Giáo dục

GS. Toru Ishida khuyến khích sinh viên tìm hiểu, kết nối vũ trụ ảo

Hoàng Nguyễn 26/03/2024 - 11:29

Giáo sư Toru Ishida khuyến khích sinh viên nên tìm hiểu việc kết nối lĩnh vực mà họ quan tâm đối với vũ trụ ảo metaverse ngay từ bây giờ.

Theo đó, trong hội thảo chủ đề “Agents and Avatars in the Metaverse” tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM mới đây, Giáo sư Toru Ishida đã trình bày tổng quan các nghiên cứu về agent (phần mềm tự động trong không gian ảo), avatar (hóa thân trong không gian ảo dưới sự điều khiển của con người) và tương lai của chúng trong công nghệ siêu vũ trụ ảo metaverse.

giao-su-toru-ishida.jpg
Giáo sư Toru Ishida trình bày tại hội thảo chủ đề “Agents and Avatars in the Metaverse” ở Trường Đại học Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM.

Metaverse là một giả thuyết cải tiến của internet, trong đó nó hỗ trợ một môi trường ảo 3 chiều bền vững qua máy tính cá nhân thông thường cũng như thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường. Con người, trong vai những avatar ảo, tương tác với nhau và những phần mềm trong chiều không gian 3D được phát triển dựa trên nguyên mẫu là thế giới thực.

Tại buổi hội thảo, Giáo sư Toru Ishida đã chia sẻ những kiến thức thú vị về các nghiên cứu trước đó agents (phần mềm tự động trong không gian ảo) và avatars (hình thức số hóa trong không gian ảo di chuyển dưới sự kiểm soát của con người). Ông cũng cùng thảo luận về các nghiên cứu tương lai về agents và avatars trong thế giới ảo; nghiên cứu về tác động của thế giới ảo đối với con người đã được phân tích thông qua các thử nghiệm kiểm soát. Các vấn đề xã hội quan trọng đã được thử qua thông qua các thí nghiệm liên ngành. Về mặt thực tiễn, việc xây dựng cộng đồng trong các trường mạng lớn, du lịch trải nghiệm và những điều tương tự đã được triển khai. Trong lĩnh vực giáo dục, các khóa học về tính năng của máy tính và tạo nội dung đã được bắt đầu tại một số trường đại học.

toru-ishida-3.jpg
Đông đảo sinh viên tham dự hội thảo chủ đề “Agents and Avatars in the Metaverse”.

Từ các công trình mô phỏng 3D vào những năm 1990, agent trong vũ trụ ảo metaverse đang được dùng để mô phỏng hướng dẫn sơ tán, diễn tập sơ tán, thiết kế trợ lý cho tương tác giữa người và người trên không gian ảo… Song song với sự phát triển của agent, các nghiên cứu về avatar mở ra khả năng trải nghiệm đa dạng góc nhìn. Không chỉ ảnh hưởng đến hành vi con người, avatar còn cho con người cơ hội xóa bỏ phân biệt chủng tộc, trải nghiệm không gian học tập thực địa mô phỏng…

Trong lĩnh vực giáo dục, vũ trụ ảo metaverse hỗ trợ cả giáo viên và học sinh có thể gặp nhau bất kể vị trí trong thế giới thực của họ. Từ đó, giáo viên có thể truyền đạt kiến thức của mình đến học sinh một cách chân thực hơn. Giáo viên không chỉ có thể nói về khám phá của họ mà còn có thể cho học sinh xem và nhập vai trong môi trường 3D.

Giáo sư Toru Ishida cho rằng "kỳ vọng phồn thịnh nhanh chóng có thể phai mờ, nhưng số liệu vững chắc như các kính thực tế ảo cho thấy rằng các đột phá trong thế giới ảo sẽ đến trong tương lai gần. Đây có thể là thời điểm thích hợp để khởi đầu giáo dục và nghiên cứu về thế giới ảo tại các trường đại học. Các hoạt động liên ngành có thể được tổ chức để cung cấp bài giảng, phát triển nội dung và tích lũy kết quả nghiên cứu".

sinh-vien.jpg
Sinh viên đặt câu hỏi cho Giáo sư Toru Ishida.

Trong hội thảo, các sinh viên đã đặt nhiều câu hỏi về khả năng ứng dụng của vũ trụ ảo metaverse vào điều trị tâm lý, mô phỏng không gian vũ trụ… Tổng kết các câu hỏi, Giáo sư Toru Ishida cho rằng vũ trụ ảo metaverse khuyến khích ứng dụng các công nghệ trong nhiều lĩnh vực, mở rộng tiềm năng để giải quyết các vấn đề liên ngành. Ông khuyến khích sinh viên nên tìm hiểu việc kết nối lĩnh vực mà họ quan tâm đối với vũ trụ ảo metaverse ngay từ bây giờ.

toru-ishida-2.jpg
PGS.TS Nguyễn Lưu Thuỳ Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM tham dự và chia sẻ tại hội thảo.

Giáo sư Toru Ishida là một trong những chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản chuyên về hệ thống đa tác nhân. Ông là giám sát viên nghiên cứu tại Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản và là giáo sư danh dự của Đại học Kyoto. Ông tham gia thỉnh giảng tại nhiều đại học lớn trên thế giới như Đại học Columbia, Đại học Thanh Hoa, Đại học Baptist Hồng Kông… Ông được bầu làm Thành viên của Viện Kỹ sư Điện và Điện tử (IEEE) năm 2002, Hiệp hội Xử lý Thông tin Nhật Bản (IPSJ) năm 2004 và Viện Kỹ sư Điện tử, Thông tin và Truyền thông (IEICE) năm 2008.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
GS. Toru Ishida khuyến khích sinh viên tìm hiểu, kết nối vũ trụ ảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO