Giáo dục

Kỹ năng và nhận thức xanh trong lĩnh vực đào tạo nghề

HỒNG DUNG 02/07/2024 - 16:42

Các trường cơ sở đào tạo nghề đóng vai trò quan trọng trong việc đóng góp cho Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, vì đó là nơi lực lượng lao động được chuẩn bị để đáp ứng các yêu cầu về kỹ năng của nền kinh tế và xã hội đang được xanh hóa

Sáng 2/7, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM (HAMEE) tổ chức Tọa đàm “Đào tạo nghề lĩnh vực cơ khí, theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng sản xuất xanh bền vững”, nhằm mục tiêu hỗ trợ và định hướng nghề nghiệp trong các lĩnh vực ngành cơ khí, công nghệ số, điện và điện tử trên địa bàn TP.HCM, cũng như nâng cao kỹ năng và nhận thức xanh trong lĩnh vực đào tạo nghề.

Tầm quan trọng về kỹ năng xanh trong đào tạo nghề

ong-tran-hoai-nam-pho-chu-tich-hoi-doanh-nghiep-co-khi-dien-tp.hcm-1-.jpg
Ông Trần Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh Nghiệp Cơ Khí – Điện TP.HCM phát biểu tại sự kiện

Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh Nghiệp Cơ Khí – Điện TP.HCM cho biết, sự phát triển của kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 sẽ là một sự cộng hưởng và là một “giải pháp xanh” cho nền kinh tế hướng tới phát triển bền vững và hiệu quả, là một trong những nhiệm vụ quan trọng của quốc gia đoạn 2020 - 2030.

Việc chuyển đổi mô hình sản xuất và tăng cường ứng dụng công nghệ số gắn với định hướng sản xuất xanh, xuất khẩu xanh đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên trường quốc tế.

HAMEE hiện đang triển khai dự MADE BY VIETNAM, nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá cho các DN Việt với các sản phẩm công nghiệp Việt tại thị trường nội địa cũng như kết nối đến thị trường các nước thông qua các chương trình XTTM thương mại. Dự án còn tạo hệ sinh thái hình thành chuỗi cung ứng & chuỗi giá trị cho các DNVN, giúp nâng cao cao chất và lượng của sản phẩm Việt.

“Thông qua tạo đàm, tôi hy vọng sẽ giúp và định hướng nghề nghiệp cho các học sinh, sinh viên đang theo học ngành Cơ khí, công nghệ số, điện và điện tử tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố, nâng cao kỹ năng và nhận thức xanh trong lĩnh vực đào tạo nghề. Vai trò nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế xanh và phát triển bền vững”, ông Nam nói.

Tại sự kiện, TS. Tô Thanh Tuần, Phó Hiệu trưởng, Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 nhận định, các trường cơ sở đào tạo nghề đóng vai trò quan trọng trong việc đóng góp cho Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, vì đó là nơi lực lượng lao động được chuẩn bị để đáp ứng các yêu cầu về kỹ năng của nền kinh tế và xã hội đang được xanh hóa.

Họ có cơ hội tiếp cận với nhiều người và cần được đào tạo thành các đại sứ của quy trình xanh hóa, có khả năng sử dụng và chuyển giao các kỹ năng xanh của mình trong công việc và đời sống cá nhân. Điều này không thể có được bằng phương pháp manh mún hoặc nhỏ lẻ. Cần có một khuôn khổ toàn diện để chuyển đổi các cơ sở đào tạo nghề một cách hệ thống.

Chương trình đào tạo Cơ khí – Tự động chưa đáp ứng yêu cầu quốc tế hóa

nha-kho-tu-dong-hoa-cua-nha-may-sua-vinamilk.jpg
Siêu nhà máy tự động hóa của Vinamilk, Bình Dương

PGS. TS. Trương Nguyễn Luân Vũ, Trưởng khoa Cơ khí Chế tạo máy, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết, cơ khí tự động hoá là việc sử dụng kỹ thuật và công nghệ tự động hoá trong kỹ thuật cơ khí, chuỗi cung ứng, và các quá trình sản xuất để nhằm mục tiêu tự động hoá hoàn toàn, thay thế sự can thiệp trực tiếp của con người. Mục tiêu của cơ khí tự động hóa giúp tăng năng suất, độ chính xác, chất lượng, độ an toàn cao, tính linh hoạt và giảm được chi phí sản xuất.

Trong tương lai gần, lĩnh vực Cơ khí – Tự động hóa sẽ nhanh chóng được phổ biến sâu rộng hơn, ngay cả trong các tác vụ hiện vẫn do con người đóng vai trò chủ đạo như tương tác, truyền thông, điều phối, quản trị, tư vấn, tư duy và ra quyết định.

Các công việc trong tương lai với vai trò hoàn toàn mới, có chuyên môn về công nghệ mới như chuyên gia công nghệ học máy (Machine Learning), phân tích dữ liệu lớn, chuyên gia xử lý tự động hóa và robot, thiết kế giao diện người dùng và tương tác người – máy, kỹ sư cơ khí – robot và chuyên gia về thuật toán chuỗi khối… cũng sẽ tăng cao.

Đối với TP.HCM, tự động hóa trở thành một phần rất quan trọng và không thế tách rời trong việc hiện đại hóa và số hóa doanh nghiệp giúp phát triển kinh tế bền vững cho đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng.

Chính quyền TP.HCM định hướng đào tạo nhân lực trình độ quốc tế là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chương trình hàng đầu trong 7 chương trình đột phá, trong đó có lĩnh vực Tự động hóa.

Theo PGS Luân Vũ, TP.HCM hiện đang có 54 trường đại học, học viện, với hơn 200 ngàn sinh viên đang theo học nhiều ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên, chỉ có một số trường có đào tạo ngành Tự động hóa hoặc những ngành gần Tự động hóa.

Các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Cơ khí – Tự động hóa không ít nhưng các cơ sở đào tạo hiện tại trong TP.HCM chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu quốc tế hóa của các doanh nghiệp nước ngoài.

Từ những hạn chế về việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ cao của các cơ sở đào tạo không thể theo kịp tốc độ phát triển của doanh nghiệp, đến những giới hạn về lực lượng giảng viên đủ năng lực và uy tín quốc tế tại từng trường để có thể cải cách triệt để các chương trình đào tạo của đơn vị mình.

“Việc phát triển nguồn nhân lực trình độ quốc tế về Cơ khí – Tự động hóa tại Tp.HCM, ta cần nghiêm túc thực hiện loạt Nghiên cứu, thu thập, xử lý, phân tích và đánh giá thực trạng về các chương trình đào tạo ngành Cơ khí – Tự động hóa đang được áp dụng ở các cơ sở giáo dục đại học trong địa bàn TP.HCM, so sánh với chương trình đào tạo ở các cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước”, PGS Luân Vũ chia sẻ.

Về vấn đề xanh hóa các cơ sở đào tạo nghề, TS. Tô Thanh Tuần cho rằng, nên xây dựng một hồ sơ đặc biệt và lồng ghép các vấn đề về xanh hóa vào các khóa đào tạo, trên cơ sở năng lực đào tạo và gắn với khuôn khổ hệ thống quản lý tích hợp của nhà trường, các cơ sở đào tạo nghề được xanh hóa nên xây dựng một nội dung (môn học/mô đun) về kỹ năng xanh và lồng ghép các vấn đề về xanh hóa vào các khóa đào tạo của cơ sở.

Nên thực hành theo chương trình giảng dạy và cố gắng giảm thiểu phát thải carbon trong khuôn viên trường học thông quá các dự án xanh, đào tạo chính quy và phi chính quy, hỗ trợ kỹ thuật…

Bên cạnh đó, xây dựng, giới thiệu và lồng ghép các tiêu chí đối với các cơ sở đào tạo nghề xanh vào khái niệm các trường nghề chất lượng cao và tiến hành một chiến dịch “Xanh hóa các cơ sở đào tạo nghề” nhằm hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề hợp tác với các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp để trở thành mô hình mẫu về thái độ và hành vi bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỹ năng và nhận thức xanh trong lĩnh vực đào tạo nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO