảo dược trong nước như thế nào so với của Trung Quốc, tôi nói ngay tại sao phải so sánh. Với tôi chỉ có thể nói thảo dược Việt Nam có một giá trị đáng để tự hào”.

Sau hơn vài mươi năm tìm kiếm, hiện ông Nghĩa sở hữu vườn thuốc hơn 220 cây thuốc khác nhau. Ngoài mảnh vườn được xem như bảo tàng dược liệu ở tại TP.HCM, lương y còn có nhiều mảnh vườn ươm khác tại các tỉnh Đồng Nai, Đắc Nông...Tất cả với ông là tài sản vô giá. Là thành quả của cả tuổi thanh xuân trèo đèo lội suối tìm kiếm những mầm xanh có thể chữa bệnh cứu người.

luong-y-nguyen-duc-nghia-nguoi-bao-nam-lam-ban-voi-co-cay.jpg
Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, người bao năm làm bạn với cỏ cây

Tự hào mình là người nối nghiệp cha ông trong nghề bốc thuốc, nay lương y Nguyễn Đức Nghĩa càng hạnh phúc hơn khi các con cùng chọn nghề thầy thuốc như cha. Hiện con trai và con dâu của ông Nghĩa đều theo ngành y học cổ truyền, con gái của ông cũng sắp tốt nghiệp y khoa. “Tất cả các con đều tự nguyện chọn nghề chứ tôi không hề áp đặt”.

Nói về thực trạng của y học cổ truyền trong thời hiện đại, lương y Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng tình hình vẫn có nhiều khó khăn. Ngoài các bệnh viện hoặc viện chuyên khoa, còn lại các bệnh viện đa khoa, khi nói về y học cổ truyền chỉ còn khoa vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, còn những gì tinh túy về Đông y nhưng những bài thuốc của Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông, không có cơ hội để đưa vào bệnh viện. Ngay cả các bệnh viện Y học cổ truyền cũng có nhiều lĩnh vực điều trị không được áp dụng (sản, nhi), chính vì thế mọi thứ ngày càng dần mai một. Đây là một điều thực sự đáng tiếc khi một số bài thuốc thuộc lĩnh vực này rất có giá trị nhưng không có cơ hội ứng dụng.

Chọn cuộc sống nhẹ nhàng hoan hỉ giúp đời

Khi được hỏi về cuộc sống và công việc hiện tại, lương y Nguyễn Đức Nghĩa cười hiền “Tôi còn có thể làm gì khác ngoài con đường mà mình đã chọn và thầy đã căn dặn. Duyên số giúp tôi được làm học trò của thầy và thừa hưởng nhiều điều từ thầy, thậm chí tôi còn thấy mình rất may. Tuy nhiên chính điều này luôn nhắc nhở mình phải sống làm sao cho tròn trách nhiệm, đây là một trọng trách không hề đơn giản. Xung quanh tôi có hàng nghìn con mắt từ mọi người luôn nhìn vào tôi nên nếu tôi làm sai điều gì đó thì sẽ rất khó”

Không chỉ nhận được tình thương từ giáo sư Đỗ Tất Lợi, ông Nghĩa còn nhận được sự yêu mến từ những người bà con, từ anh chị em trong gia đình thầy. Trước khi trở về miền Bắc, gia đình của giáo sư đã tin cậy giao căn nhà ở quận 3, nay là Phòng khám Tuệ Lãn, cho lương y Nguyễn Đức Nghĩa để vừa hương khói cho thầy vừa làm phòng mạch khám bệnh cứu người, tiếp nối những đam mê mà giáo sư đang làm dở dang.

“Chỉ riêng bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy trên vai mình phải gánh một việc vừa nhẹ vừa nặng nên tôi phải rèn luyện bản thân mỗi ngày, và ý thức rằng mỗi điều mình đang làm cho học trò mình như thế nào cho ‘coi được’. Bao năm nay tôi thấy mình đang làm tốt mọi thứ, chưa làm phiền ai”.

Với kinh nghiệm và uy tín của mình và với sở trường về thuốc thang, Phòng khám Tuệ Lãn của lương y Nguyễn Đức Nghĩa vẫn ngày ngày đón nhận những bệnh nhân đến điều trị đau lưng, thoái hóa cột sống, đau bụng kinh, cảm, sổ mũi, viêm xoang, đau đầu. Ngoài ra vẫn có những người tin tưởng mắc những bệnh lý khác như gãy xương vẫn tin đến bó và có kết quả điều trị tốt.

Từ lời dặn dò tận tâm tận hiến với y học cổ truyền của giáo sư Đỗ Tất Lợi trước khi ông mất, lương y Nguyễn Đức Nghĩa nguyện lấy lời thầy như kim chỉ nam trong chuyện làm nghề và truyền cảm hứng về nghề đến các thế hệ kế cận. Ở vai trò nào, dù ở cương vị Phó Hội Dược liệu TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Đông y Quận 3, hay chỉ một lương y tự cho mình là người may mắn, thầy thuốc Nguyễn Đức Nghĩa vẫn nói với các học trò từ ĐH Y dược TP.HCM hay các đồng nghiệp trẻ đến từ các tỉnh thành khác, rằng phải làm những điều tốt nhất dành cho bệnh nhân và phải biết độc lập tự chủ dược liệu là điều hiếm hoi và khó khăn mới gầy dựng được. Chính vì thế mọi người cần có ý thức phát huy và gìn giữ.

luong-y-nguyen-duc-nghia-luon-tu-hao-voi-nhung-loai-thuoc-duoc-lam-tu-cay-thuoc-viet-cua-minh.jpg
Lương y Nguyễn Đức Nghĩa luôn tự hào với những loại thuốc được làm từ cây thuốc Việt của mình

Tự hào mình là người nối nghiệp cha ông trong nghề bốc thuốc, nay lương y Nguyễn Đức Nghĩa càng hạnh phúc hơn khi các con cùng chọn nghề thầy thuốc như cha. Hiện con trai và con dâu của ông Nghĩa đều theo ngành y học cổ truyền, con gái của ông cũng sắp tốt nghiệp y khoa. “Tất cả các con đều tự nguyện chọn nghề chứ tôi không hề áp đặt”.

Niềm vui lớn vừa đến với vị lương y lục tuần đầu năm nay khi được Bệnh viện Hoàn Mỹ Quốc tế tặng an tượng Y tổ Hải Thượng Lãn Ông nặng hơn 10 tấn tại vườn nhà. “Đón an tượng về vườn thuốc, tôi hạnh phúc lắm vì sự đóng góp và hy sinh thầm lặng của mình đã được ghi nhận”. Nói về tương lai, lương y Nguyễn Đức Nghĩa cho biết có ý định lập một phòng khám y học cổ truyền trên mảnh đất nhà tại phường Long Bình, TP. Thủ Đức. Ngoài chữa bệnh cứu người, đây còn là nơi vị lương y gặp gỡ các đồng môn cùng các thế hệ học trò vốn yêu quý y học dân tộc và cây thuốc Nam.

Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP.HCM:

Mấy mươi năm qua, dù rất khó khăn về đời sống nhưng lương y Nguyễn Đức Nghĩa vẫn vượt qua tất cả, dồn hết tâm huyết và khả năng cho việc truy tìm, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu nước nhà. Việc làm đó thật rất đáng trân trọng, khâm phục.

Bộ sưu tập nguồn dược liệu của lương y Nguyễn Đức Nghĩa hiện rất phong phú, có nhiều loài quý hiếm. Bởi thế, trong quá trình giảng dạy về y học cổ truyền, chúng tôi đã nhiều lần nhờ vào bộ sưu tập dược liệu của lương y Nguyễn Đức Nghĩa để các học viên được tiếp xúc với nhiều cây thuốc quý của nước nhà chứ không chỉ biết qua sách vở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lương y Nguyễn Đức Nghĩa - Dành cả thanh xuân tìm cây thuốc Việt!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO