Dòng chảy

“Hội Báo 2024 tại TP.HCM quy mô lớn nhất từ trước tới nay”

Anh Tú (thực hiện) 15/03/2024 05:26

Hội Báo Toàn quốc năm 2024 do Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, phối hợp UBND TP.HCM tổ chức, diễn ra từ ngày 15 đến 17/3 tại tuyến đường Lê Lợi, Quận 1, TP.HCM. Sự kiện có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và lần đầu được tổ chức ở thành phố mang tên Bác.

anh-1.jpg
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh bày tỏ mong muốn Hội báo Toàn quốc 2024 sẽ nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ công chúng TP.HCM - Ảnh: Thành Đạt

Trước sự kiện quan trọng này, Tạp chí Khoa học phổ thông đã phỏng vấn với ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam về công tác chuẩn bị của Hội báo cũng như các vấn đề xung quanh báo chí trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão.

Lần đầu tiên Hội Báo Toàn quốc được tổ chức tại TP.HCM, Hội Nhà báo có kỳ vọng gì về sự kiện, về công chúng tại TP.HCM?

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh: Kể từ khi tổ chức, Hội báo Toàn quốc thường diễn ra tại Hà Nội. Năm nay, chúng tôi lần đầu tiên muốn tổ chức Hội báo ngoài địa bàn Thủ đô và không nơi nào tốt hơn để tổ chức là TP.HCM, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của toàn quốc. Chúng tôi thấy đưa Hội báo vào tổ chức tại TP.HCM là việc hết sức cần thiết.

Đây không chỉ là lần tổ chức đầu tiên tại TP.HCM mà còn là Hội báo quy mô nhất từ trước tới nay với hơn 120 gian trưng bày. Con số này khiến chúng tôi bất ngờ khi vượt các năm trước vốn chỉ khoảng trên dưới 90 gian trưng bày. Đây cũng là lần đầu tiên Hội báo tổ chức giới thiệu sản phẩm OCOP của các địa phương và rất vui mừng khi nhận được sự hưởng ứng của các tỉnh thành với hơn 60 gian trưng bày.

Đây cũng là năm chúng tôi mong muốn thay đổi hoạt động của Hội báo với các chương trình được tổ chức rất công phu ở lễ khai mạc và bế mạc. Bên lề Hội báo, lần đầu tiên chúng tôi tổ chức Diễn đàn báo chí, sự kiện này hết sức quy mô khi thu hút 800-1.000 lãnh đạo các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí trên toàn quốc. Diễn đàn lần này ngoài 2 phiên toàn thể là phiên khai mạc và bế mạc chúng tôi có 10 phiên thảo luận, với nhiều chú đề rất được giới báo chí quan tâm như: Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí; đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn; năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời đại AI đến cả mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí và doanh nghiệp…

Với sự kết hợp của Hội báo và diễn đàn báo chí, chúng tôi hy vọng sẽ thu hút được sự hưởng ứng của những người làm nghề và công chúng ở TP.HCM.

Bên cạnh đó, sự ủng hộ của chính quyền TP.HCM với Hội báo lần này rất đáng quý. Thành phố đã dành cho Hội báo một phần không gian lớn trên tuyến đường trung tâm Lê Lợi. Chúng tôi kỳ vọng Hội báo lần này, với sự ủng hộ của TP.HCM khi tổ chức trên một con đường trung tâm như vậy sẽ thu hút được đông đảo công chúng của TP đến với Hội báo để tham quan hoạt động báo chí cả nước trong một năm qua ở nhiều gian trưng bày.

Chúng tôi cũng có hai đêm nhạc bên lề Hội báo. Một là đêm nhạc vào ngày 15/3 quy tụ rất nhiều ban nhạc nổi tiếng và một đêm nữa dành cho các sinh viên báo chí thể hiện năng lực của mình.

Ông có nhận xét chung gì về sự hưởng ứng của báo chí các tình phía Nam trong lần đầu tổ chức ở TP.HCM?

