Khám phá Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM (Kỳ 3): Nhân viên điều hành phải có tinh thần 'thép'
Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các nhân viên giám sát, điều hành giao thông tại UTMC vẫn thay nhau làm việc 24/24 giờ và họ phải có “tinh thần thép” để chịu áp lực công việc, chứng kiến sự cố tai nạn giao thông có thể xảy ra.
Bên cạnh cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ vào giám sát, điều hành giao thông thì yếu tố tiên quyết tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (UTMC) vẫn là con người. Để việc giám sát và xử lý các sự cố, tai nạn giao thông được nhanh chóng thì các nhân viên tại UTMC phải làm việc liên tục 24/24 giờ, bất kể ngày đêm hay cuối tuần, lễ, Tết.
Đảm bảo đường hầm và phương tiện lưu thông an toàn, thông suốt
Việc quản lý và khai thác đường hầm sông Sài Gòn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của UTMC ngay từ khi thành lập (năm 2010). Làm việc tại UTMC từ khi thành lập đến nay, từ vị trí nhân viên đến quản lý, ông Đoàn Văn Tấn - Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị cho biết, sau 1 tháng được nhà thầu huấn luyện vận hành, toàn bộ các kỹ sư Việt Nam (khoảng 60 người) đã tiếp nhận và thực hiện được hết, từ vận hành đến bảo hành, sửa chữa… đến nay sau hơn 12 năm, không để xảy ra sai sót nào khi vận hành đường hầm sông Sài Gòn.
Ông Trương Xuân Hùng, Phó đội trưởng Đội Vận hành bảo trì đường hầm cho biết, việc quản lý và vận hành đường hầm thông qua 6 hệ thống chính: thông gió, phòng cháy chữa cháy, thoát nước, điện, chiếu sáng, giám sát giao thông và hệ thống thông tin liên lạc. Hầm sông Sài Gòn có hệ thống bơm, thoát nước để thoát nước mưa, nhất là trong 6 tháng mùa mưa để không bị ngập hầm. Hệ thống điện có nguồn điện dự phòng là máy phát điện và accquy, đảm bảo hệ thống điều khiển và hệ thống chiếu sáng khẩn cấp trong hầm không bị mất khi mất điện. Hệ thống thông gió được hoạt động theo chu trình tự động hoàn toàn và hệ thống chữa cháy tự động cũng đã được đưa vào từ tháng 6/2023. Các hệ thống đều được kiểm tra định kỳ để đảm bảo hoạt động hiệu quả.
“Các anh, em phải thay nhau làm việc liên tục, đảm bảo 24/24 giờ để ứng phó mọi tình huống, đảm bảo đường hầm và phương tiện lưu thông qua hầm được an toàn, thông suốt. Khi có tình huống cần cứu hộ, cấp cứu, sự cố thì các nhân viên đảm nhiệm sẽ điều tiết giao thông, tiếp cận để hỗ trợ người và phương tiện bị sự cố; phối hợp với các lực lượng Cảnh sát giao thông, công an, cứu thương…Phương tiện hỗ trợ của Đội Vận hành bảo trì đường hầm là 9 xe ô tô để cứu hộ và bảo dưỡng đường hầm, 4 xe máy để sử dụng cứu hộ và phân luồng điều tiết giao thông”, ông Trương Xuân Hùng chia sẻ.
“Công việc rất áp lực…”
Ông Đoàn Văn Tấn cho biết, cả Trung tâm có 216 người, trong đó làm công tác điều hành, giám sát giao thông chỉ có 26 người. Để công tác vận hành hệ thống hiệu quả, an toàn, liên tục thì nhân sự được bố trí thành 3 ca, 4 kíp trực theo quy trình thu thập dữ liệu – xử lý – điều khiển giao thông. Mỗi kíp gồm 14 người, trong đó có 8 người vận hành hệ thống thiết bị đường hầm, 5 người vận hành hệ thống giám sát và điều khiển giao thông thành phố, 1 trưởng ca điều hành chịu trách nhiệm toàn bộ công tác giám vận hành hệ thống.
Theo quan sát của phóng viên, các nhân viên điều hành, giám sát giao thông của UTMC chỉ có nam giới. Lý giải vấn đề này, ông Tấn chia sẻ: “Công việc này đến nam giới còn muốn chịu không nổi khi giờ giấc liên tục bất kể ngày đêm và lễ, Tết. Bên cạnh đó rất áp lực về đầu óc: phải ngồi trước màn hình quan sát liên tục, hầu như ngày nào cũng chứng kiến các vụ tai nạn giao thông, có ngày 1 ca xảy ra 4 vụ, có những vụ tai nạn rất khủng khiếp. Vì vậy, nhân viên điều hành, giám sát giao thông phải có tinh thần thép”.
Ông Nguyễn Kỳ Nam, Đội trưởng Đội vận hành giám sát giao thông và ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng ca điều hành (cùng làm việc đã hơn 10 năm tại UTMC) đang làm việc trong một kíp trực cùng chia sẻ với phóng viên: “Công việc rất áp lực, phải yêu công việc mới trụ được. Có những khi đang làm việc, chúng tôi phải chứng kiến những vụ tai nạn giao thông chết người rất kinh khủng. Không những chứng kiến một lần mà kíp trực còn phải phóng to lên, xem tua đi tua lại nhiều lần để cắt thành video clip gửi đến các cơ quan, đơn vị xử lý vụ việc nhằm phục vụ các công tác điều tra. Vậy nên, nhiều vụ việc ám ảnh chúng tôi trong nhiều ngày”.
Ông Đoàn Văn Tấn cho biết, thực trạng công tác giám sát camera giao thông có nhiều khó khăn trong việc phát hiện kịp thời các sự cố giao thông trên đường (nhân viên giám sát trực tiếp từ màn hình tại Trung tâm giám sát và điều khiển). Với định hướng xây dựng một hệ thống giao thông thông minh, UTMC đang tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai ứng dụng AI để máy móc làm việc thay con người nhiều hơn. Trước đó, UTMC hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống giám sát sự cố tự động tại 50 vị trí thường xuyên xảy ra tình trạng giao thông phức tạp đã giúp giảm thời gian phát hiện sự cố (từ 2 – 5 phút xuống còn dưới 60 giây). Từ đó, giúp giải quyết kịp thời sự cố xảy ra, giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản cũng như giảm thiểu việc ùn tắc giao thông của TP.HCM.