Kỹ sư Môi trường là những người tiên phong trong việc tiếp cận các công nghệ bậc cao ở các cấp độ ứng dụng vận hành, thiết kế quy trình và nghiên cứu hướng mới nhằm đáp ứng các yêu cầu của việc xử lý chất thải đang phát sinh trong môi trường, hướng tới tái chế và cao hơn là tuần hoàn chất thải, biến “chất thải” thành “nguồn tài nguyên mới” trong bối cảnh cạn kiệt tài nguyên đang là vấn đề chung toàn cầu.
Các vấn đề môi trường đang là mối quan tâm hàng đầu và cấp thiết của xã hội hiện nay, cũng như của thế giới nói chung bởi sự liên đới của các vấn đề có phạm vi ảnh hưởng toàn cầu như ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu, thiếu hụt năng lượng, cạn kiệt tài nguyên, suy thoái sinh thái, an ninh nguồn nước...
Nhu cầu nhân lực ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường là rất lớn do tiềm năng nghề nghiệp của ngành được phân bố khá rộng. Kỹ sư môi trường có thể tham gia nhiều công việc khác nhau.
Công nghệ kỹ thuật môi trường đóng vai trò quan trọng
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ và đem lại những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, song song với sự phát triển đó, các vấn đề môi trường phát sinh gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người, cảnh quan tự nhiên, chất lượng môi trường (không khí, nguồn nước, đất...) và trữ lượng tài nguyên; đe dọa nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống con người.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững chung của thế giới, đáp ứng các yêu cầu mới của xã hội và tham gia giải quyết các vấn đề môi trường mang tính chất toàn cầu, nhân lực ngành công nghệ kỹ thuật môi trường (CNKTMT) đóng vai trò quan trọng.
Nhu cầu nhân lực ngành CNKTMT là rất lớn do tiềm năng nghề nghiệp của ngành được phân bố khá rộng. Kỹ sư CNKTMT có thể tham gia nhiều công việc khác nhau.
Từ việc vận hành các hệ thống xử lý chất thải (nước thải, khí thải), các hệ thống xử lý nước cấp cho sản xuất (nước sạch), các lò đốt chất thải rắn làm việc cho các nhà máy/công ty, các đơn vị có chức năng xử lý chất thải rắn; đến tham gia thiết kế/thi công các công trình xử lý chất thải; tư vấn môi trường: các hồ sơ, thủ tục về cấp phép môi trường và dịch vụ liên quan; hay phân tích trong các phòng thí nghiệm; quan trắc chất lượng môi trường; nghiên cứu phát triển công nghệ (R&D); sales dự án và thiết bị; chuyên gia tư vấn các dự án về biến đổi khí hậu/ tái chế chất thải/ năng lượng mới…
Mọi hoạt động sản xuất đều liên quan đến tài nguyên và môi trường
Ba nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển đất nước theo định hướng bền vững là vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội vừa phải bảo vệ môi trường và ứng phó BÐKH. Trong nhiệm vụ thứ hai, khi nói về môi trường, thường thường người ta sẽ gắn việc “quản lý tài nguyên - bảo vệ môi trường”. Ba nhiệm vụ này rõ ràng liên quan chặt chẽ với nhau.
Theo PGS.TS Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng Trường Ðại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM (HCMUNRE), do phát triển công nghiệp ồ ạt thiếu kiểm soát; phát triển kinh tế xã hội, mật độ giao thông tăng nhanh… dẫn đến ô nhiễm không khí; đặc biệt các thành phố lớn đều gặp tình trạng ô nhiễm môi trường. Chúng ta đang đối mặt với nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường từ nguồn đất đai, không khí, nước, tiếng ồn… Tất cả xuất phát từ phát triển kinh tế xã hội.
Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường tác động trực tiếp đến BÐKH. Ô nhiễm toàn cầu làm khí hậu trái đất tăng lên, băng tan, mực nước biển dâng lên khiến Ðồng bằng sông Cửu Long bị ngập mặn. Hay hạn hán ở Tây Nguyên do liên quan đến vấn đề quản lý và khai thác nguồn nước.
Vấn đề môi trường đã trở thành vấn đề toàn cầu. Chúng ta muốn xuất khẩu các sản phẩm từ hoạt động sản xuất tại Việt Nam, bắt buộc chúng ta phải có các chứng chỉ về môi trường. Thực sự điều này đã diễn ra rất nhiều năm, tuy nhiên trong tương lai sắp tới đây, vấn đề nóng lên của toàn cầu, BÐKH đang ngày càng gay gắt, chắc chắn điều kiện cũng sẽ trở nên càng khắt khe hơn.
Doanh nghiệp cần có kỹ sư, cử nhân chuyên ngành tài nguyên - môi trường hiểu về luật và hiểu về công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường... đáp ứng phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
“Doanh nghiệp bắt buộc phải có kỹ sư, cử nhân chuyên ngành tài nguyên - môi trường hiểu về luật, và hiểu về công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, để hỗ trợ quy trình xét duyệt, giám sát chuyên môn… đáp ứng sự phát triển bền vững trong giai đoạn mới. Bởi ngoài phải đáp ứng các quy định về vấn đề xả thải, vấn đề gây ô nhiễm môi trường theo từng quy định của địa phương, tiêu chuẩn quốc gia, doanh nghiệp phải tuân theo các tiêu chuẩn của thế giới,” PGS.TS. Huỳnh Quyền nhấn mạnh.
Theo ông, nhu cầu về nguồn nhân lực trong quản lý tài nguyên, BÐKH, phát triển bền vững rất cao. Xu hướng tất yếu của mọi hoạt động sản xuất đều liên quan đến tài nguyên và môi trường. Ví dụ rác thải cũng là nguồn tài nguyên và làm sao xử lý rác thải để làm ra nhiều sản phẩm hơn theo nền kinh tế tuần hoàn. Tài nguyên - môi trường liên quan chặt chẽ đến các lĩnh vực khác.
Tại HCMUNRE, Khoa Môi trường là một trong những thế mạnh, với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ, quản lý tài nguyên, đảm bảo môi trường sạch cho phát triển bền vững và cùng thế giới ứng phó với các vấn đề BÐKH trên toàn cầu.
Biến chất thải thành nguồn tài nguyên mới
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Vân Hà, Trưởng khoa Khoa Môi trường, xã hội Việt Nam đang có những định kiến sai lầm về ngành nghề kỹ sư CNKTMT khi cho rằng kỹ sư Môi trường cũng chỉ như “công nhân vệ sinh”, hay “đây là một trong những ngành khó xin việc làm”, “lao động độc hại, không hợp vệ sinh do tiếp xúc thường xuyên với chất thải…”. Bà Vân Hà khẳng định, đây hoàn toàn là những ý kiến không có cơ sở.
Theo bà, kỹ sư Môi trường là những người tiên phong trong việc tiếp cận các công nghệ bậc cao ở các cấp độ ứng dụng vận hành, thiết kế quy trình và nghiên cứu hướng mới nhằm đáp ứng các yêu cầu của việc xử lý chất thải đang phát sinh trong môi trường, hướng tới tái chế và cao hơn là tuần hoàn chất thải, biến “chất thải” thành “nguồn tài nguyên mới” trong bối cảnh cạn kiệt tài nguyên đang là vấn đề chung toàn cầu. “Chất ô nhiễm không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác”, và để chuyển hóa của chất ô nhiễm trở thành nguồn vật chất có ích, ít gây hại, phần lớn là nhờ vào người kỹ sư CNKTMT.
Họ là những người kỹ sư đang thầm lặng thiết kế hoặc làm công tác vận hành tại các khu xử lý chất thải rắn, các công trình xử lý nước thải/khí thải; là những nhà nghiên cứu đang nỗ lực thử nghiệm những vật liệu mới, những công nghệ mới, giải pháp mới để xử lý những thành phần độc hại, thu hồi được vật chất có ích mà chúng ta đang lãng phí thải bỏ, cải tạo lại chất lượng môi trường đang ngày càng xuống cấp.
Kỹ sư Môi trường còn là những chuyên gia triển khai những dự án môi trường nhằm tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải ô nhiễm, tạo giá trị kinh tế và sinh thái cho những hoạt động vốn dĩ chỉ nhắm tới lợi ích kinh tế mà gây tiêu tốn tài nguyên và ô nhiễm môi trường.
“Thế giới này sẽ thế nào nếu không có các kỹ sư kỹ thuật môi trường hay cử nhân quản lý tài nguyên và môi trường?”. Ðây là ngành nghề cao quý, đáng trân trọng mang lại cuộc sống chất lượng cao cho mọi thành phần trong xã hội.