Thường các lần Hội báo trước tổ chức tại Hà Nội, báo chí các tỉnh phía Bắc có sự thuận lợi hơn trong đi lại, cũng như công tác chuẩn bị xây dựng gian trưng bày còn các tỉnh xa ở miền Trung, miền Nam sẽ tốn nhiều công sức hơn.

Đổi lại lần này tổ chức tại TP.HCM, báo chí các tỉnh phía Nam thuận tiện hơn về mặt địa lý. Báo chí miền Nam lần này được tổ chức trên “sân nhà”, khoảng cách địa lý được thu hẹp giúp họ có nhiều cơ hội để tổ chức quy mô hơn so với các lần trước.

Tuy nhiên, lần này cũng là cơ hội cho báo chí phía Bắc được tìm hiểu, trải nghiệm về môi trường, không khí các tỉnh phía Nam, để xem các độc giả tại đây đón nhận báo chí của mình ra sao.

Đã từng tham gia hoạt động báo chí ở Nhật và nhiều nước, ông có thể so sánh các triển lãm báo chí trên thế giới với hội báo nước ta? Việt Nam có thể học hỏi được gì từ họ?

Báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhưng mức độ chuyên nghiệp vẫn phải học hỏi báo chí quốc tế. Ngược lại, báo chí Việt Nam cũng có đặc thù riêng mà báo nước ngoài khó học hỏi được. Chúng ta có sự lãnh đạo của Đảng nên tính định hướng, thống nhất rất quan trọng. Nhờ sự lãnh đạo của Đảng nên báo chí chúng ta rất hiệu quả trong công tác tuyên truyền chủ trương đường lối chính sách mà điều thấy rõ hiệu quả trong thời gian thực hiện mục tiêu chống đại dịch Covid-19 trong khi vẫn phát triển kinh tế. Chính sự tuyên truyền có định hướng đã mang lại niềm tin lớn cho công chúng

Ở nước ngoài, các tạp chí phát triển rất mạnh. Các tạp chí Việt Nam hiện nay cần làm gì để vừa phát triển, vừa hoàn thành sứ mệnh tôn chỉ mục đích?

Điểm quan trọng là mỗi tạp chí của chúng ta phải tìm ra thế mạnh riêng của mình, ngách riêng của mình, thay vì phát triển nhạt nhòa không có bản sắc. Các tạp chí nước ngoài dù là về xe cộ, nội thất hay làm vườn, họ đều có cách làm nhất quán, đi theo con đường của riêng họ. Mặc dù ở nước ngoài, cũng có nhiều tạp chí gặp khó khăn nhất định nhưng nhiều tạp chí khác lại chiếm ưu thế so với báo tổng hợp nhiều lĩnh vực.

Bằng chứng nhất là trong làng báo in ở nước ngoài, số lượng đầu báo gặp khó khăn, thậm chí phải giải thể cao hơn nhiều so với các tạp chí do các tạp chí vẫn giữ được ngách riêng của họ. Đây là điều mà các tạp chí Việt Nam cần phải học hỏi. Chúng ta phải kiên định đi theo tôn chỉ mục đích của mình, phát huy thế mạnh của mình thay vì đi theo hướng phát triển nhạt nhòa, không rõ ràng, điều sẽ càng làm cho tạp chí gặp khó khăn.

anh-2.jpg
Nhà báo Lê Quốc Minh khẳng định chuyển đổi số báo chí là sứ mệnh tất yếu - Ảnh: Thành Đạt

Là người luôn khuyến khích ứng dụng công nghệ mới vào báo chí, ông có lời khuyên gì cho công tác chuyển đổi số trong làng báo Việt Nam hiện nay?

