Dòng chảy

Hội Báo toàn quốc 2024: Sự kiện văn hóa lớn của TP.HCM

PHẠM DUNG 15/03/2024 04:49

Hội Báo toàn quốc năm 2024 không chỉ dành cho báo giới mà còn là sự kiện văn hóa lớn của TP.HCM. Dịp này, Tạp chí Khoa học phổ thông có cuộc trao đổi với các cấp lãnh đạo về những chia sẻ, cũng như những kỳ vọng đối với Hội Báo lần này.

Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM: Nơi giao lưu giữa người làm báo và công chúng!

ong-lam-dinh-thang-giam-doc-so-thong-tin-va-truyen-thong.jpg

Lần đầu tiên Hội Báo toàn quốc năm 2024 được tổ chức tại TP.HCM, đây là dịp tôn vinh những thành tựu to lớn của báo chí Việt Nam nói chung và của TP.HCM nói riêng; quảng bá những sản phẩm báo chí hấp dẫn gắn liền với hoạt động lao động, sáng tạo miệt mài của các nhà báo, cũng là dịp tăng cường giao lưu, gặp gỡ giữa người làm báo với công chúng, khích lệ giới báo chí thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân, góp phần nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của báo chí trong đời sống xã hội.

Hội Báo toàn quốc năm 2024 được tổ chức nhân kỷ niệm 99 năm chặng đường vẻ vang của Báo chí Cách mạng Việt Nam, hướng tới 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đồng thời chào mừng các sự kiện lớn của đất nước và TP.HCM như 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 48 năm Ngày TP Sài Gòn – Gia Định chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

TP.HCM là nơi có nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương và được lựa chọn là nơi tổ chức Hội báo, đây là một vinh dự. UBND TP.HCM rất quan tâm và đã giao nhiệm vụ các Sở, ban ngành hỗ trợ, tạo điều kiện cho Hội báo diễn ra thành công tốt đẹp.

Tôi hy vọng, Hội Báo năm nay được tổ chức với tinh thần đổi mới, sáng tạo, thể hiện thông qua việc mở rộng về quy mô, thay đổi về phương thức tổ chức, hướng đến hình ảnh nền báo chí Việt Nam hiệu quả và hiện đại.

Ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phụ trách phía Nam: Sự kiện văn hóa lớn của TP.HCM

tran-trong-dung.jpg

Sau rất nhiều năm Hội Báo toàn quốc được tổ chức ở Thủ đô Hà Nội, thể theo nguyện vọng của các cấp Hội nhất là các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên miền Trung… mong muốn Hội báo được tổ chức tại TP.HCM – một trung tâm kinh tế - văn hóa – KHCN đồng thời cũng là một trung tâm báo chí – truyền thông lớn của cả nước, sẽ là dịp để các đơn vị báo chí cả nước, tìm hiểu thêm về đời sống, văn hóa của người dân, những thành tựu Thành phố, cũng như các cơ hội, thách thức mà Thành phố đã và đang đối mặt.

Đồng thời, các nhà báo có dịp giao lưu kinh nghiệm làm báo lẫn nhau. Đặc biệt, các công chúng yêu thích báo chí sẽ có dịp được nhìn toàn cảnh báo chí Việt Nam qua hơn 112 gian trưng bày của các cơ quan báo chí, tại con đường đẹp nhất tại TP.HCM- trục đường Lê Lợi (quận 1). Ngoài ra còn có các gian trưng bày và giới thiệu của các cơ sở đào tạo chuyên ngành báo chí- truyền thông tại Hà Nội và TP.HCM.

Tôi mong rằng, qua Hội Báo sẽ mang đến cho công chúng TP.HCM cơ hội được tiếp xúc, giao lưu, thấy được sự phát triển của báo chí Việt Nam thông qua các sản phẩm báo chí truyền thống và hiện đại được thể hiện trên các gian báo chí.

Trong Hội báo lần này, tôi đặc biệt kỳ vọng sự kiện “Diễn đàn báo chí Việt Nam” diễn ra tại khách sạn Rex diễn ra ngay sau lễ khai mạc. Đây có thể xem là sự kiện lần đầu được tổ chức tại Việt Nam với sự tham dự của hơn 600 đồng chí lãnh đạo, Tổng Biên tập, Phó Tổng biên tập… của các cơ quan báo, đài truyền thanh, truyền hình của cả nước, cùng nhau bàn luận về các vấn đề thiết thực, nóng bỏng cho sự phát triển của báo chí Việt Nam, thông qua phiên toàn thể và 10 phiên thảo luận các chuyên Đảng, đề chuyên sâu như Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí, xây dựng môi trường văn hóa báo chí, Đầu tư ứng dụng công nghệ hiệu quả trong các tòa soạn, bảo vệ bản quyền báo chí, Năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời địa AI, phát thanh năng động trong môi trường số, Kinh tế báo chí... giúp các nhà báo nâng cao nhận thức, thêm kinh nghiệm làm báo, từ đó có thể ứng dụng phù hợp cho từng đơn vị báo của mình, đây là một tác động tích cực cho Hội Báo lần này.

Đặc biệt, Hội Báo năm nay lần đầu có khu vực sản phẩm OCOP, gồm 64 gian hàng đến từ 50 tỉnh, thành phố đem đến hàng ngàn sản phẩm đặc sắc riêng có của mỗi vùng miền, giới thiệu đến người dân TP.HCM, nhằm lan tỏa, phát triển các sản phẩm địa phương theo chương trình phát động của chính phủ “Mỗi xã một sản phẩm (One Commune One Product - viết tắt là OCOP)”, bắt đầu từ tháng 8/2022.

Ngoài các hoạt đông chính, Hội Nhà báo VN còn tổ chức một số hoạt động bên lề như Giải bóng đá gồm 12 đội đến từ nhiều vùng miền, các chương trình nghệ thuật đặc sắc tại sân khấu đường Lê Lợi vào các đêm 15/3 và 16/3, triển lãm giới thiệu các thiết bị, phương tiện phục vụ làm báo tại sảnh khách sạn Rex.

Như vậy, có thể nói Hội Báo toàn quốc 2024 không chỉ dành cho báo giới mà còn là sự kiện văn hóa lớn của TP.HCM, chắc chắn sẽ thu hút sự tham gia đông đảo của công chúng, đặc biệt là giới trẻ và những người yêu quý nghề báo.

Với việc Hội Báo toàn quốc được tổ chức tại TP.HCM lần này, Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam cũng coi đây là dịp để Hội rút kinh nghiệm, tiến tới năm 2025 tổ chức Hội Báo kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam thật trang trọng, vui tươi và hấp dẫn hơn nữa.

Tôi tin rằng, không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM mà việc tổ chức Hội Báo ở đâu, chắc chắn ở đó đều được sự đón nhận và đồng hành giúp đỡ, phối hợp, hỗ trợ, tham gia của chính quyền, người dân địa phương, trong đó có những người làm báo. Tuy nhiên, để tổ chức một Hội Báo toàn quốc đạt hiệu quả, đòi hỏi nhiều điều kiện nhất định, như: không gian triển lãm báo chí, giao thông, sức lan tỏa về truyền thông… Tôi nghĩ thời gian tới, Hội Báo toàn quốc, nếu triển khai ở các địa phương khác ngoài Hà Nội, TP.HCM cần chú ý các điều kiện để Hội báo tổ chức thành công.

Ông Nguyễn Tấn Phong - Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM: Đồng hành của báo chí với doanh nghiệp !

ong-nguyen-tan-phong.jpg

Hội Báo lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM - nơi có hoạt động báo chí sôi nổi nhất cả nước, sự kiện năm nay có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Đây cũng là lần đầu tiên trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc có một “Diễn đàn báo chí toàn quốc” tạo môi trường sinh hoạt nghiệp vụ chất lượng cao, với sự tham dự của hơn 60 diễn giả là các nhà báo dày dạn kinh nghiệm, lãnh đạo cơ quan báo chí hàng đầu Việt Nam, các chuyên gia truyền thông quốc tế.

Đây cũng là cơ hội, các chuyên gia trao đổi, tham vấn về giải pháp đưa nội dung lên các nền tảng số; tổ chức, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phát triển báo chí mạng xã hội, tổ chức nội dung theo xu hướng báo chí số (báo chí dữ liệu, báo chị thị giác, báo chí sáng tạo…); triển khai các ứng dụng AI, Chatbot, ChatGPT; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí và quản lý báo chí.

Điểm mới của Hội Báo năm nay là có không gian trưng bày các sản phẩm OCOP và các sản phẩm tiềm năng dựa trên nền tảng lợi thế của các địa phương trong cả nước có chất lượng nổi trội, xuất sắc… Trong đó, ưu tiên sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống được các nghệ nhân, cộng đồng sáng tạo; sản phẩm được chế biến từ các đặc sản, nguyên liệu địa phương nhằm thúc đẩy chế biến sâu và nâng cao giá trị sản phẩm. Đây là việc thể hiện sự đồng hành của báo chí với doanh nghiệp, là cơ hội để lan tỏa, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của các địa phương với công chúng cả nước nói chung và người dân TP.HCM nói riêng.

Với chủ đề “Báo chí Việt Nam – Tiên phong, đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân”, tôi tin rằng Hội Báo toàn quốc năm 2024, sẽ là một điểm nhấn về tính chuyên nghiệp, hiện đại của báo chí. Sự kiện không chỉ là ngày hội lớn của những người làm báo, tôn vinh những thành tựu to lớn của báo chí Việt Nam, quảng bá những sản phẩm báo chí hấp dẫn mà còn là dịp để những người làm báo tiếp xúc trực tiếp với công chúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội Báo toàn quốc 2024: Sự kiện văn hóa lớn của TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO