Cộng đồng

Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt: "Chứng nhân" cho bao dời đổi của đất xưa Gia Định

Hà Lam 03/09/2024 - 19:20

Nằm dưới bóng cổ thụ giữa lòng thành phố, Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia lăng Lê Văn Duyệt cổ kính lặng yên làm "chứng nhân" cho bao dời đổi trăm năm của đất Gia Định xưa - TP.HCM nay.

Tọa lạc giữa bốn con đường Lê Văn Duyệt, Vũ Tùng, Phan Đăng Lưu, Trịnh Hoài Đức thuộc quận Bình Thạnh (TP.HCM), Thượng Công Miếu chính là nơi an nghỉ của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, thường gọi là Lăng Ông hay còn được biết đến với tên quen thuộc: Lăng Ông - Bà Chiểu.

Lăng miếu Đức Tả quân tồn tại đến nay đã gần hai thế kỷ. Năm 1988, nơi đây được Bộ Văn hóa công nhận lăng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Di tích gồm khu mộ phần, miếu thờ và nhà bia.

Lễ giỗ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt năm nay được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 2-4/9 (nhằm ngày 30/7 và 1-2/8 âm lịch) với nhiều hoạt động: mời trầu rượu, tặng lộc, hát bội,...

lang-ong-ba-chieu.jpg
Đoàn lân sư rồng đón khách từ cổng chính Thượng Công Miếu nhân dịp Lễ giỗ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt.

Từ đường Vũ Tùng đi vào là Nam Lăng, với cổng Tam Quan dạng vòm đề ba chữ Hán "Thượng Công Miếu", bên cạnh là những gốc thốt nốt cổ thụ đã tồn tại từ thế kỷ trước.

lang-ong-ba-chieu-1.jpg
Phần mộ gồm hai ngôi mộ song táng với mộ Tả Quân bên phải và vợ là bà Đỗ Thị Phẫn bên trái.

Khu mộ phần gồm mộ Đức Tả quân và mộ Tả quân phu nhân Đỗ Thị Phẫn, được đắp bằng kỹ thuật trộn vữa xưa của người Việt, có tường xây chung quanh với bình phong phía trước.

Mộ phần đức Tả Quân là công trình cổ nhất của Lăng Ông, được đắp lại dưới đời vua Thiệu Trị (1841) và tu bổ, đắp cao dưới thời vua Tự Đức (1848).

lang-ong-ba-chieu-4.jpg
Nhà bia ghi công Đức Tả quân, trên nóc được trang trí hình tượng lưỡng long tranh châu.
lang-ong-ba-chieu-2.jpg
Tấm bia có nội dung ca tụng công đức của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt.

Trước khu mộ là nhà bia đề bốn chữ "Lê Công Bi Đình", bên trong có tấm bia đá cổ gọi là "Lê Công Miếu Bi" do Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải đề bút (năm 1894), mặt trước bia phía trên cùng trang trí lưỡng long triều nguyệt, dưới điêu khắc họa tiết hoa sen, nội dung bia ca tụng công đức của Tả Quân đối với nhân dân và triều đình.

z5789678283712_79f3fd3677e4a32e11bdbd294574ab80.jpg
Ngày nay, Lăng Ông được người dân và du khách tới tham quan và cầu bình an.

Công trình miếu thờ nằm ở phía sau khu mộ, xây theo quy cách tiền điện, trung điện và chánh điện. Miếu lợp ngói âm dương, trên nóc có các hình tượng chim công, chim trĩ, ông Nhật, bà Nguyệt,...

Trong chánh điện đặt tượng đồng Đức Tả quân được đúc từ 2008, hai bên phối thờ Văn quan - Hiệp biện đại học sĩ Phan Thanh Giản và Võ quan - Đức quận công thiếu phó Lê Chất.

phu-dieu-tai-lvd.jpg
Phù điêu như Long Mã Hà Đồ tại Lăng Ông.

Miếu thờ là một công trình kiến trúc tinh xảo với kỹ thuật chạm khắc gỗ, đá và khảm sành sứ tiếp thu từ nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế, nổi bật với các phù điêu như Long Mã Hà Đồ, Cá chép hóa rồng,…

lang-ong-ba-chiueu-6.jpg
Những tán cây cổ thụ rợp bóng trong Lăng Ông.
lang-ong-ba-chieu-3.jpg
Hoa, trái sala nằm trong khuôn viên Lăng Ông.

Không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc, Lăng Ông còn là địa chỉ sinh hoạt văn hóa của người dân thành phố. Vào các dịp trong năm, nơi đây diễn ra các lễ hội mang đậm sắc thái tín ngưỡng truyền thống như Khai hạ - Kỳ yên. Với đủ các nghi thức được nghiên cứu khôi phục từ nghi lễ đình làng xưa như: túc yết, đàn cả, xây chầu - cầu an, hồi chầu, hát bội,…

le-gio-lvd.jpg
Lễ giỗ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt lần thứ 192 được tổ chức trong 3 ngày tại Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia lăng Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Đặc biệt, vào ngày 25/8/2022, lễ Khai hạ - Kỳ yên tại Lăng Ông diễn ra vào mùng 7 tháng giêng (âm lịch) hằng năm đã được công nhận là Di sản văn hóa Phi vật thể quốc gia.

Lăng Ông ngày nay còn là nơi lưu giữ mảng xanh cho thành phố, là địa điểm người dân thường lui tới tập thể dục, tản bộ, hít thở không khí trong lành. Với vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc, Lăng Ông cũng thường được các bạn trẻ yêu thích văn hóa truyền thống chọn để làm nơi nghiên cứu hoặc giao lưu, trao đổi kiến thức lịch sử, cổ phong.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt: "Chứng nhân" cho bao dời đổi của đất xưa Gia Định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO