[Infographic] Đề xuất các mô hình kinh tế tuần hoàn cho Cần Giờ
Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED), trực thuộc ĐHQG-HCM, vừa qua đã đề xuất một số mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) áp dụng cho huyện Cần Giờ trong kế hoạch quy hoạch tổng thể Cần Giờ xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo PGS TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng ICED, tiềm năng ứng dụng các mô hình KTTH tại Cần Giờ hiện phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển chung của TP.HCM.
“Cần Giờ có thể bỏ lỡ cơ hội lớn nếu chậm lồng ghép KTTH, bao gồm tính liên vùng, liên ngành, liên lĩnh vực cao, vào quy hoạch phát triển Cần Giờ xanh, hướng tới khu đô thị sinh thái ven biển một cách bền vững”, PGS Quân đánh giá.
KTTH hiện đang là chủ trương lớn của nhà nước, là xu thế tất yếu của thế giới, đồng thời ngoài tiềm năng tự nhiên, xã hội vốn có của Cần Giờ, còn có sự xuất hiện, quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp lớn, các nguồn tài chính xanh.
Từ đó, PGS Quân đưa ra 8 mô hình KTTH tại huyện Cần Giờ về các lĩnh vực, bao gồm: Nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản; Du lịch xanh và bền vững; Năng lượng tái tạo; Nông nghiệp, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe; Khoa học cộng đồng; Đô thị thông minh; Gắn kết cộng đồng; và Giám sát cộng đồng.
Tuy nhiên, PGS Quân cũng chỉ ra những khó khăn chung của việc ứng dụng KTTH hiện nay khi triển khai, bởi KTTH là một lĩnh vực mới, đòi hỏi tính đổi mới, sáng tạo, mô hình thử nghiệm, thí điểm. Bên cạnh đó, KTTH là một quá trình, có tính dài hạn, có tính liên tục đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực lớn; ngược lại, văn bản chính sách, pháp luật hướng dẫn, đặc biệt tính liên ngành, liên lĩnh vực, cũng như nhận thức, năng lực, sự tham gia của xã hội và nguồn vốn đầu tư còn không ít hạn chế…