Chuyển đổi số là nhiệm vụ bắt buộc của cả xã hội. Trong mọi lĩnh vực, chúng ta đều phải chuyển đổi số do thói quen của người dùng. Với riêng báo chí, công nghệ mang tính hỗ trợ còn nội dung vẫn là quan trọng nhất. Thế nhưng, có nội dung tốt mà không có công nghệ, rất khó tiếp cận với công chúng. Hiện giờ công chúng có thói quen tiếp nhận thông tin qua điện thoại, máy tính bảng và trong tương lai là các thiết bị thông minh khác. Người dùng khi đó có thể không còn thói quen đọc báo bằng văn bản nữa mà tiếp nhận qua hình ảnh, giọng nói…

Do vậy, nếu báo chí chúng ta không thay đổi công nghệ trong tiếp cận công chúng dù nội dung có hay đến mấy cũng không đến được người dùng. Ngoài ra, công nghệ còn giúp chúng ta trình bày nội dung một cách sinh động, bắt mắt và hiệu quả. Do vậy, chuyển đổi số trong báo chí là bắt buộc.

Báo chí chính thống cũng đang trở thành nạn nhân của tin giả lan tràn trên mạng xã hội. Hội nhà báo và các báo cần làm gì để nỗ lực đẩy lùi tin giả, mang lại thông tin chân thực cho công chúng?

Tin giả là vấn đề nhức nhối từ lâu trên thế giới nhưng đặc biệt nổi lên tại Mỹ trong mùa bầu cử 2016 nhưng báo chí lúc đó chưa ý thức được điều này. Cho đến khi xảy ra đại dịch Covid-19, chúng ta đã thấy tác hại của tin giả lan truyền, làm sai lệch thông tin nguy hiểm đến mức nào.

Trong thời gian qua, các cơ quan báo chí, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đã thấu hiểu được tác hại của tin giả. Tuy nhiên, tin giả này rất khó ngăn chặn và trong tương lai nó sẽ tràn lan hơn do tin giả không còn được do con người thực hiện thủ công mà còn do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra.

Nếu chúng ta không có biện pháp ngăn chặn, người dùng sẽ rơi vào lo sợ với ma trận tin giả và còn không biết đâu là thật, đâu là giả. Và khi mất niềm tin vào thông tin, người dùng có thể đánh mất niềm tin vào báo chí.

Đây rõ ràng là thách thức rất lớn với xã hội, với báo chí nhưng cũng là cơ hội để báo chí phát huy vai trò của mình, để cho người dùng thấy họ nên tìm đến thông tin chính thống thay vì những thông tin trôi nổi trên mạng xã hội.

anh-3.jpg
Nhà báo Lê Quốc Minh khuyên các tạp chí ở Việt Nam phải tập trung phát triển chiều sâu - Ảnh: Thành Đạt

Lời khuyên của ông dành riêng cho các tạp chí của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?

Chúng ta (các tạp chí) bỏ công sức, tiền của cho các nội dung có hàm lượng chất xám cao rồi lại đưa miễn phí lên internet. Trong môi trường mà AI phát triển như hiện tại, tôi có lời khuyên là chúng ta không nên cho các công ty công nghệ tự ý sao chép nội dung của chúng ta, bởi vì họ sẽ dựa vào dữ liệu đó để “dạy” cho AI cách sao chép nội dung. Nếu xu thế này kéo dài, sẽ đến lúc người ta không cần báo chí nữa. Chúng ta phải bảo vệ bản quyền, không để họ sử dụng nội dung làm lợi cho họ trong khi nguồn lợi đó đáng ra thuộc về cơ quan tạo ra nội dung gốc.

Vấn đề nữa là chúng ta phải giải quyết được bài toán tạo nguồn thu từ độc giả. Trước kia, các cơ quan báo chí dù ít, dù nhiều cũng kiếm được nguồn thu từ nội dung. Giờ đây, việc kiếm tiền từ quảng cáo ngày càng khó khăn. Chúng ta cũng không còn chạy theo phục vụ số đông để bán quảng cáo nữa nên cần phải biết khai thác nội dung thế mạnh, tập trung tạo nguồn thu từ những độc giả trung thành. Tạo nguồn thu từ độc giả là cách làm bền vững nhất.

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Hội Báo 2024 tại TP.HCM quy mô lớn nhất từ trước tới nay”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO