Sống xanh

Lục bình - tiềm năng phát triển kinh tế xanh

Hương Cát 02/02/2024 06:00

Với điều kiện tự nhiên nhiều sông ngòi kênh rạch như nước ta, lục bình là nguyên liệu xanh phong phú có thể sản xuất các sản phẩm thủ công và công nghiệp với quy mô lớn.

Tiềm năng từ nguy cơ của lục bình

Lục bình (tên tiếng Anh là water hyacinth, tên khoa học được gọi là Eichhornia crassipes) có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Khoảng năm 1905, lục bình du nhập vào Hà Nội - Việt Nam để trồng làm cây cảnh. Đây là loài thực vật thủy sinh nổi có mạch lớn thích nghi với nhiều môi trường khác nhau, lục bình có năng suất cao và khả năng sinh sản mạnh mẽ, nên đã nhanh chóng sinh sản ra khắp các con sông ở Việt Nam, đặc biệt ở các tỉnh miền Tây.

z5014907836673_09d8e7089ce3826742e9cb0c45b03dca.jpg
Với điều kiện tự nhiên có nhiều sông ngòi kênh rạch như ở nước ta, lục bình là nguồn nguyên liệu xanh phong phú

Sự phát triển nhanh chóng và sinh sôi nảy nở của nó đã gây ra những thảm họa sinh thái nghiêm trọng và có tác động nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế xã hội trên toàn thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Tại các sông, hồ, hồ chứa nước, lục bình đã ảnh hưởng đến giao thông, ngư nghiệp, du lịch và làm tắc nghẽn các đường ống, kênh rạch, ảnh hưởng đến việc cấp nước, tưới tiêu đô thị và công nghiệp.

Khi ở trong vùng nước ngọt, lục bình thường phát triển dưới dạng thực vật nổi hoặc thảm, thành những đảo thực vật trôi nổi tự do trên mặt nước hoặc xen kẽ với các thảm thực vật khác trên bờ sông. Ở những vùng nước giàu dinh dưỡng như ao, hồ bị ô nhiễm, vi khuẩn có thể phát triển nhanh đến mức bề mặt phủ thảm tăng gấp đôi cứ sau 4 - 7 ngày. Những thảm lục bình khỏe mạnh trở thành chất nền cho sự phát triển thứ cấp của cây cói và các loại cây tương tự khác, khiến thảm trở nên rắn chắc hơn, nặng hơn và khó di chuyển hơn, ngay cả đối với những chiếc thuyền lớn.

Tại các sông, hồ, hồ chứa nước, khi lục bình chết, sinh khối phân hủy có thể dẫn đến muỗi sinh sản và suy giảm chất lượng nước cũng như đời sống thủy sinh. Bằng cách che phủ mặt nước, lục bình cản ánh sáng mặt trời và giảm tiếp xúc với không khí, điều này có thể dẫn đến giảm nồng độ oxy hòa tan và nhiệt độ trong nước thấp hơn. Thực vật phù du, động vật phù du, thực vật ngập nước và động vật thủy sinh bị ảnh hưởng bởi thảm lục bình, từ đó tác động đến chuỗi thức ăn và đa dạng sinh học thủy sinh. Vì những đặc điểm này mà lục bình được coi là một trong 10 loài cỏ dại xâm lấn hàng đầu.

z5014907862228_f25c1470f765e06c54e5bcdb793c03eb.jpg
Ước tính 10.000 ha mặt nước, cho ra 1.500 ngàn tấn lục bình khô và có thể điều chế được các sản phẩm thủ công và công nghiệp

Tuy nhiên ngoài những nhược điểm nêu trên, lục bình cũng có một số ưu điểm trên khía cạnh khác. Theo TS. Trần Thanh Tâm, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, tầm quan trọng của lục bình bắt nguồn từ khả năng nó gây ra những hậu quả tiêu cực đối với chất lượng sản xuất và môi trường sống của các vùng nước. Lục bình trở thành một tác nhân tuyệt vời để kiểm soát ô nhiễm nguồn nước.

“Do khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và chất ô nhiễm mạnh mẽ từ vùng nước phú dưỡng/ô nhiễm, khả năng thích ứng cao, thu hoạch tương đối dễ dàng và chi phí thấp so với các loài thực vật ngập nước hoặc nổi lên, lục bình là ứng cử viên xuất sắc để xử lý nước phú dưỡng và xử lý sinh học các vùng nước bị phú dưỡng, vùng nước bị ô nhiễm”, TS Tâm cho biết.

Bên cạnh đó, lục bình là loại thủy sinh có khả năng hấp thụ mạnh các chất dinh dưỡng, phân giải và đồng hóa các chất bẩn trong môi trường nước nhờ vi sinh vật bám trên thân và rễ của chúng, có tác dụng hấp thụ những kim loại nặng (như chì, thủy ngân, strontium) và vì thế có thể dùng để khử trừ ô nhiễm môi trường.

Những ứng dụng xanh từ lục bình

Ngoài ra, lục bình được sử dụng làm thức ăn cho gia súc, thức ăn cho cá, động vật thủy sinh, dùng ủ nấm rơm thay thế cho rơm rạ, làm phân bón hữu cơ cho cây trồng.

luc-binh-duoc-tai-che-thanh-cac-soi-to.jpg
Lục bình đang trở thành xu hướng khi được khai thác như một nguồn tài nguyên tái tạo, nguyên liệu xanh

“Hơn thế nữa, lục bình có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Mỗi năm, lục bình có thể đạt sản lượng 150 tấn chất khô trên 1 ha mặt nước. Như vậy, với điều kiện tự nhiên có nhiều sông ngòi kênh rạch như ở nước ta, lục bình là nguồn nguyên liệu phong phú có thể sản xuất các sản phẩm với quy mô công nghiệp. Ước tính 10.000 ha mặt nước, cho ra 1.500 ngàn tấn lục bình khô và có thể điều chế được các sản phẩm thủ công và công nghiệp”, TS. Trần Thanh Tâm cho biết.

Xơ lục bình phơi khô có thể chế biến để dùng bện thành dây, thành thừng rồi dệt thành chiếu, hàng thủ công, hay bàn ghế.

z5014907860209_69ec9edda48af97b1b7c0deafba4c5b6.jpg
Lục bình là loài xâm lấn, sinh khối của chúng được coi là vật liệu tiềm năng trong việc tạo ra vật liệu thân thiện môi trường

Theo đó, việc tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn ở địa phương cùng với khai thác các nguồn tài nguyên tái tạo là một xu hướng đã và đang được chú trọng. Ngoài ra, biến đổi khí hậu và dự báo nhiệt độ tăng cao đòi hỏi việc quan tâm hơn với các sản phẩm cách nhiệt đáp ứng các tiêu chí thân thiện với môi trường đồng thời giảm tổng mức sử dụng năng lượng và phát thải khí nhà kính của thế giới.

z5014907941371_45c27ba0f199745c710139039be5dcd3.jpg
Các sản phẩm độc đáo từ lục bình

“Bởi vì cần có một cách tiếp cận mới để xử lý sinh khối một cách hiệu quả nên mối quan tâm đến vật liệu cách nhiệt sinh học đã tăng lên rõ rệt kể từ năm 2010. Sợi tơ lục bình nói riêng và sợi thực vật nói chung đã được nghiên cứu để cải thiện khả năng cách nhiệt do cấu trúc rỗng, chi phí thấp, mật độ thấp và độ dẫn nhiệt thấp.

Cho đến nay, cây gai dầu, thân cây bông, cây lanh, trấu, đay, dừa, lõi ngô, rơm rạ, vỏ sầu riêng, chùm chuối, chà là, sợi cọ dầu, lá dứa, thân cây hướng dương, rơm rạ, sậy và gỗ đều có được sử dụng làm chất cách nhiệt. Mà lục bình là loài xâm lấn, sinh khối của chúng được coi là vật liệu tiềm năng trong việc tạo ra vật liệu thân thiện môi trường hoặc composite dựa trên chất nền lục bình”, TS. Thanh Tâm chia sẻ.

Anh Trần Nhật Huy, thuộc nhóm nghiên cứu về các phương pháp sử dụng sợi tơ lục bình của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết, sợi lục bình đã được nghiên cứu và làm vật liệu gia cố tổng hợp ở dạng thân cây, thân cây băm nhỏ, mùn cưa và bột đã tạo ra vật liệu composite.

z5014907959141_ddd4baea23127263081def14c6d72af4.jpg
Việc tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn ở địa phương như lục bình cùng với khai thác các nguồn tài nguyên tái tạo là một xu hướng đã và đang được chú trọng.

“Việc sử dụng sợi lục bình làm vật liệu nền giúp tăng cường độ bền kéo, độ bền nén, độ bền uốn của composite tạo ra nhiều tiềm năng trong ứng dụng so với vật liệu composite thông thường”, Anh Huy cho biết.

Lượng lục bình lớn ở Việt Nam gây ra các vấn đề lớn về mặt tự nhiên, đời sống, xã hội, kinh tế. Vì vậy việc tận dụng lục bình trên các con sông ở Việt Nam để tạo ra vật liệu composite dựa trên nền sợi lục bình giúp giải quyết các vấn đề đó một cách hiệu quả nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lục bình - tiềm năng phát triển kinh tế xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO