Khai mạc Tuần lễ Chuyển đổi số TP.HCM năm 2024
Tuần lễ Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) năm 2024 chủ đề “Công nghệ số - Động lực tăng trưởng mới của TP.HCM” khai mạc sáng 22/10.
Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 tại TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Tin học TP.HCM (HCA) cùng các đơn vị tổ chức Tuần lễ Chuyển đổi số TP.HCM năm 2024 với chủ đề “Công nghệ số - Động lực tăng trưởng mới của TP.HCM”.
Triển lãm công nghệ và nhiều hoạt động, hội thảo
Sự kiện được diễn ra từ ngày 22-23/10/2024 nhằm tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá, nâng cao nhận thức, khuyến khích sự tham gia chuyển đổi số của người dân, chính quyền và doanh nghiệp. Đồng thời, tuần lễ tạo cơ hội kết nối, trao đổi, hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, giải pháp công nghệ, đặc biệt là các sản phẩm, giải pháp công nghệ mới, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giải quyết các bài toán quan trọng tại các lĩnh vực trọng yếu, cũng như phục vụ đời sống, xã hội. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện, góp phần phát triển kinh tế số bền vững tại thành phố.
Trong khuôn khổ Tuần lễ Chuyển đổi số TP.HCM năm 2024, nhiều hoạt động diễn ra như: triển lãm công nghệ với quy mô 50 gian hàng, trưng bày những thành tựu, mô hình, nền tảng số từ các sở, ngành, địa phương; khu vực trải nghiệm các giải pháp, ứng dụng chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực từ các doanh nghiệp công nghệ tiêu biểu của thành phố; quầy hỗ trợ đăng ký chữ ký số và thực hiện tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho người dân thành phố; hoạt động kết nối doanh nghiệp,…
Đặc biệt, chuỗi hội thảo gồm 1 phiên toàn thể và 6 phiên hội thảo chuyên đề, khai thác tiềm lực của các giải pháp, ứng dụng công nghệ trong việc giải quyết các bài toán chuyển đổi số tại các lĩnh vực hạ tầng số, an toàn – an ninh thông tin, công nghệ vi mạch bán dẫn, du lịch bền vững, trí tuệ nhân tạo (AI), văn phòng số, đô thị thông minh,…
Mục tiêu chuyển đổi số toàn diện về chính quyền số
Phát biểu tại phiên toàn thể chủ đề “Công nghệ số - động lực tăng trưởng mới của TP.HCM”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết, thành phố đã phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số của TP.HCM” tại Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 3/7/2020 với mục tiêu đến năm 2025, thành phố thuộc 5 địa phương đứng đầu về Chính phủ điện tử, Kinh tế số chiếm 25% GRDP, đến năm 2030, TP.HCM sẽ hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, dữ liệu được chia sẽ rộng khắp toàn xã hội.
“Qua 4 năm, thành phố đã tập trung hoàn thành nhiều nhiệm vụ và giải pháp chuyển đổi số trọng tâm: đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức; phát triển hạ tầng số; phát triển các nền tảng số dùng chung với quy mô toàn thành phố đảm bảo an toàn an ninh thông tin; thúc đẩy phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực trọng tâm như thương mại điện tử, giao thông vận tải, logistic, tài chính - ngân hàng, năng lượng, du lịch. Thành phố đặt mục tiêu sẽ đưa toàn bộ nền hành chính thành phố vận hành trên các nền tảng số trong năm 2025 hướng tới mục tiêu chuyển đổi số toàn diện về chính quyền số làm cơ sở bền vững thúc đẩy kinh tế số, xã hội số và phát triển đô thị thông minh”, ông Lâm Đình Thắng cho biết.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết thêm, định hướng cụ thể trong thời gian tới của TP.HCM là phát triển nhanh và bền vững thành phố dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải luôn song hành với chuyển đổi xanh, phát triển công nghiệp xanh gắn liền với công nghiệp số. Thành phố ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng số nhằm tạo ra không gian phát triển mới, phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số thành phố, phát triển kinh tế số, xã hội hội số. Kiên trì xây dựng và phát triển nền tảng số là hạ tầng mới trên không gian mạng giải quyết nhanh các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của toàn thành phố.
Kinh tế số đóng vai trò quan trọng, là động lực chính để thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững của thành phố. Thành phố vận dụng tối đa thẩm quyền để xây dựng chính sách cho chuyển đổi số, hoạt động trên môi trường số có tính vượt trội nhằm kiến tạo phát triển kinh tế số và xã hội số, đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
TP.HCM xác định quản trị số dựa trên công nghệ số và dữ liệu số là nền tảng để quản trị thành phố trong giai đoạn 2026 – 20230, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý, góp phần quan trọng vào chủ trương hiện đại hóa quản trị quốc gia. Vận dụng các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển nhanh nguồn nhân lực số để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững. Xây dựng chính sách thu hút hiệu quả các nhà đầu tư tham gia các lĩnh vực có tính chiến lược như phát triển hạ tầng số, công nghiệp công nghệ số nhất là công nghiệp bán dẫn; phát triển các khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung, trí tuệ nhân tạo, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, ….
Trong thời gian tới, TP.HCM cũng phát triển xã hội số, phổ cập kỹ năng số để người dân được tiếp cận kiến thức, trang bị khả năng để tham gia tích cực và thụ hưởng bình đẳng các thành quả trong quá trình chuyển đổi số, chung tay xây dựng một xã hội số bao trùm và toàn diện.