Lãnh đạo TP.HCM dự lễ giỗ lần thứ 192 Đức Tả quân Lê Văn Duyệt
Ngày 2/9, Đoàn đại biểu TP.HCM tham dự lễ giỗ lần thứ 192 của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia lăng Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Chương trình do Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa quốc gia lăng Lê Văn Duyệt tổ chức nhằm nhớ về Đức Tả quân Lê Văn Duyệt - người có công trong việc giữ an bờ cõi và mở mang vùng đất Nam Bộ.
Tham dự buổi lễ có: ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM; bà Lê Thị Bân - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh; bà Nguyễn Thị Thu Hà - nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM; bà Trần Kim Yến - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM; bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an TP.HCM; nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan, đơn vị khác.
Lễ giỗ Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt lần thứ 192 được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 2-4/9 (nhằm ngày 30/7 và 1-2/8 âm lịch) với nhiều hoạt động ý nghĩa.
Lễ giỗ được thực hiện theo nghi thức tế lễ tiểu cung đình triều Nguyễn, tế tiền hiền - hậu hiền - anh hùng liệt sĩ.
Theo bà Lâm Thị Hoàng Oanh - Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt, với truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", việc tổ chức lễ giỗ nhằm tưởng nhớ các vị tiền nhân, anh hùng liệt sĩ, nhân dân đã có công mở mang bờ cõi, xây dựng, gìn giữ đất nước. Qua đó giáo dục cho các thế hệ mai sau đặc biệt là thế hệ trẻ biết hướng về cội nguồn dân tộc, có tình yêu quê hương tổ quốc một cách thiết thực và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.
Ông Phạm Văn Hùng (60 tuổi, ngụ Đồng Nai) có mặt tại Lăng Ông từ sáng sớm. Năm nay, lễ giỗ trùng với dịp 2/9, ông có cơ hội tới tham quan và thắp hương để bày tỏ lòng biết ơn với Đức Tả quân.
"Tôi tới Lăng Ông nhiều lần, nay tới để thắp hương để bày tỏ lòng biết ơn với một vị quan thanh minh, chính trực. Bên cạnh đó, tôi cầu bình an cho gia đình và để có những câu chuyện kể lại cho con cháu sau này", ông Hùng chia sẻ.
Trong ngày 2/9, ngoài các hoạt động mời trầu rượu, tặng lộc còn có lễ xây chầu, đại bội, hát bội.
Ngày 3/9, nhiều hoạt động diễn ra như cúng ngày chánh giỗ theo nghi thức tế lễ tiểu cung đình triều Nguyễn; tế tiền hiền, hậu hiền, anh hùng liệt sĩ; chương trình nghệ thuật hát bội, Lễ Tôn Vương - Hồi chầu và đón tiếp người dân.
Ngày 4/9 có hoạt động cúng hậu thường (nội bộ) và đón tiếp người dân.
Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 - 1832) là nhà chính trị, quân sự triều Nguyễn. Khi còn giữ chức Tổng trấn thành Gia Định, dưới sự quản lý điều hành tài tình về kinh tế và quân sự của ông, người dân nơi đây được sống trong an bình, no ấm. Ông được ghi nhận là người đã có công trong sự nghiệp mở mang, phát triển vùng đất phía Nam của tổ quốc, đặc biệt là vùng Sài Gòn - Gia Định.