Sống xanh

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp – chú trọng phát triển nông thôn bền vững

Mai Thy 16/11/2023 - 21:02

Ngày 16/11, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật (KHKT) TP.HCM tổ chức hội thảo chủ đề “Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp”. Một số mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn tiêu biểu; Hiện trạng, đề xuất một số hướng nghiên cứu kinh tế tuần hoàn phát triển nông thôn bền vững … đã được các đại biểu nêu ra tại hội thảo.

Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam còn nhiều hạn chế

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020: “Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.

Chiến lược phát triển nông nghiệp (NN), nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1520/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong quan điểm phát triển, đã đề cập toàn diện đến NN tuần hoàn bao hàm các nội dung: “Phát triển NN bền vững môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, phát triển NN sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Tại Việt Nam, một số mô hình NN tuần hoàn điển hình trong NN có thể kể đến: Mô hình Vườn - Ao - Chuồng (VAC), Mô hình trồng lúa - trồng nấm - sản xuất phân hữu cơ - trồng cây ăn quả, Mô hình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp, Mô hình sản xuất tổng hợp bò - trùn quế - cỏ/ngô - gia súc, gia cầm – cá, Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm – Food – Feed - Ferlitizer: trồng trọt - thực phẩm - chăn nuôi - phân bón, Mô hình “vòng tuần hoàn xanh” trong các trang trại.

Tuy vậy ở nước ta hiện nay, việc phát triển KTTH trong NN nói chung đang gặp phải một số vấn đề sau: nhận thức của một số doanh nghiệp và nông dân về NN tuần hoàn chưa đầy đủ. Mặc dù ở nước ta, KTTH trong NN đã có từ lâu, song thuật ngữ “NN tuần hoàn” mới được đề cập trong những năm gần đây. Vì vậy, vai trò, lợi ích, bản chất, nội dung, tiêu chí của NN tuần hoàn nói chung và chăn nuôi nói riêng chưa rõ, thậm chí chưa có, dẫn đến nhận thức của các doanh nghiệp và nhất là nông dân về KTTH trong NN còn mơ hồ, chưa đầy đủ. Đây là một trong những rào cản cho phát triển NN tuần hoàn ở Việt Nam.

Mặc dù gần đây, sản xuất NN nước ta đã và đang từng bước quan tâm đến sản xuất NN bền vững, NN hữu cơ, song về cơ bản vẫn chủ yếu chú trọng đến gia tăng sản lượng thông qua gia tăng đầu vào. Vì vậy, trong sản xuất NN nói chung cũng như chăn nuôi tuần hoàn nói riêng vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, sử dụng chất kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ, mà phần lớn trong số đó không được chuyển thành sản phẩm ăn được nhưng thay vào đó, kết quả đầu ra lãng phí và gây hại cho môi trường. Do vậy, chưa tạo ra động lực áp dụng KTTH trong NN nói chung cũng như chăn nuôi tuần hoàn nói riêng.

ts.-hai-an(1).jpg
TS. Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh, phát biểu tại hội thảo

Theo TS. Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh, trong những năm gần đây, KTTH đã thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và chuyên gia trong các nghiên cứu đa ngành. Tuy nhiên, các nghiên cứu cụ thể liên quan đến cộng đồng nông thôn vẫn còn ít so với khu vực thành thị. Sự phát triển của NN hữu cơ và chuỗi cung ứng ngắn hạn có thể đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế sinh học tuần hoàn của các khu định cư nông thôn. Phát triển nông thôn bền vững có thể đạt được nhờ sự kết hợp giữa các phương pháp tiếp cận KTTH với các lựa chọn kinh tế bền vững khác, như kinh tế sinh học, kinh tế xanh, kinh tế kỹ thuật số. Vì thế, cần có quy hoạch không gian, dữ liệu thống kê, thực thi pháp luật và giám sát tốt hơn với sự tham gia của cộng đồng ở các vùng nông thôn.

Báo cáo đánh giá về tác động của hệ thống thực phẩm hiện nay đến tài nguyên thiên nhiên, GS.TS Nguyễn Văn Phước - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT TP.HCM, cho biết: hoạt động NN phát thải 30% khí nhà kính; chịu trách nhiệm cho 80% nạn phá rừng, 90% suy thoái đất, 80% mất dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học; hơn 85% ô nhiễm nước do nitơ và 90% do phốt phát; về đại dương, hơn 89% thủy sản bị khai thác quá mức …

thay-phuoc.jpg
GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT TP.HCM, phát biểu tại hội thảo

Đó là chưa kể đến sự gia tăng dân số đã gây áp lực rất lớn lên các hệ sinh thái NN cũng như gây ra tác động tiêu cực đến môi trường vì tiêu thụ một lượng lớn nước và năng lượng. Thống kê cho thấy, hơn 90% tác động môi trường do sử dụng đất có liên quan đến NN.

Từ những hệ quả trên, có thể thấy, hệ thống thực phẩm hiện tại không bền vững, hệ thống kinh tế hiện nay với mô hình sản xuất – tiêu dùng đã đạt đến giới hạn nguồn tài nguyên sẵn có của Trái đất. Vì thế, theo các chuyên gia, KTTH trong NN là vấn đề thực sự quan trọng và được coi như một giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.

Chú trọng phát triển nông thôn bền vững

Theo TS. Nguyễn Hải An cần chú trọng đến mối quan hệ giữa chất thải hữu cơ (nguồn gốc nông nghiệp hoặc đô thị) và phân bón tự nhiên (phân trộn và phân hủy), vì canh tác hữu cơ và sản xuất khí sinh học là con đường bền vững cho nền kinh tế nông thôn và quá trình này phải được nghiên cứu sâu hơn vì chúng kết hợp cả nền KTTH và phát triển nông thôn bền vững

Nghiên cứu phát triển nông thôn bền vững qua công nghệ đổi mới và tiết kiệm chi phí trong các lĩnh vực cung cấp nước thải, vệ sinh, năng lượng, thực phẩm thiên về các hoạt động quy mô nhỏ hoặc phi tập trung.

Chú trọng các mô hình hợp tác, sự tham gia của cộng đồng và khuyến nghị chính sách nhằm kích thích kinh tế nông thôn hướng tới phát triển bền vững. Nhân rộng các phương pháp hiệu quả của địa phương ở các vùng nông thôn, cũng như đẩy mạnh chính sách gắn kết giữa đô thị và vùng ven đô nhằm giảm khoảng cách phát triển nông thôn - thành thị và bất bình đẳng về kinh tế, xã hội.

Theo GS.TS. Nguyễn Văn Phước, nền KTTH không chỉ giải quyết các thách thức về môi trường mà còn giúp thúc đẩy đổi mới, tạo ra các phương thức kinh doanh mới và tạo việc làm mới thông qua việc tận dụng chất thải NN, phế phẩm và phụ phẩm, cụ thể như: thay thế các sản phẩm từ dầu mỏ bằng các sản phẩm thiên nhiên; xem xét lại mô hình kinh doanh, có thể tái sử dụng bao bì, số hóa; tạo năng lượng từ chất thải sinh khối; giảm thiểu sự thất thoát sau thu hoạch; thu hồi những giá trị từ chất thải…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp – chú trọng phát triển nông thôn bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO